16/02/2018 10:36:00 AM
Giá trị văn hóa Việt từ câu thành ngữ “Mồng Một Tết cha - Mồng Hai Tết mẹ - Mồng Ba Tết thầy”

Lớn lên từ thuở nằm nôi, tiếng hát ru ngày nào vẫn luôn văng vẳng cho đến khi lớn lên, trưởng thành của mỗi người Việt: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” và cả “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Và cứ thế, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” dần thầm nhuần trong tư tưởng, trở thành một nét đẹp văn hóa được gìn giữ trong từng nếp nhà, dưới mỗi mái đình lũy tre. Truyền thống ấy càng trở nên quan trọng vào mỗi dịp đoàn viên “Tết đến Xuân về”, con cháu trong nhà ai cũng phải ghi lòng tạc dạ: “Mồng Một Tết cha/ Mồng Hai Tết mẹ/ Mồng Ba Tết thầy”.

 Ảnh minh họa

Ý nghĩa của câu thành ngữ đối với người Việt

Trong vài năm trở lại đây, người ta bắt đầu tranh luận về việc có nên chăng thay “Tết Ta” bằng “Tết Tây”? Khoan hãy bàn đúng-sai phải-trái, có một sự thật mà khó ai có thể phủ nhận, đó là ý nghĩa thiêng liêng của Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết cổ truyền dân tộc đối với mỗi người con đất Việt. Bánh chưng xanh, mâm ngũ quả, sắc hồng của cành đào đất Bắc hay sắc vàng rực rỡ của hoa mai trời Nam và không khí đoàn tụ gia đình luôn là hình ảnh thân thuộc gắn bó với quê hương, với nguồn cội, để dù có đi đâu, có cách xa bao nhiêu, người ta cũng sẽ trở về trong những ngày năm hết Tết đến.

Bắt nguồn từ ý nghĩa biểu hiện sự giao thoa giữa trời và đất, thần linh và con người từ ngàn xưa, Tết Nguyên đán càng trở nên quan trọng khi đó là dịp đoàn tụ gia đình, là dịp để những đứa con xa quê trở về với quê cha đất tổ. Chẳng ai có thể biết chính xác nguồn gốc của câu thành ngữ “Mồng Một Tết cha/ Mồng Hai Tết mẹ/ Mồng Ba Tết thầy”, nhưng con cháu muôn đời đều ghi lòng tạc dạ, để rồi mỗi dịp Tết đến Xuân về, dù công việc có bận rộn, có ngổn ngang, dù có ở phương trời xa xôi cũng cố gắng tìm về để bày tỏ kính hiếu với đấng sinh thành, dưỡng dục.

“Mồng Một Tết cha/ Mồng Hai Tết mẹ” đề cao giá trị đạo hiếu

Câu thành ngữ nhắc tới hai đấng sinh thành có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời mỗi người là cha - mẹ. Đối với người Việt, hiếu thảo chính là cái gốc của đạo đức gia đình nên từ ngàn đời xưa, ông cha ta đã chọn hai ngày đầu tiên của năm để bày tỏ chữ hiếu, lòng biết ơn đối với công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.

Người xưa có câu “Hiếu vi vạn hạnh chi tiên”, tức là trong muôn đức hạnh của con người, hiếu là đức hạnh trọng yếu thứ nhất. Cha mẹ hy sinh cả đời cho con, mong con khôn lớn trưởng thành thì con cái cũng cần khắc cốt ghi tâm công ơn trời biển ấy như những lời người xưa đã dạy:

“Tu đâu cho tu bằng nhà

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”

Cha - mẹ còn được hiểu rộng ra là gia đình họ nội - họ ngoại, có nghĩa là trong hai ngày Mồng Một và Mồng Hai, con cháu trong nhà sẽ cùng nhau thăm và chúc Tết gia đình hai bên nội - ngoại, vừa để cúng bái gia tiên, vừa để đoàn tụ gia đình. Cuộc sống bộn bề, có lẽ Tết là dịp hiếm hoi để có được đông đủ các thành viên trong gia đình. Chúc Tết phải theo tuần tự từ trên xuống dưới, từ người cao tuổi rồi đến trẻ nhỏ. Lúc này, ông bà ăn mặc chỉnh tề và hạnh phúc nhận lời chúc thọ từ con cháu, rồi sau đó ông bà cũng chúc con cháu ngoan ngoãn, học giỏi và khỏe mạnh. Trong ngày Tết, các cháu sẽ “mừng thọ” ông bà để cầu chúc ông bà thêm sức khỏe, thêm minh mẫn để tiếp tục an hưởng tuổi già. Con cái đã trưởng thành, đã có tài chính ổn định sẽ “mừng thọ” cho cha mẹ để cầu chúc sức khỏe và niềm vui cho các đấng sinh thành.

Đặc biệt đối với người phụ nữ lấy chồng xa, Tết là dịp để trở về với vòng tay cha mẹ, để được chăm sóc và bày tỏ hiếu nghĩa với cha mẹ. Người ta chẳng hay nói “con gái là con người ta”, nuôi nấng chăm bẵm rồi khi lấy chồng sẽ thành con dâu nhà người với trách nhiệm đảm đương lo lắng gánh vác việc bên chồng. Lo cho cha mẹ mà không thể gần, nhớ mà chẳng thể gặp, năm nào cũng chỉ ngóng chờ dịp năm mới để được trở về đoàn tụ với cha mẹ, để được làm tròn bổn phận làm con.

Mồng Ba tết thầy - Đạo làm trò trong ngày đầu năm mới

 Ảnh minh họa

Cùng với cha mẹ - những người mang nặng đẻ đau nuôi dưỡng ta từ lúc còn trong nôi, thầy cũng là người có công ơn vô bờ đối với cuộc đời mỗi con người. Hai ngày đầu năm dành cho cha mẹ thì ngày mồng Ba của năm mới phải được dành để bày tỏ lòng biết ơn đối với người thầy. Chính vì vậy mà mồng Ba Tết được coi là ngày “Tết thầy” cũng giống như ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 ngày nay vậy.

Trong kho tàng văn học cổ Việt Nam, chắc ai cũng đã nghe đến câu tục ngữ “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” được hiểu là “Một chữ cũng là thầy/ Nửa chữ cũng là thầy”. Câu nói này chứa đựng quan niệm dân gian sâu sắc về sự học và đạo thầy trò. Bất kì ai đi học cũng cần bắt đầu từ những kiến thức sơ đẳng nhất, mới có thể có sơ sở tiếp tục mở mang kiến thức cao hơn. Người thầy luôn luôn là đối tượng cần phải kính trọng. Thầy là người cao hơn một bậc về tri thức, về tư cách, về tầm nhìn, không có thầy, chúng ta khó có cơ hội trau dồi kiến thức, tiến bộ để “thành người” và “thành tài”. Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo vốn coi trọng thuyết Tam cương – Ngũ thường. Tam cương là chỉ ba mối quan hệ: vua – tôi, cha – con, chồng - vợ; Ngũ thường là năm đức tính của người đời: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Ấy vậy mà ngay cả tiết nghĩa quân thần cũng phải đứng sau lễ thầy – trò, dù vua là người đứng đầu của cả một đất nước cũng phải cúi đầu trước thầy dạy học.

Không chỉ là một câu thành ngữ cổ

“Mồng Một Tết cha/ Mồng Hai Tết mẹ/ Mồng Ba Tết thầy” không chỉ là một câu thành ngữ dân gian trong kho tàng văn học Việt, mà nó còn là một lời khẳng định giá trị đạo đức trong nếp sống và tư duy mà người Việt đời này qua đời khác cần gìn giữ và phát huy trong bất kì hoàn cảnh nào, dù có hội nhập và phát triển đến đâu.

Đạo cha – con, mẹ - con, đạo thầy – trò, mà cao hơn là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” chính là cái gốc làm nên cốt cách con người. Chính vì vậy, theo quan niệm dân gian, ba ngày đầu năm là ba ngày quan trọng nhất trong năm phải đặc biệt dành để gửi gắm những lời cầu chúc tốt đẹp cho ông bà, bố mẹ và thầy cô giáo - những người có công ơn sinh thành, dưỡng dục và nuôi nấng, dạy dỗ ta nên người.

Tết là dịp để đưa tiễn những điều không may của năm cũ và đón chào phúc lộc năm mới, là dịp để nghỉ ngơi sau một năm dài vất vả, nhưng trên tết cả, Tết là dịp để sum họp, để đoàn viên và để được sống cùng những giây phút hạnh phúc trọn vẹn bên những người quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Ngày nay, cách ăn Tết của người Việt có phần thay đổi, đơn giản hơn, gọn nhẹ hơn, một số phong tục rườm rà không phù hợp cũng dần bị loại bỏ. Nhiều người lựa chọn việc đi du lịch ngày Tết như một cách để tận hưởng những ngày nghỉ dài. Người ta cũng chẳng còn khái niệm “ăn Tết”, “chơi Tết” mà thay vào đó là “nghỉ Tết”. Nhưng dù có thay đổi ra sao, Tết sẽ chỉ trọn vẹn khi ta được trở về với quê hương, được tận hưởng không khí đoàn viên và sự bình an từ hai tiếng “gia đình” như lời ông cha thường nhắn nhủ với con cháu:

“Đi đâu mặc kệ đi đâu

Đến ngày giỗ Tết phải mau mà về”.

Minh Ngọc

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang