19/03/2021 08:00:00 AM
Bảo tồn và phát huy nghề thêu, may trang phục dân tộc Mông ở Vân Hồ

Để bảo tồn văn hóa trên trang phục của phụ nữ Mông, huyện Vân Hồ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đồng bào tiếp tục duy trì, bảo tồn nghề truyền thống với những nét hoa văn chủ đạo của dân tộc mình.

 Chị Tráng Thị Dua (bên trái) truyền dạy nghề thêu, may truyền thống của đồng bào dân tộc Mông cho con gái. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nghề thêu may trang phục của đồng bào dân tộc Mông luôn được huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm.

Lóng Luông là xã có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đông nhất, chiếm hơn 60% dân số là người Mông trên địa bàn huyện Vân Hồ. Do đó, phụ nữ dân tộc Mông ở đây vẫn giữ được phong tục may, thêu và sử dụng trang phục trong cuộc sống hằng ngày.

Hầu hết các gia đình người Mông đều có máy may và nhà nào có con đi lấy chồng đều được tặng cho một chiếc máy may. Đặc biệt, vào dịp giáp Tết hay những lúc rảnh rỗi, phụ nữ Mông lại tập trung may, thêu trang phục cho mình và gia đình.

Hiện nay, trên địa bàn xã Lóng Luông, nhiều gia đình đã đầu tư mua thêm nhiều máy may trang phục dân tộc để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và khách du lịch.

Chị Tráng Thị Dua, bản Pa Kha, xã Lóng Luông, cho biết gia đình chị làm nghề thêu, may từ thời xa xưa và chị rất yêu nghề này. Đến nay, chị vẫn nối tiếp truyền thống gia đình để duy trì, giữ gìn bản sắc của dân tộc Mông. Hiện chị mở một cửa hàng kinh doanh với nhiều trang phục nam, nữ các loại trên địa bàn xã.

Cùng với đó, chị còn tìm tòi, học hỏi trên mạng Internet những hoa văn độc đáo, lạ, đẹp mắt của dân tộc Mông ở các nước bạn, để có thêm nhiều mẫu mã khác đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Theo chị Tráng Thị Dua, hiện nay, ngoài nhu cầu sử dụng của người dân, du khách khi đến Vân Hồ cũng rất muốn mua trang phục đồng bào dân tộc Mông làm quà lưu niệm và thuê để chụp ảnh. Bởi vậy, chị sưu tầm nhiều mẫu mã trang phục đồng bào Mông phục vụ du khách. Đặc biệt, vào các dịp lễ, tết, có ngày chị bán được gần 100 bộ trang phục đồng bào Mông.

Thời gian tới, chị dự định thành lập một nhóm thêu may từ 15-20 phụ nữ trong bản để giữ gìn, duy trì bản sắc văn hóa của dân tộc Mông và tạo việc làm cho các chị em.

Em Hờ Thị Mai Lan, xã Lóng Luông, chia sẻ em năm nay 15 tuổi nhưng cách đây 3 năm đã được mẹ dạy cho một trong những công việc của thêu, may trang phục dân tộc. Do đó, ngoài thời gian đi học, những lúc rảnh rỗi, em tự thêu, may đồng phục, trang phục cho mình. Sau 3 năm được mẹ chỉ dạy, đến nay, em đã tự thêu may được tất cả những nét hoa văn trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

 Chị Tráng Thị Dua (bên trái) truyền dạy nghề thêu, may truyền thống của đồng bào dân tộc Mông cho con gái.  Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lóng Luông Tếnh A Chìa thông tin, nghề thêu, may trang phục truyền thống dân tộc Mông có từ xa xưa. Hầu hết các hộ người Mông đều tự may trang phục cho gia đình. Đặc biệt, để chuẩn bị cho những ngày lễ, tết, mỗi thành viên trong gia đình phải có từ 1-2 bộ trang phục tự may. Hiện tại, nghề may trang phục truyền thống dân tộc Mông được duy trì và giữ nguyên bản sắc văn hóa dân tộc.

Những năm gần đây, du khách khi đến với Vân Hồ đều yêu thích những bộ trang phục của người Mông bởi màu sắc đẹp, lạ mắt. Trang phục không chỉ phục vụ đồng bào dân tộc Mông mà còn bán cho du khách để làm kỷ niệm. Nhờ đó, mặt hàng này đã trở thành hàng hóa và được nhiều hộ sản xuất phục vụ khách hàng. Một bộ trang phục của đồng bào dân tộc Mông có giá từ 1 triệu đồng trở lên, do đó đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân ở Vân Hồ.

Chị Nguyễn Thị Lư, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Vân Hồ, cho biết huyện Vân Hồ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, huyện tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch gắn với các hoạt động truyền thống của đồng bào.

Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Vân Hồ cũng cho biết để bảo tồn văn hóa trên trang phục của phụ nữ Mông, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đồng bào tiếp tục duy trì, bảo tồn nghề truyền thống với những nét hoa văn chủ đạo của dân tộc mình; tổ chức cuộc thi “Người đẹp trình diễn trang phục Mông” và các hoạt động văn hóa biểu diễn, trình diễn nghệ thuật.

Đồng thời, huyện đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy nghề thêu, may truyền thống; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm đưa trang phục của người Mông trở thành sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa cũng như phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của đồng bào dân tộc Mông.

Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, khích lệ người dân thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự, mà còn được huyện Vân Hồ khai thác tốt để phát triển du lịch, mở ra những cơ hội phát triển mới cho địa phương.

Quang Quyết / TTXVN/Vietnam+

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Sử thi Tây Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá
Nhãn lồng Hưng Yên
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Bánh Cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình
Cổng làng nơi lưu giữ hồn quê
Nghệ thuật Dù kê của người Khmer Nam bộ
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu
Gốm Phù Lãng - Vẻ đẹp mang tên “hồn quê”
Lễ hội Ok Om Bok - sức mạnh kì diệu của Thần Mặt trăng
Muối Cồn Cù chắt chiu từ vị mặn của biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Độc đáo thuyền thúng Phú Mỹ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang