20/10/2011 09:53:24 AM
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: Sẵn sàng đối thoại vì lợi ích dân tộc

LTS: Trong buổi Khai mạc Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hoá, giữ gìn tiếng Việt” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao (Uỷ ban NNVNVNONN) tổ chức tại Hà Nội ngày 14/9/2011, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn hai nhà báo Vũ Hoàng Lân (Phố Bolsa TV) và Etcetera Nguyễn (Việt Weekly) về vấn đề bắc nhịp cầu đối thoại thẳng thắn với những người gốc Việt ở nước ngoài có quan điểm bất đồng với chính quyền Việt Nam. Tạp chí Quê Hương xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn với hai nhà báo kiều bào.

PV: Kính chào ông Thứ trưởng, xin ông có đôi lời đến độc giả, khán giả của chúng tôi ở hải ngoại?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn (Thứ trưởng): Nhân dịp các quý vị phóng viên của Truyền hình Bolsa California về trong nước dự Hội thảo về bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, phát huy giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người VN ở nước ngoài, tôi xin thay mặt Bộ Ngoại giao và Ủy ban NNVNVNOVN gửi tới bà con cô bác, các anh, các chị những người VN sống xa quê hương ở California lời chào, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và tất cả những gì tốt đẹp nhất từ quê hương đất nước gửi tới bà con anh chị em chúng ta ở hải ngoại nói chung và ở California nói riêng.



 Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn trả lời phỏng vấn


PV
: Thưa ông Thứ trưởng, trong điểm nhấn của bài phát biểu của cuộc hội thảo hôm nay, ông nói rằng năm 2010 ông đã có một nỗ lực để xây cầu giữa chính quyền trong nước và khối đồng hương ở hải ngoại. Tuy nhiên, việc làm đó vẫn chưa đạt được những yêu cầu theo như mong muốn mặc dù ông đã có sự kêu gọi, kể cả ông Đại sứ Hoa Kỳ. Điều đó cụ thể như thế nào?

Thứ trưởng: Trước hết, phải nói mong muốn của Nhà nước VN là đoàn kết và hướng bà con người Việt Nam chúng ta ở hải ngoại nói chung về với quê hương đất nước. Hiện nay chúng ta có khoảng gần 4,5 triệu người VN sống ở 104 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, trong đó ở Mỹ đông nhất có 2,2 triệu - đây là theo con số của đoàn Hạ viện Hoa Kỳ mà Hạ nghị sỹ Eni cùng với ông Cao Quang Ánh sang VN thông tin với chúng tôi như vậy.

Tôi cho rằng phân nửa NVNONN hiện nay đang sống ở Mỹ. Đó là một địa bàn đông người VN nhất, đa dạng nhất, phong phú nhất, cũng là nơi chúng tôi mong muốn bà con phát huy truyền thống dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển ngôn ngữ Tiếng Việt trong cộng đồng. Tôi cũng đánh giá cộng đồng người VN tại Mỹ đã làm việc này rất tốt. Có thể nói việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc VN cũng như giữ gìn tiếng Việt, cộng đồng ta ở Mỹ phần lớn làm rất tốt và rất hiệu quả. Thông qua rất nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật mà chính quý vị, các bác, các anh, các chị đang làm tại Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới, góp phần giúp bà con chúng ta gắn bó với nhau hơn ở bên ngoài và ngày càng hướng về quê hương đất nước.

Trong năm 2010, tôi dự định dẫn đầu một đoàn của Ủy ban NNVNVNONN sang thăm bà con ở Mỹ và Canada. Bởi vì, kể từ khi tôi nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban NNVNVNONN từ 2007 đến nay tôi chưa thu xếp được chương trình sang Mỹ và vì còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết trong cộng đồng người VN chúng ta ở một số khu vực Châu Âu, Châu Á, hay ở các quốc gia lân cận VN như Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan. Tôi muốn sang Mỹ cũng còn vì cộng đồng chúng ta bên đó đông và là cộng đồng có nhiều đặc thù phức tạp. Bởi vì không cộng đồng nào trên thế giới giống cộng đồng người Việt chúng ta bên ngoài, có một bộ phận ra đi sau chiến tranh và có một bộ phận ra đi trước chiến tranh. Họ đi trước năm 1975 đi học, đi công tác, làm việc rồi những biến cố chính trị trong nước buộc họ phải ở lại hội nhập với quốc gia sở tại. Có những người ra đi sau 1975, những người đi trong cuối thập kỷ 70 và đầu những năm 80 mà chúng ta vẫn gọi là những “thuyền nhân”. Tôi cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương gác lại quá khứ hướng tới tương lai không phải riêng với cộng đồng người VN chúng ta mà với cả những quốc gia đã từng là kẻ thù của chúng ta như Hoa Kỳ. Chúng ta sẵn sàng thông cảm với quá khứ để hướng tới tương lai tốt đẹp nên chúng ta đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Chúng ta đã có những đoàn sang thăm Việt Nam của cựu chiến binh Mỹ, những người đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh ở VN, thậm chí những người đã gây nên vụ thảm sát ở Sơn Mỹ - Quảng Ngãi. Chúng ta cũng sẵn sàng mời họ sang để chứng kiến sự đổi thay của đất nước VN, để họ chứng kiến lòng vị tha của dân tộc VN, dân tộc luôn luôn mong muốn đoàn kết hữu nghị với các nước và chúng ta luôn luôn dùng nhân nghĩa để đối đáp với tất cả các quốc gia cho nên những cựu chiến binh Mỹ trở lại VN đều ân hận. Những cựu chiến binh Mỹ đã từng tham gia chiến tranh ở VN, khi đến VN đều nhìn thấy sự phát triển của đất nước chúng ta, sự độ lượng, tình cảm của nhân dân VN dành cho họ và họ đều hết sức xúc động kể cả những người đã từng gây ra vụ thảm sát ở Sơn Mỹ, Mỹ Lai.

Tôi cho rằng những cái đó chứng minh đất nước VN hiện nay đang ổn định, có vị thế của mình trên trường quốc tế. Chúng ta củng cố vững chắc vị thế của chúng ta, như tôi đã nói trong Hội thảo ngày hôm nay. Chúng ta đã làm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2008 – 2009). Chúng ta đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN (năm 2010). Chúng ta hội nhập vững vàng với thế giới và có vị trí. Cho nên tôi muốn sang với cộng đồng ta ở Mỹ nói chung và ở California nói riêng để gặp những người còn có những tư tưởng đi ngược lại với lợi ích của dân tộc như trong thư tôi đã viết cho Hạ nghị sỹ Cao Quang Ánh. Khi tôi tiếp ông Cao Quang Ánh ở gian phòng này, ông Cao Quang Ánh cũng chỉ nói với tôi một điểm là rất mong muốn nhìn thấy một đất nước VN giàu mạnh, chứ ông không đặt vấn đề gì khác ngoài câu nói đó với tôi và tôi cũng rất mong muốn thể hiện tình cảm của nhân dân trong nước dành cho người VN chúng ta ở nước ngoài nói chung, trong đó có Hạ nghị sỹ Cao Quang Ánh nói riêng bởi sự thành đạt của ông ta ở nước Mỹ -  một quốc gia có thể nói là lớn mạnh nhất thế giới hiện nay. Chúng ta cũng có những người VN thành đạt trong cả lĩnh vực chính trị cũng như kinh tế, văn hóa, khoa học, có rất  nhiều nhà khoa học nổi tiếng đang làm tại những hãng lớn, các trung tâm khoa học của Mỹ. Cho nên tôi muốn thể hiện tình cảm của nhân dân VN đối với bà con kiều bào ta ở nước ngoài nói chung, trong đó có Mỹ và California nói riêng. Vì vậy, tôi đã đề nghị cùng chụp ảnh với đoàn và ông Cao Quang Ánh. Cử chỉ của tôi với ông Cao Quang Ánh là thể hiện tình cảm chân thật của nhân dân ở trong nước với bà con ta ở nước ngoài nói chung, trong đó ông Cao Quang Ánh là một đại diện, chứ không phải đối với cá nhân ông Cao Quang Ánh.

PV: Thưa ông Thứ trưởng, ông Cao Quang Ánh đại diện cho hai khối khác nhau. Thứ nhất, ông là người Mỹ gốc Việt, với vai trò là dân biểu, cho nên ông đã có chính sách gần với Việt Nam gần với đại diện Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đối với khối cộng đồng người Việt Nam còn có những khoảng cách về chính trị nên khi đối diện với họ, với khoảng cách và sự khác biệt đó, ông lại có một thái độ khác. Ông đánh giá sao về hai sự mâu thuẫn hay là khác biệt đó?

Thứ trưởng: Tôi rất thông cảm với ông Cao Quang Ánh vì như trong thư tôi nói với ông Cao Quang Ánh rằng tôi rất muốn ông phát biểu quan điểm thật, tình cảm thật của ông sau khi đã nhận định về sự đổi thay của đất nước. Bởi vì không có gì bằng sự trực tiếp nhìn nhận, đánh giá, như các cụ chúng ta thường nói “trăm nghe không bằng một thấy”, và sự “một thấy” đó của ông Cao Quang Ánh bằng hàng trăm, hàng nghìn “cái nghe” của ông ở bên ngoài. Cho nên tôi cảm nhận được tình cảm của ông Cao Quang Ánh. Trong thâm tâm sâu thẳm của ông Cao Quang Ánh, có thể thấy rằng đất nước VN thật sự đổi thay. Ở VN có đầy đủ các yếu tố để phát triển một cách bình đẳng như các quốc gia khác.

Nhưng khi trở về Mỹ với áp lực của một số các đảng phái khác, rồi một số các nhóm người tôi cho rằng còn có tư tưởng mà tôi không muốn dùng những danh từ, ngôn từ mạnh để nói với đồng bào chúng ta. Tôi chỉ nói rằng có lẽ họ còn chưa hiểu hết về đất nước, có lẽ họ chưa hiểu hết về sự đi lên của Nhà nước CHXHCN VN, có lẽ họ còn chưa nhìn nhận một cách đúng đắn bởi vì trong tư tưởng họ còn mang cái sân hận của kết quả năm 1975. Thế nên, họ không muốn nhìn nhận đánh giá một cách khách quan sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, ông Cao Quang Ánh có thể trước mặt những con người đó, những nhóm người đó, những tổ chức đó, ông phải nói khác. Trong thực tế, tại gian phòng này, khi ông ấy ngồi đây với tôi, ông Cao Quang Ánh không nói gì khác ngoài mong muốn nhìn thấy một đất nước VN giàu mạnh. Và tôi có nói với ông Cao Quang Ánh là cái giàu mạnh đó, cái đất nước VN đó chúng tôi cũng muốn nhìn thấy và chính chúng tôi cùng các anh phải làm sao thực hiện mong ước này của chúng ta cho một đất nước VN giàu mạnh.

Vậy nên tôi muốn sang gặp bà con để trao đổi, đặc biệt với những người còn đang có những sân hận hay tôi nói một cách thẳng thắn còn có những hận thù với đất nước sau năm 1975. Trong số những người đã về VN, có những người đã từng cắt máu ăn thề không trở về VN, có người đã từng nói không bao giờ muốn nhìn lại đất nước VN này, nhưng họ đã lẳng lặng về VN, họ thấy VN phát triển tốt đẹp và chính sách của chúng ta, của Đảng và Nhà nước ta, là hòa hợp dân tộc, đoàn kết dân tộc. Chúng ta mong muốn đoàn kết với nhân dân các nước thì không có lý gì chúng ta không đoàn kết với nhau. Chúng tôi muốn chứng minh cái đó để nhân dân thế giới cũng như bà con ta ở hải ngoại thấy Đảng và Nhà nước ta nói và thực hiện đúng với truyền thống đạo lý của dân tộc. Và chúng tôi muốn sang để gặp bà con anh em để xem xem thực chất bà con, một số anh em còn đang có tư tưởng hận thù đó trên cơ sở nào và tại sao lại như vậy?

PV: Ông tự tin nhận rằng sẽ sẵn sàng tiếp cận với bất cứ cá nhân, hội đoàn, tổ chức ngoài nước nào có cách phản đối hay đi ngược lại suy nghĩ của chính quyền Việt Nam. Ông nghĩ sao về những hoạt động của đảng Việt Tân trong thời gian gần đây và những phản ứng của họ như vậy thì phía chính quyền Việt Nam quí vị có nhận định, đánh giá và sẽ có cách giải quyết thế nào đối với những trường hợp này?

Thứ trưởng: Tôi cũng rất muốn gặp những người lãnh đạo Việt Tân để tôi hỏi. Bởi vì thực chất hoạt động của đảng Việt Tân không phải mục đích trao đổi, mục đích đối thoại, mục đích cùng tìm ra những vấn đề tại sao lại có những suy nghĩ của họ như vậy. Mà mục đích của Việt Tân là lật đổ Nhà nước này, lật đổ chế độ XHCN của Nhà nước Việt Nam hiện nay đang có một vị thế rất vững vàng trên trường quốc tế. Chúng ta vẫn là Nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhưng ta đã hội nhập đầy đủ hoàn toàn với thế giới, đặc biệt đã trở thành thành viên ASEAN. Các anh, các chị thấy là ASEAN là một khối các quốc gia có hệ tư tưởng khác nhau, và đặc biệt là trong đó có một số quốc gia từng là đồng minh của Mỹ như Philippin, Thái Lan, nhưng Việt Nam vẫn hội nhập, là một thành viên của ASEAN với đầy đủ tư cách thành viên và có thể nói là có uy tín, mà vẫn là Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tôi cho rằng việc đó không ảnh hưởng đến sự phát triển của những quốc gia khác. Cho nên tôi cũng rất muốn hỏi những người ấy, những người lãnh đạo đảng Việt Tân là tại sao trong bối cảnh rõ ràng như thế, đất nước Việt Nam đang có vị thế như thế mà họ còn tìm cách chống phá, tìm cách lật đổ một Nhà nước có đầy đủ vị thế, có đầy đủ quyền, chủ quyền của mình đối với lãnh thổ, lãnh hải cũng như các quyền trên thế giới. Tôi nghĩ đó là việc làm vô ích, việc làm ảo tưởng. Tôi rất muốn gặp họ với tư cách cá nhân để trao đổi với họ, để họ thấy được thực chất vấn đề, là đã đến lúc gác lại những hành động đó, để chúng ta cùng nhau hòa hợp, hòa giải, để chúng ta xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh như chính ông Cao Quang Ánh nói.

Đối với đảng Việt Tân, chúng tôi đánh giá không phải họ mong muốn đối thoại mà là họ mong muốn lật đổ Nhà nước này. Lật đổ khác với đối thoại. Lật đổ đi với khủng bố. Cho nên những thành viên của đảng Việt Tân về trong nước hoạt động phạm pháp thì chúng tôi đều có những biện pháp xét xử đúng tội danh của họ như quý vị đã thấy trong thời gian vừa qua. Bởi vì một khi muốn đối thoại, mong muốn hòa giải dân tộc thì bước đi và cách giải quyết phải khác, tức là như chúng tôi, chủ động tìm, gặp gỡ trao đổi, để chúng ta xem còn cái gì vướng mắc, còn cái gì muốn đề đạt, muốn yêu cầu với đất nước, chúng tôi sẵn sàng truyền đạt. Không phải là những hành động khủng bố, không phải là những hoạt động bạo động, hoặc là chương trình lật đổ Nhà nước này để xây dựng Nhà nước khác. Nó không đúng với truyền thống của dân tộc, không đúng với mong muốn của chính nhân dân trong nước cũng như người Việt Nam chúng ta ở bên ngoài.

PV: Trong lá thư của ông Cao Quang Ánh từ chối lời đề nghị của ông về việc đối thoại đã được đăng trên trang mạng của ông Cao Quang Ánh cũng như đối với những người đồng thuận với lá thư đó thì họ nói rằng trước khi đối thoại với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thì họ đề nghị ông đối thoại với những người bất đồng chính kiến ở trong nước? Ông nghĩ sao về ý tưởng như vậy? 

Thứ trưởng: Tôi cho rằng không có cơ sở để nói như thế, bởi vì những người bất đồng ý kiến ở trong nước không phải là không có, nhưng chúng tôi vẫn rất nghe. Chúng tôi nghe rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là của cả những người đã từng là đảng viên Cộng sản, những người đã từng giữ những vị trí chủ chốt trong các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam. Họ có những ý kiến khác nhau và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam sẵn sàng lắng nghe ý kiến của họ, nhưng với tinh thần thiện chí, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, chứ không phải lấy hình thức đó để ngụy trang cho hành động lật đổ, hoặc bạo loạn. Người ta ngụy trang cho hành động của người ta bằng những chiêu bài gọi là “ý kiến trái ngược”, thì cái đó khác gì với những người trực tiếp tổ chức những hoạt động “chuyển lửa”, chuyển vũ khí, tài liệu về trong nước để mong muốn lật đổ Nhà nước này và sử dụng một số người với chiêu bài là còn có những quan điểm, chính kiến khác nhau. Điều này chúng tôi biết và phân biệt được, cho nên chúng tôi đã có những cuộc xét xử công khai những người vi phạm Luật pháp Việt Nam với hành động có âm mưu bạo loạn, lật đổ mà họ là thành viên của đảng Việt Tân. Cho nên rất tiếc là ông Cao Quang Ánh đã khước từ lời đề nghị giúp tôi để gặp gỡ các đại diện cho các đảng phái đó. Tôi sẵn sàng gặp tất cả, bởi vì tôi với tư cách là đại diện cho Uỷ ban NNVNVNONN, tức là cơ quan được Chính phủ Việt Nam giao cho quan tâm đến chế độ, chính sách đối với NVNONN và với tư cách cá nhân. Vừa qua, chúng tôi đã giúp đỡ cho bà con rất nhiều việc từ quốc tịch, thủ tục xuất nhập cảnh, đến sở hữu đất đai, nhà cửa… Những điều chúng tôi đề xuất để làm sao cho bà con về với quê hương đất nước là cảm thấy như về với gia đình.

Đánh giá nhìn nhận của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đối với bà con ta ở nước ngoài hiện nay khác trước đây. Bây giờ, chúng tôi phải có trách nhiệm với bà con. Trước đây, khi nhìn nhận về kiều bào ta ở nước ngoài là cứ phải hô hào giúp đỡ đã. Chúng ta bây giờ đã qua giai đoạn đó rồi. Bây giờ, chúng ta cần phải có sự hiện diện bảo hộ công dân của Nhà nước chúng ta ở khắp nơi, cho nên chúng tôi rất mong muốn là đối với việc sang gặp bà con, đặc biệt là những người còn có lòng hận thù với dân tộc, thì họ nên gặp chúng tôi. Vừa qua, các anh vào mạng các anh thấy sau khi ông Cao Quang Ánh từ chối lời đề nghị của tôi, tôi hiểu trong bối cảnh của ông Cao Quang Ánh buộc ông phải làm thế. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn có thể ông ấy lại nghĩ khác. Sau khi lời khước từ của ông Cao Quang Ánh được đưa lên mạng thì nhiều blog đưa ra các ý kiến trái ngược nhau, và tôi đánh giá rất cao những ý kiến của các trí thức, các học giả và nhiều bà con ta ở hải ngoại nói rằng ông Cao Quang Ánh đã tự khép lại khả năng đối thoại với Nhà nước Việt Nam. Cái đó là rất hiếm bởi vì tôi đã đề nghị với Đại sứ Mỹ cũng như Đại sứ chúng tôi ở Washington giúp móc nối để chúng ta có cuộc gặp gỡ đó, để chúng tôi hỏi xem quý vị còn có những vấn đề gì sân hận với Việt Nam; trong khi Đảng và Nhà nước Việt Nam với tuyên bố của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết năm 2007 tại California là: Mẹ hiền Tổ quốc Việt Nam luôn giang rộng cánh tay, mở rộng cửa đón những người con Việt Nam xa Tổ quốc trở về với quê hương đất nước, miễn là người đó về với tấm lòng chân thành, về với tình yêu, tình cảm để xây dựng đất nước Việt Nam, chứ không phải về để mong muốn phá hoại, lật đổ xã hội này. Chúng tôi nghĩ đó là ý kiến hết sức trong sáng.

Chúng ta đang là người chủ của đất nước, chúng ta đang hội nhập với thế giới một cách toàn diện với uy tín, vị thế  cao nên chúng tôi cho rằng không có lý gì chúng ta không chủ động chìa tay ra để cho bà con hiểu hơn hoàn cảnh của đất nước. Vì thế, chúng tôi cũng mong muốn nhân dịp này, quý vị có những thông tin hết sức khách quan trung thực đến với bà con kiều bào ở bên ngoài, để bà con kiều bào chúng ta hiểu rõ hơn về thực tế đất nước, hiểu rõ hơn về mong muốn của các nhà lãnh đạo trong nước cũng như chúng tôi. Chúng ta mong muốn có một cộng đồng người Việt Nam ở bên ngoài thật sự đoàn kết, gắn bó với nhau để cùng hướng về cội nguồn dân tộc, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, như tôi và ông Cao Quang Ánh gặp nhau ở đây và đã từng nói với nhau như vậy. Xin cám ơn!

PV: Ông có thái độ rất cởi mở để tiếp xúc với những người mà ông gọi là khác quan điểm như vậy. Như ông cũng biết, đó là những người có thái độ không đồng thuận, có thể xảy ra những vấn đề cụ thể ngay buổi phỏng vấn, buổi nói chuyện của ông. Ông chuẩn bị như thế nào nếu ngay tại cuộc phỏng vấn xảy ra những vấn đề ngoài ý muốn?

Thứ trưởng: Tôi hoàn toàn tự tin. Bởi vì trước hết tôi đến một quốc gia tự xưng là dân chủ, tiến bộ trên thế giới đó là Hoa Kỳ và tại quốc gia này bà con cộng đồng ta thường tự hào là bà con ta sinh sống rất hòa bình, phát triển với nền văn hóa cao và với một nền dân chủ có thể nói rất là tốt. Vậy thì, không có lý gì tôi là quan chức trong nước và là cầu nối giữa trong nước với bà con, đem những thiện chí đến với bà con, đem tình cảm của nhân dân trong nước đến với các anh, các chị ở bên ngoài mà họ lại có những hành vi, cách ứng xử đối với tôi trái luân thường đạo lý hay là trái với luật pháp.

Tôi không tin điều đó. Bởi vì nếu như thế thì còn gì để nói nữa, khi những người đó vẫn nói là sẵn sàng chứng minh cho nhân dân trong nước thấy một chế độ tươi đẹp, một xã hội dân chủ, phồn vinh và văn hóa mà bà con đang sinh sống và muốn là nhân dân Việt Nam cũng có cuộc sống như vậy. Cho nên, tôi hoàn toàn tin tưởng chuyến đi của tôi nếu có sang Mỹ, sang Canada hoặc bất cứ quốc gia nào để gặp đại diện các đảng phái, các tổ chức xã hội người Việt Nam chúng ta ở hải ngoại để chúng ta hòa giải, chúng ta đoàn kết, chúng ta hướng về một đích thực, một chân lý là Tổ quốc, là đất nước Việt Nam hiện nay đang có một vị thế hết sức xứng đáng trên trường quốc tế. Chúng ta có quyền tự hào với thành quả này, về bước đi của đất nước chúng ta. Tôi cho rằng việc làm của chúng tôi là trong sáng, việc làm của chúng tôi là cao cả, đúng với truyền thống dân tộc. Nếu họ, tổ chức nào đó, cá nhân nào đó có những hành động, hành vi xâm phạm tới an ninh; tôi nói ví dụ như đến danh dự của cá nhân tôi, thì tức là họ đang chứng minh việc họ làm như thế nào đối với nhân dân sở tại, đối với bản thân cộng đồng chúng ta bên ngoài. Vì thế, tôi tin tưởng rằng tôi sang gặp các anh chị em, gặp bà con cô bác, tôi sẽ chứng minh được cho anh chị, bà con cô bác thấy được vị thế đất nước, thấy được tình cảm nhân dân trong nước và thấy được rằng tình hình VN hiện nay không thể đảo ngược được.

Vị thế đất nước chúng ta hiện nay đang vững vàng, chúng ta đang được tôn trọng, chúng ta đang được nhìn nhận đánh giá  cao, không những trên thế giới, trong khu vực mà ngay trong cộng đồng người Việt Nam chúng ta bên ngoài.  Bà con đang về rất nhiều, rất đông và càng ngày bà con càng về đông càng tin tưởng đất nước hơn - sự xích lại với Tổ quốc của đại đa số bà con chúng ta là hiện thực. Vậy chỉ một số nhỏ, tôi cho rằng các anh chị đó cũng phải nhìn nhận thấy thực tế để mọi người cùng với chúng tôi, chúng ta có những bước đi để chúng ta làm sao không hổ danh là con Lạc cháu Hồng.

PV: Thưa ông, hiện nay Việt Nam có hơn 4 triệu kiều bào đang sinh sống tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, xin ông cho biết công tác giữ gìn bản sắc văn hóa và tiếng Việt cho kiều bào ở nước ngoài đang được tiến hành như thế nào?

Thứ trưởng: Trong những năm gần đây, Đảng và Chính phủ chúng ta ngày càng hết sức quan tâm đến sự củng cố, phát triển khối cộng đồng người Việt Nam chúng ta ở bên ngoài với gần 4,5 triệu người Việt Nam. Có thể nói, bản sắc văn hóa dân tộc là niềm tự hào của đất nước, của dân tộc chúng ta, trong đó tiếng Việt đóng vai trò cực kỳ quan trọng: đó là cái hồn của đất nước. Do đó, tiếng Việt trong sáng, thì lịch sử rõ ràng; tiếng Việt trong sáng, thì lịch sử sẽ được tiếp cận một cách hiệu quả.

Chúng tôi mong muốn với truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, với nền văn hóa hết sức đậm đà bản sắc dân tộc của 54 dân tộc anh em, đất nước chúng ta không thua kém bất cứ quốc gia nào có nền văn hóa lâu đời. Chúng ta có hàng ngàn năm văn hiến. Cho nên, muốn phát huy, phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, thì đòi hỏi các thế hệ Việt Nam ở bên ngoài phải luôn luôn phát huy, bảo tồn và phát triển tiếng Việt. Chúng tôi rất tự hào nhiều cộng đồng ta ở các nước đang bảo tồn, phát triển rất tốt bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, truyền mãi tiếng Việt cho thế hệ mai sau.

Việc dạy và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, đặc biệt đối với thế hệ kiều bào trẻ, là một nhiệm vụ chiến lược của Đảng và Nhà nước chúng ta. Chính vì vậy, vừa qua chúng ta đã đầu tư không ít vốn để làm bộ sách giáo khoa tiên tiến, hiện đại và xây dựng một chương trình giảng dạy tiếng Việt trên TV cũng như tại các quốc gia, các vùng mà bà con đang sinh sống. Tôi cho là kết quả của việc làm tiếng Việt vừa qua đã đem lại lợi ích rất tốt. Chương trình dạy tiếng Việt theo bộ sách giáo khoa mới được đông đảo bà con chúng ta ở nhiều nước trên thế giới ghi nhận, đánh giá tốt. Chúng ta đang có chương trình tập huấn cho các giáo viên giảng dạy tiếng Việt cho các cháu thanh niên, sinh viên thế hệ trẻ, đặc biệt là tại các quốc gia gần chúng ta có điều kiện khó khăn như Lào, Campuchia, Thái Lan và một số quốc gia Châu Âu.

Tôi hy vọng trong thời gian tới đây với sự tích cực, nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với bộ sách giáo khoa mới, cùng quyết tâm của Uỷ ban NNVNVNONN, việc nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt ở các nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nơi có đông bà con kiều bào ta sinh sống, sẽ thu được những kết quả tốt. Đây có thể nói là chiến lược của chúng ta để làm sao thế hệ trẻ kiều bào thế hệ thứ 3, thứ 4 sẽ được học tiếng Việt, được trau dồi tiếng Việt. Cũng chính vì vậy, song song với việc giảng dạy tiếng Việt ở bên ngoài, hàng năm chúng tôi còn tổ chức chương trình Trại hè cho các cháu thanh niên, sinh viên kiều bào ở khắp nơi trên thế giới về quê hương đất nước và chúng ta đài thọ cho các cháu suốt cả quá trình gần một tháng. Các cháu về trong nước, đi từ Bắc vào Nam với điều kiện hết sức đầy đủ để tiếp thu, nâng cao trình độ tiếng Việt và để các cháu tìm hiểu thêm về cội nguồn, lịch sử dân tộc và văn hóa dân tộc. Và mỗi lần các cháu từ giã Trại hè, các cháu lại mong muốn được trở lại tham dự lần sau.

Vũ Hoàng Lân và Etcetera Nguyễn (Theo Việt Weekly)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Huy động hiệu quả nguồn lực kiều bào vào sự nghiệp phát triển đất nước
Chính sách kiều bào: Từ nhận thức tới hành động
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Bảo hộ công dân và pháp nhân ở nước ngoài: Quán triệt phương châm chủ động, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả
Luật Quốc tịch sửa đổi đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo kiều bào trên toàn thế giới
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024: Tập trung 02 đột phá- 07 trọng tâm
Huy động nguồn lực kiều bào tham gia phát triển nước
Kiều bào trở về xây mái nhà chung
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - Nguồn lực quan trọng đóng góp tích cực vào sự phát triển đất nước
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Xuân Quê hương 2024: Điểm nhấn trong lòng kiều bào và nhân dân TP.Hồ Chí Minh
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang