04/11/2021 03:02:00 PM
Chờ những tiếng rao trưa

..Ngày tháng trôi đi mang theo nhiều thứ vào xa xăm. Bây giờ không thấy ai gánh đậu hũ theo dọc các con đường. Những cái đòn gánh nhún nhảy trên đôi vai của người phụ nữ và tiếng rao “Ai đậu hũ không?” chỉ gặp thi thoảng dưới bãi biển. Còn tôi, những buổi trưa thinh vắng có khi thấy mình chờ đợi tiếng rao ấy.

Không có một tiếng động nào. Không nghe tiếng xe chạy, không nghe tiếng người cười nói ồn ào, chỉ thỉnh thoảng đột nhiên có tiếng gà gáy lanh lảnh. Tiếng gà gáy buổi trưa không biết báo hiệu điều gì vì lúc đó mọi người đang chìm vào giấc ngủ để lấy lại sức khỏe cho giờ làm việc buổi chiều. Có thể một ai đó không quen ngủ trưa cũng nằm yên nhắm mắt nghỉ ngơi, lắng nghe thời gian lướt nhẹ nhàng qua cửa.

Khi giấc ngủ trưa không đến thì buổi trưa ngắn cũng thành dài, tôi trở dậy ngồi trong phòng khách nhìn ra sân. Ánh nắng trưa vàng và trong vắt như mật ong và không chói chang lắm nhờ những chậu cây nhỏ trong sân. Mặt sân đầy những cái bóng đủ hình thể của mấy tàng lá, có khi nhìn ra cái này cái kia. Con đường trước mặt nhà tuyệt nhiên không có tiếng động. Trong thinh không im ắng ấy đột nhiên trỗi lên một tiếng rao “Ai đậu hũ không?”.

Tiếng rao không ngân nga, chỉ giống như một tiếng gọi lớn hơn khi nói chuyện một chút. Tiếng rao lướt qua nhanh vì người bán chạy xe đạp, khi tôi ra được đến cổng thì chỉ thấy phía sau của chiếc xe bán đậu hũ. Bây giờ người ta đã nghĩ ra cách để người bán đậu hũ đỡ vất vả hơn xưa. Họ bắc ở trên yên phía sau xe đạp một cái giá sắt, một bên là cái thùng nhựa giữ được nhiệt. Phía bên kia dùng để đựng nước đường và ly chén. Người bán cứ đạp xe qua các con phố, có thể vì đạp xe chậm cũng khó nên tiếng rao “Ai đậu hũ không?” thường bị trôi nhanh.

Theo thời gian cái gì cũng khác ngày xưa, mọi thứ có khi đã là hoài niệm để nhớ lại mà vui hay buồn. Ngày xưa, các bà, các cô gánh đậu hũ đi bán dạo, cái đòn gánh dẻo quẹo, một đầu là cái thạp nhỏ màu vàng đất đựng đậu hũ. Đầu kia là cái tủ nhỏ bằng gỗ mỏng có hai tầng, phía trên là cái thố sành đựng đường, thứ đường vàng được thắng thật keo và khi mở nắp thì mùi gừng tỏa ra thơm lừng. Bên dưới là cái thau nhôm nhỏ đựng nước rửa chén, có bỏ miếng lá chuối để dằn cho nước khỏi đổ khi gánh đi. Cái đòn gánh mỏng nhún nhẩy nhịp nhàng trên vai người bán, rất khéo để đậu hũ trong thạp không bị vỡ. Có người gọi thì bà đỡ cái đòn gánh xuống cũng nhẹ nhàng như thế. Khi giở nắp ra, một làn hơi nóng thơm lừng bốc ra quyến rũ bọn trẻ con, chính là những người khách thường trực của gánh đậu hũ.

Ngày nào bọn trẻ chúng tôi cũng trốn ngủ trưa, khi nghe tiếng rao “Ai đậu hũ không?” thì chạy ra ngồi xếp hàng trước hiên nhà ngồi đợi. Bao cặp mắt háo hức nhìn theo bàn tay của dì Ba cầm cái vá nhỏ múc từng lát mỏng đậu hũ bỏ vào cái chén rồi rưới lên một muỗng nước đường thơm nồng mùi gừng. Dì Ba là cách chúng tôi gọi người bán đậu hũ, lâu ngày quá rồi quen. Một hôm, khi dì Ba vừa dừng lại thì một đứa em tôi đuổi bắt nhau chạy quá đà chạm vào đầu gánh của dì, va chạm không mạnh lắm nhưng khi nắp thạp được giở ra thì chúng tôi nín lặng vì sợ. Đậu hũ bên trong vỡ nát. Cách giải quyết của má tôi là mua luôn gánh đậu hũ hôm ấy. Cả nhà tôi và mấy đứa trẻ trong xóm được ăn một bữa đậu hũ no nê, đậu hũ nát như thế hình như không ngon lắm nhưng đó là một kỷ niệm mà chị em chúng tôi nhớ mãi. Bây giờ dì Ba và má tôi đi xa lắm rồi. Ở trên trời gặp nhau không biết hai người có nhớ chuyện gánh đậu hũ khi xưa để mà nhắc với nhau không.

Ngày tháng trôi đi mang theo nhiều thứ vào xa xăm. Bây giờ không thấy ai gánh đậu hũ theo dọc các con đường. Những cái đòn gánh nhún nhảy trên đôi vai của người phụ nữ và tiếng rao “Ai đậu hũ không?” chỉ gặp thi thoảng dưới bãi biển. Còn tôi, những buổi trưa thinh vắng có khi thấy mình chờ đợi tiếng rao ấy. Nhiều hôm không nghe tiếng rao lại thấy buổi trưa như thiếu một điều gì, lại để lòng mình mơ về những kỷ niệm đã thành xa lắc.

Có những nỗi nhớ mỏng manh, giản dị nhưng chứa đựng được cả một hồi ức đầy những điều đẹp đẽ không bao giờ phai màu.

Lưu Cẩm Vân/ Báo Khánh Hòa

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Canh cải rô đồng (26/10/2021)
  • Rau lồng đèn, dư vị khó quên (21/10/2021)
  • Những mùa đậu phộng ngày thơ (19/10/2021)
  • Vị quê dân dã (15/10/2021)
  • Thưởng thức món nem lụi chuẩn Huế (12/10/2021)
  • Cá mòi khô chiên giòn (06/10/2021)
  • Tây Bắc mùa quả núc nác (29/09/2021)
  • Mắm cà - món ngon lưu dấu tuổi thơ tôi (21/09/2021)
  • Nhớ món bánh bèo Cù Lao Chàm (16/09/2021)
  • Đậm đà thị kho dưa cải (14/09/2021)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang