22/04/2006 08:45:19 AM
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước về chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam

Tại cuộc họp báo 21/4 trong khuôn khổ Đại hội Đảng lần thứ X, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã giới thiệu với báo chí trong và ngoài nước về chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đồng thời trả lời về một số vấn đề mà báo chí quan tâm trong đó có vấn đề về người Việt Nam ở nước ngoài. Quê Hương xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung một số câu trả lời của Bộ trưởng tại cuộc họp báo này.

Giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới nhiều hơn nữa

* Một trong những công việc quan trọng của ngành Ngoại giao là giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra quốc tế, ông đánh giá tình hình ra sao và những bước tiếp theo của hoạt động này?

Phải nói rằng sự tuyên truyền của chúng ta đối với thế giới còn ít, thế giới hiểu về Việt Nam chưa nhiều. Trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng trong các hoạt động này mà tiêu biểu là tổ chức được nhiều “ngày Việt Nam” ở nhiều nước trên thế giới. 

Tôi thấy rằng thế giới rất có cảm tình với Việt Nam, trong công tác đối ngoại tôi thường tiếp xúc với các chính khách. Nhiều chính khách khi gặp tôi kể rằng, chính con họ khi đi du lịch sang Việt Nam về đã kể cho họ nghe về đất nước chúng ta một cách rất thích thú. Qua đó họ rất muốn thăm và tìm hiểu về Việt Nam. Có thể chúng ta trình độ khoa học kỹ thuật hay các vấn đề khác đang còn thấp nhưng đang có một sự hấp dẫn đối với thế giới, tiềm năng du lịch của chúng ta còn rất lớn. Tôi cho rằng hình ảnh Việt Nam cần phải được tuyên truyền nhiều hơn. Chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành liên quan, đặc biệt là ngành du lịch tăng cường thêm hoạt động này.

*Xin ông cho biết triển vọng của việc Việt Nam gia nhập thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc?

- Về việc Việt Nam tham gia ứng cử ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc khóa 2008-2009, sẽ bầu vào 2007, cho đến giờ chúng tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ, cam kết của các nước. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ứng cử vào vị trí này. Làm ủy viên không thường trực của Liên Hợp Quốc là thách thức rất lớn. Nhưng tôi nghĩ các nhà ngoại giao Việt Nam bây giờ cũng đủ trình độ tham gia vào công việc đó. Tôi hy vọng khi bỏ phiếu vào tháng 5/2007, Việt Nam sẽ đủ phiếu. 

*Thưa ông, khi Việt Nam vào WTO, đường lối đối ngoại của chúng ta có sự điều chỉnh như thế nào?

Chúng ta đang trong quá trình đàm phán đa phương và song phương, song phương thì chỉ còn 2 nước nữa thôi là Hoa Kỳ và Mêxicô, nói chung là 2 phía tiến đến rất gần nhau rồi. Và ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị cho hậu WTO, có rất nhiều vấn đề phải chuẩn bị, đặc biệt là vấn đề kinh tế, trong đó có liên quan đến đối ngoại, liên quan đến lập pháp, liên quan đến các vấn đề khác nữa…

Riêng về đối ngoại, tôi nghĩ về cơ bản là không có điều chỉnh. Chính sách đối ngoại của chúng ta là: độc lập - tự chủ - đa dạng hóa - đa phương hóa và chúng ta tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Cái này chúng ta vẫn đang đi theo hướng đúng, về kỹ thuật tất nhiên chúng ta sẽ phải điều chỉnh một vài mặt cho phù hợp. Làm thế nào để chúng ta tận dụng được cơ hội khi vào một sân chơi chung, rất lớn như WTO.

*Về vấn đề thu hút nguồn lực kiều bào, xin Bộ trưởng cho biết những sách lược cụ thể hơn?

Chúng ta có hơn 3 triệu kiều bào sinh sống ở nước ngoài, nguồn lực kinh tế thì không phải là lớn, nhưng nguồn lực về trí tuệ, chất xám phải nói là rất tốt, đa dạng. Hiện nay chúng ta có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, các cơ quan chức năng đang làm thế nào để triển khai nghị quyết này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất khi kiều bào về nước. Chính phủ đã quyết định bắt đầu từ tháng 1/2007, người Việt Nam ở nước ngoài bất luận là thuộc quốc tịch nào, được tự do về quê hương, miễn chỉ cần chứng minh nguồn gốc là người Việt Nam.

Chúng ta cũng có những cơ chế, đã bắt đầu làm rồi nhưng sẽ mở rộng hơn để cho kiều bào được mua nhà, sở hữu nhà cửa. Vấn đề nằm ở chỗ làm sao cho các nhà khoa học, trí thức kiều bào muốn về nước làm việc, đóng góp chất xám cho quê hương. Cần có sự liên kết giữa các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học kiều bào, làm thế nào để họ gặp nhau về ý tưởng, phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Sắp tới đây Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ phối hợp với các bộ, sẽ có những cuộc hội thảo về vấn đề này.

* Thưa Bộ trưởng, thực tế hiện nay bà con Việt kiều về nước còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ ngay trong việc mua nhà mà ông có nói trên, các nhà đầu tư thì cũng còn gặp phải nhiều sự nhũng nhiễu, tương tự là việc gia hạn thời gian ở lại trong nước… Vậy chế tài nào cho những địa phương, cơ quan gây khó khăn? Và nếu gặp khó thì bà con Việt kiều có thể kêu ở đâu?

Vâng, kiều bào về vẫn đang gặp khó khăn. Một số người vừa rồi mua được căn hộ, nhưng thủ tục vẫn còn phức tạp, vẫn rất nhiều khóa trong một cửa. Cái này chúng ta phải cải tiến hơn nữa cho bà con có những thuận lợi. Phần đầu tư cũng vậy, xin giấy phép lớn, giấy phép nhỏ. Có kiều  bào trong thành phố Hồ Chí Minh gặp tôi nhiều lần, từ lúc đầu còn đen, đến giờ tóc đã bạc trắng mà vẫn còn trục trặc trong việc triển khai dự án của mình. 

Đại hội X hiện đang thảo luận trách nhiệm để xử lý việc này là ở đâu và cần phải quy thật rõ trách nhiệm. Cải cách hành chính chúng ta đang làm nhưng không phải đơn giản, tôi nói thế này nhưng chắc gì đến năm 2007 mọi chuyện đã thông thoáng như một cỗ máy được bôi trơn, đó thực sự là cả một quá trình phức tạp của xã hội. Theo tôi, cái gì kiều bào khúc mắc cứ đến Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài để phản ảnh vì đây là cơ quan có trách nhiệm trực tiếp giúp đỡ bà con.

*Trong bài phát biểu của Bộ trưởng không nêu về diễn biến hòa bình, điều này có phải là Việt Nam bớt lo lắng về diễn biến hòa bình hay không. Theo Bộ trưởng ai là kiến trúc sư của diễn biến hòa bình? Những hình thức tiến hành diễn biến hòa bình là gì, Việt Nam đối phó ra sao?

Trong các văn kiện của Đảng chúng tôi cũng như trong thông tin đại chúng, nhiều học giả Việt Nam nhà báo đã nói đến diễn biến hòa bình. Đây không phải suy diễn mà là hiện tượng thực tế mà Việt Nam nhìn nhận. Việt Nam đang cố gắng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân, vì dân, đang cố gắng để thực hiện để người dân thực sự dân chủ. Tôi nghĩ là 4 nguy cơ Việt Nam đề ra mà đẩy lùi được thì sẽ tăng được sự phát triển, nâng cao được dân trí. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền, đẩy lùi tham nhũng thành công, theo tôi, sẽ là biện pháp ngăn chặn diễn biến hòa bình.

Tôi nghĩ có lẽ ở đây chúng ta không nói ai là kiến trúc sư mà chỉ nói những vấn đề mà Việt Nam phải xử lý. Đó là thách thức phải đối mặt, xử lý để làm thế nào vẫn giữ được bản sắc, vẫn giữ được độc lập tự chủ, chế độ. Đó là vấn đề lớn mà Việt Nam cần phải làm. Tôi biết rằng, trong thời kỳ chuẩn bị văn kiện đại hội Đảng, lấy ý kiến của nhân dân vừa qua, cũng có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết để làm thế nào giữ vững chế độ, phát triển nâng cao dân trí, cũng như mọi mặt của đời sống.

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Huy động hiệu quả nguồn lực kiều bào vào sự nghiệp phát triển đất nước
Chính sách kiều bào: Từ nhận thức tới hành động
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Bảo hộ công dân và pháp nhân ở nước ngoài: Quán triệt phương châm chủ động, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả
Luật Quốc tịch sửa đổi đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo kiều bào trên toàn thế giới
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024: Tập trung 02 đột phá- 07 trọng tâm
Huy động nguồn lực kiều bào tham gia phát triển nước
Kiều bào trở về xây mái nhà chung
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - Nguồn lực quan trọng đóng góp tích cực vào sự phát triển đất nước
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Xuân Quê hương 2024: Điểm nhấn trong lòng kiều bào và nhân dân TP.Hồ Chí Minh
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang