16/12/2011 03:36:09 PM
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ đối ngoại trong tình hình mới

Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng đi vào chiều sâu và có sự chuyển biến về chất, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc vào sự nghiệp phát triển đất nước và ngày càng kết hợp chặt chẽ, hỗ trợ tốt các hoạt động của ngoại giao chính trị, kinh tế và văn hóa, góp phần vào những thành tích chung của công tác đối ngoại, đem lại vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.



Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn kiều bào ngày 8/4/2011 nhân dịp đoàn kiều bào về dự Giỗ Tổ Hùng Vương 2011

Trong những năm qua cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tiếp tục tăng nhanh về số lượng và mở rộng địa bàn cư trú. Đến nay có hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại 103 nước và vùng lãnh thổ. Thành phần cộng đồng ngày càng đa dạng, ngoài số tản cư, du học, vượt biên, xuất khẩu lao động trước đây, những năm gần đây số lao động xuất khẩu theo hợp đồng có thời hạn, du học sinh và cô dâu Việt Nam lấy chồng người nước ngoài tăng nhanh. Cộng đồng ngày càng ổn định cuộc sống và hòa nhập sâu hơn vào xã hội sở tại, có vai trò quan trọng trong quảng bá văn hoá, hình ảnh, con người Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hữu nghị của ta với các nước. Ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ, thành đạt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế, văn hóa – xã hội; một số bước đầu tham gia chính trường (Mỹ, Canada, Úc, Đức...).

Cộng đồng có tiềm lực đáng kể về kinh tế, tri thức với gần 400 ngàn người có trình độ đại học trở lên. Hằng năm có khoảng 500 nghìn lượt kiều bào về nước, trong đó khoảng 300 chuyên gia, trí thức về làm việc và hàng nghìn người về tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh. Đến nay có trên 3.500 dự án của kiều bào đầu tư về nước với tổng vốn khoảng 6 tỉ USD, trong đó khoảng 60% dự án được đánh giá là hoạt động có hiệu quả. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15% năm, năm 2010 đạt mức 8.6 tỷ USD. Kiều bào luôn mang trong mình tinh thần tự tôn dân tộc, hướng về cội nguồn. Đa số hoan nghênh chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, ủng hộ sự nghiệp đổi mới, ngày càng tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo hướng về quê hương.

Trong đoạn phát triển mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước ta hiện nay, việc củng cố và phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có cộng đồng NVNONN trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.



Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn phát biểu Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 04/11/2010

Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước” và “công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”. Nhằm tăng cường thực hiện Nghị quyết 36, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 19 ngày 6/6/2008. Nhận thức được tầm quan trọng, công tác về NVNONN cũng được xác định là một trong những trọng tâm công tác của ngành ngoại giao trong giai đoạn mới.

Trên cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 36 và Chỉ thị 19, trong những năm qua, công tác về NVNONN đã đạt được nhiều kết quả và bước đột phá quan trọng. Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tích cực, chủ động triển khai sâu rộng, toàn diện Chương trình hành động trên tất cả các mặt, với nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực đối với kiều bào, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cộng đồng NVNONN, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương hoan nghênh và đánh giá cao. Ngoài ra, Ủy ban đã huy động được sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc triển khai mọi mặt của công tác về NVNONN theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 36.

Công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách tiếp tục được đẩy mạnh, về cơ bản đã giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan tới lợi ích thiết thân của kiều bào như đã ban hành: Luật Quốc tịch năm 2008 tạo điều kiện cho phép công dân Việt Nam có thể mang hai quốc tịch;  Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật nhà ở và Điều 121 Luật đất đai cho phép mở rộng đối tượng NVNONN mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đến nay, ta đã bước đầu hình thành được một hệ thống khung luật pháp và chính sách đáp ứng tốt hơn những lợi ích thiết thân của NVNONN, tạo điều kiện để bà con gắn bó hơn với quê hương đất nước. Trong thời gian qua và tới đây tập trung đàm phán, giải quyết vấn đề cư trú, đi lại cho kiều bào ta tại một số địa bàn khó khăn. Hiện các cơ quan chức năng đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian cư trú ở trong nước từ 3 tháng lên 6 tháng đối với kiều bào về nước theo diện miễn thị thực nhằm giải quyết các bất cập liên quan đến giữ quốc tịch, cấp giấy chứng nhận có quốc tịch, xác nhận gốc Việt Nam và tích cực thúc đẩy việc ban hành “Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức NVNONN xây dựng đất nước” nhằm tạo bước chuyển mới trong việc thu hút “chất xám” của các chuyên gia, trí thức kiều bào.

Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, ta đã chủ động đàm phán, ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định lãnh sự, hỗ trợ tư pháp với nhiều nước. Vấn đề hỗ trợ và bảo hộ kiều bào đã trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của kiều bào, tạo thuận lợi hơn cho bà con về địa vị pháp lý và việc làm ăn, sinh sống, hội nhập vào xã hội nơi cư trú.

Những năm gần đây, công tác vận động kiều bào đã được triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, gắn với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước như: tổ chức chương trình “Xuân Quê hương” vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm; tổ chức các đoàn kiều bào tiêu biểu về dự Giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2/9, “Trại hè Việt Nam”, các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” nhằm tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; tham gia Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội... Nhiều hội nghị chuyên đề lần đầu tiên được tiến hành có hiệu quả, mang tính đột phá nổi bật là Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất tháng 11/2009 với sự tham dự của gần 1000 kiều bào từ 52 nước và vùng lãnh thổ, Hội nghị Lãnh đạo các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài, Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 36, Hội nghị “Cơ hội hợp tác đầu tư, giao thương và xuất khẩu Việt Nam”, Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hoá Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt”... Các ngành, các cấp đã triển khai nhiều hoạt động thu hút sự hợp tác, đóng góp nguồn lực của các thành phần trong cộng đồng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sự ra đời của Hiệp hội Doanh nhân NVNONN vào tháng 8/2009 là mốc quan trọng trong việc tập hợp, liên kết sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam trên toàn thế giới giúp nhau cùng phát triển và đóng góp thiết thực cho quê hương.

Công tác thông tin, báo chí phục vụ cộng đồng đã được đẩy mạnh, tạo được hiệu ứng truyền thông tích cực đối với dư luận trong nước, quốc tế và kiều bào, góp phần hạn chế, đẩy lùi các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ cộng đồng được tổ chức thường xuyên hơn. Ngày càng nhiều nghệ sĩ, người hoạt động văn hóa trong cộng đồng về nước tham gia sáng tác, giảng dạy hoặc biểu diễn. Đáp ứng nhu cầu tâm linh của bà con, ta đã có các hình thức hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi hoằng pháp tại một số nước châu Âu và cử các vị chức sắc sang trụ trì, giúp việc Phật sự tại một số chùa Phật ở châu Âu, Đông Nam Á…cũng như việc triển khai xây chùa Việt Nam ở Pháp, CH Séc...  Công tác dạy và học tiếng Việt được tăng cường một bước với các Đề án đã và đang được triển khai thí điểm tại một số địa bàn như Đề án “Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho NVNONN” của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Đề án “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với NVNONN từ nay đến năm 2020” của Uỷ ban Nhà nước về NVNONN.

Công tác xây dựng và phát triển hội đoàn NVNONN được chú trọng. Ta đã tập trung chỉ đạo củng cố các Hội người Việt Nam truyền thống ở Pháp, Lào, Campuchia, Thái Lan… đồng thời hỗ trợ, khuyến khích phát triển đa dạng các hình thức tổ chức hội đoàn với phương châm nơi nào có kiều bào, nơi đó có tổ chức, kết quả là đến nay thêm nhiều hội mới được thành lập, đáp ứng nhu cầu tập hợp cộng đồng.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác vận động, công tác khen thưởng NVNONN được quan tâm triển khai và thành nền nếp thường xuyên nhằm ghi nhận những cống hiến của kiều bào trong các cuộc kháng chiến và xây dựng Tổ quốc, xây dựng cộng đồng và đất nước. Hiện ta đã hoàn tất đợt 2 việc khen thưởng kiều bào Thái Lan có công trong hai cuộc kháng chiến; truy tặng nhiều liệt sỹ kiều bào ở Thái Lan, Lào, Campuchia.

Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, tiếp theo việc cho phép những nhân vật là quan chức, sỹ quan cấp cao chế độ Sài Gòn cũ được về nước; dân sự hóa nghĩa trang Bình An (tỉnh Bình Dương)... ta đã tạo điều kiện giúp tìm kiếm, cải táng hài cốt những người thân diện HO chết trong thời gian học tập, cải tạo. Ta đã tăng cường đấu tranh trực diện với các phần tử phản động người Việt, các cơ quan liên quan đã có sự phối hợp, chủ động đấu tranh làm thất bại các âm mưu và hoạt động của các nhóm phản động cực đoan tìm cách xâm nhập về nước phá hoại; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, sắc tộc để chia rẽ cộng đồng và chống lại đất nước.

Những kết quả đạt được thời gian qua đã tạo thêm động lực đưa công tác về người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng đi vào chiều sâu và có sự chuyển biến về chất, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc vào sự nghiệp phát triển đất nước. Bên cạnh đó, công tác về NVNONN tiếp tục phát huy vai trò là một trong bốn trọng tâm công tác của ngành ngoại giao, ngày càng kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ tốt các hoạt động của ngoại giao chính trị, kinh tế và văn hóa, góp phần vào những thành tích chung của công tác đối ngoại, đem lại vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trước yêu cầu của tình hình mới, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục triển khai toàn diện, mạnh mẽ theo các hướng sau:

- Tiếp tục “luật hóa” những quan điểm chỉ đạo của Đảng bằng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, có tác dụng thiết thực, trực tiếp đối với bà con; rà soát, hoàn thiện các chính sách, đẩy nhanh việc sửa đổi, bổ sung các quy định  nhằm tạo thuận lợi cho kiều bào như: giữ quốc tịch, mua nhà, đầu tư, xuất nhập cảnh...; xây dựng chính sách đối với “lực lượng nòng cốt” trong công tác vận động, phát triển tổ chức hội đoàn; đề xuất chính sách tạo thuận lợi cho NVNONN tiếp tục được hưởng chế độ hưu trí và bảo hiểm xã hội của nước sở tại sau khi về thường trú tại Việt Nam...

- Đầu tư cho công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về tình hình cộng đồng NVNONN; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về NVNONN; nghiên cứu kinh nghiệm công tác kiều dân và chính sách của nước sở tại liên quan đến kiều bào, trên cơ sở đó kiến nghị những chính sách phù hợp.

- Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước, vùng lãnh thổ có đông công dân Việt Nam, đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các Hiệp định và thỏa thuận song phương, đa phương và tác động ở cấp cao trong quan hệ với các nước có đông người Việt nhằm hỗ trợ bà con có vị trí pháp lý ổn định, bảo đảm cuộc sống lâu dài ở nơi cư trú.

- Tập trung xây dựng và phát triển hội đoàn với phương châm nơi nào có kiều bào, nơi đó có tổ chức. Thúc đẩy việc thành lập các tổ chức của người Việt Nam ở Mỹ, Canada, Úc; hợp nhất tổ chức thành Tổng hội hoặc Hội người Việt Nam ở địa bàn  có điều kiện…; hỗ trợ sự liên kết giữa các Hội người VN, các tổ chức doanh nhân kiều bào ở các nước để tạo sức mạnh tập hợp đoàn kết kiều bào. Huy động lực lượng lao động, sinh viên, nghiên cứu sinh, doanh nghiệp VN đang hoạt động ở nước ngoài tham gia công tác vận động cộng đồng. Thường xuyên động viên, khen thưởng những người có thành tích trong xây dựng cộng đồng và đóng góp phát triển đất nước.

- Sau khi được Ban Cán sự Đảng Chính phủ thông qua Đề án “Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức NVNONN xây dựng đất nước”, sớm triển khai các biện pháp có tính đột phá nhằm tìm kiếm, vận động, thu hút đội ngũ chuyên gia, trí thức kiều bào có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao đóng góp vào sự nghiệp CNH, HĐH nước nhà.

- Thúc đẩy sớm đưa VTV4 vào hệ thống truyền hình cáp ở Mỹ, Úc và các nước khác, tạo điều kiện cho các kênh truyền hình khác (VTC, HTV...) vươn ra ngoài nhằm đa dạng hóa nguồn thông tin. Phát triển các hình thức hoạt động giao lưu văn hoá, nghệ thuật, hội thảo, hội chợ, triển lãm VN...; đầu tư phát huy hiệu quả các “Trung tâm văn hóa Việt Nam” ở các địa bàn có đông người Việt. Chú ý phối hợp giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng trên cơ sở phù hợp luật pháp, phong tục, tập quán dân tộc và sở tại.

- Đẩy mạnh công tác tiếng Việt với những giải pháp đồng bộ, nhất quán từ trong nước và huy động sự tham gia tích cực của các hội đoàn, du học sinh...vận động xây dựng thành phong trào giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng. Kiến nghị chính sách cụ thể hỗ trợ giáo viên ở trong nước đi dạy tiếng Việt cho cộng đồng, đặc biệt là những địa bàn khó khăn như Lào, Campuchia, Thái Lan... 

- Tăng cường phối hợp giữa Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài và trong nước, thường xuyên cử các đoàn công tác liên ngành đến các địa bàn có đông kiều bào để làm công tác vận động, chủ động trực tiếp đối thoại với các tổ chức và cá nhân còn mặc cảm, định kiến với đất nước.

TS Nguyễn Thanh Sơn
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao,
Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN
Chủ tịch Uỷ ban UNESCO Quốc gia Việt Nam

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Huy động hiệu quả nguồn lực kiều bào vào sự nghiệp phát triển đất nước
Chính sách kiều bào: Từ nhận thức tới hành động
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Bảo hộ công dân và pháp nhân ở nước ngoài: Quán triệt phương châm chủ động, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả
Luật Quốc tịch sửa đổi đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo kiều bào trên toàn thế giới
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024: Tập trung 02 đột phá- 07 trọng tâm
Huy động nguồn lực kiều bào tham gia phát triển nước
Kiều bào trở về xây mái nhà chung
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - Nguồn lực quan trọng đóng góp tích cực vào sự phát triển đất nước
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Xuân Quê hương 2024: Điểm nhấn trong lòng kiều bào và nhân dân TP.Hồ Chí Minh
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang