04/07/2018 10:37:00 AM
Gốm Bàu Trúc – sản phẩm lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc Chăm

Làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay, nổi tiếng với những sản phẩm gốm thủ công với kỹ thuật nung gốm độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm.

 

 Các nghệ nhân làng nghề đang hoàn thiện sản phẩm gốm

Đất “nở hoa” từ bàn tay tài hoa của người thợ

Vùng đất Ninh Thuận là nơi có nhiều nét văn hóa riêng, trong đó có nền văn hóa Chăm đặc sắc góp phần làm phong phú, đa dạng văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa các dân tộc địa phương nói riêng.

Người Chăm ở Ninh Thuận vốn được biết đến với rất nhiều nghề truyền thống. Tuy nhiên, trải qua thời gian, các nghề truyền thống cũng dần mai một, cho tới nay chỉ còn nghề làm gốm, nghề dệt và một số làng làm nghề thuốc Nam được giữ gìn và phát triển. Ba làng nghề truyền thống của người Chăm được công nhận chính thức gồm 2 làng dệt là Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và Làng gốm Bàu Trúc. Trong đó, Làng dệt Mỹ Nghiệp và Làng gốm Bàu Trúc nằm trong chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề và nghề truyền thống của người Chăm, cũng là điểm khai thác du lịch văn hóa.

Làng gốm Bàu Trúc nằm ở ven quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10 km về hướng nam. Theo dân gian truyền tụng, tổ nghề của gốm Bàu Trúc là ông Poklong Chanh. Hơn ngàn năm trước, ông từ chối làm quan triều đình về làng dạy cho phụ nữ cách lấy đất, nặn rồi nung thành những dụng cụ, vật trang trí trong nhà. Để tỏ lòng biết ơn tổ nghề, người dân Làng gốm Bàu Trúc đã lập đền thờ tưởng nhớ và tổ chức cúng tế ông vào dịp lễ hội Katê hàng năm (khoảng từ cuối tháng 9 đến tháng 10 dương lịch).

Nét độc đáo của nghề làm gốm nơi đây là phương pháp thủ công chứa đựng tính nghệ thuật cao. Ở nhiều nơi, người ta dùng bàn xoay để nặn gốm, còn các nghệ nhân gốm Chăm vẫn dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những tác phẩm tuyệt vời với mẫu mã phong phú. “Công nghệ” làm gốm ở làng gần như không thay đổi từ xưa đến nay. Điểm khác biệt của “công nghệ” làm gốm ở đây so với mọi nơi khác chính là người thợ di chuyển vòng quanh khối đất để tạo hình sản phẩm. Qua đôi bàn tay thoăn thoắt vê, miết khối đất của nghệ nhân, dần dần chiếc bình, lọ,… đã hình thành trông rất thô sơ.

Ngoài ra, vật liệu cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo tác nên sản phẩm gốm. Đó là một loại đất sét đặc biệt được lấy bên bờ sông Quao, đem về đập nhỏ và trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Lượng cát được trộn vào tuỳ thuộc theo kích thước và công dụng của mỗi loại sản phẩm. Do đó, gốm Bàu Trúc hoàn toàn khác so với gốm của những nơi khác.

 Các sản phẩm được ra đời từ bàn tay tài hoa của các nữ nghệ nhân

Các hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò và hoa văn thực vật; có cả hoa văn móng tay trên vai cổ gốm rất mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng.

Sản phẩm gốm được nung lộ thiên ở nhiệt độ khoảng từ 500 - 6000C trong vòng 6 giờ. Nung gốm phải chọn ngày nắng, củi được chất bên dưới, sản phẩm gốm đặt ở trên theo nguyên tắc lớn dưới, nhỏ trên, phía trên cùng phủ một lớp rơm. Khi gốm chín, nếu là sản phẩm thô cứ để nguyên trên lò, còn sản phẩm mỹ nghệ cần cho ngay gốm vào nước để có màu đỏ đẹp. Với sản phẩm cần nhuộm màu, sau khi nung sẽ được phun hoặc ngâm nước chiết xuất từ cây thị trồng trên núi của Ninh Thuận. Vì vậy, gốm Bàu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, mang theo vẻ “lung linh của nền văn hóa Chămpa” với tính độc bản cao, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Bởi những điều lạ và đặc biệt ấy mà gốm Bàu Trúc được coi là sản phẩm đặc trưng của văn hóa Chăm.

Sản phẩm gốm Bàu Trúc được nung với phương pháp thủ công 

Gốm Bàu Trúc đến với bạn bè quốc tế

Làng nghề hiện tại thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan tìm hiểu. Qua du khách quốc tế, sản phẩm làng nghề đã và đang có mặt ở nhiều nước.

Nghệ nhân Đàng Thị Phan, một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhiều năm gắn bó với nghề, vẫn rất đam mê truyền nghề cho con cháu và bất kỳ ai yêu nghề làm gốm. Bà chính là người đưa gốm Bàu Trúc sang Nhật, Pháp, Malaysia theo các chương trình giới thiệu văn hóa của tỉnh Ninh Thuận... Chia sẻ về niềm tự hào làm nghề, bà Phan cho biết: “Cái độc đáo nhất của nghề gốm Bàu Trúc là không có bàn xoay. Kỳ lạ lắm, chỉ có đất ở vùng sông Quao mới làm được gốm không có bàn xoay thôi. Tôi nhớ lần sang Nhật biểu diễn, tôi lấy đất của tôi lên bàn xoay của Nhật thử làm sản phẩm nhưng không được. Tôi lấy đất của Nhật làm thử bằng tay như kỹ thuật của gốm Bàu Trúc thì đất sụp xuống, còn đất của tôi lên được đến 2m. Người Nhật họ ngạc nhiên lắm”.

Phong phú các sản phẩm của làng nghề 

Cuối năm 2014, trong một lần đến Bàu Trúc tham quan, kiến trúc sư Trần Hùng, một Việt kiều Mỹ, đã nảy ý tưởng và cho khởi động dự án đưa gốm Bàu Trúc vào trang trí tại khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở Mỹ. Chuyến hàng đầu tiên với hơn 500 mặt hàng gốm mỹ nghệ (như tượng thần Siva, tượng thần Ganesa, phụ nữ cầu mưa, phù điêu Apsara, thiếu nữ múa Apsara, đèn lồng các loại...) đã được đóng kiện xuất khẩu sang Mỹ. Hiện nay, gian trưng bày và bán các sản phẩm gốm Bàu Trúc tại California, Texas và Arizona (Mỹ) vẫn thu hút lượng lớn người dân đến xem và mua hàng.

Để bảo tồn và phát triển gốm Bàu Trúc, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận thực hiện một “dự án chiến lược tiếp thị cho gốm Bàu Trúc tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến năm 2020” với tổng vốn đầu tư 26,3 tỷ VNĐ. Trong những năm gần đây, tỉnh đã rất quan tâm đến việc hỗ trợ các nghệ nhân trong đào tạo thế hệ trẻ và xây dựng một khu vực triển lãm cụ thể để trưng bày và giới thiệu gốm Bàu Trúc. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tăng cường truyền thông trên phương tiện truyền thông đại chúng để quảng bá rộng rãi các sản phẩm và tiếp thị tại hội chợ thương mại và các sự kiện, cũng như hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình trong làng để tăng cường các hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trong khi một số làng nghề thủ công khác của Ninh Thuận nói riêng, cả nước nói chung gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, thì Làng gốm Bàu Trúc đã bước đầu tìm ra lối đi riêng trong việc tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Phương châm Làng gốm là làm ra những sản phẩm mà xã hội đang cần trên cơ sở cải biên truyền thống. Từ đó, bán được hàng và tăng thu nhập cho bà con. Đây là một điều đáng mừng của làng nghề truyền thống đã góp phần vào việc duy trì bảo tồn và làm phong phú nền văn hóa dân tộc, đồng thời quảng bá tới bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước qua các sản phẩm của làng nghề. Hy vọng với đề án quy hoạch phát triển làng nghề do tỉnh Ninh Thuận xây dựng, làng nghề ngày càng phát triển, không bị mai một thất truyền.


Diệp Hương (tổng hợp)




 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang