Viên đá vinh quang


 Bữa cơm ngày Tết có món dưa muối Việt Nam

Từ những năm đầu của sự nghiệp hợp tác lao động tôi vẫn nhớ câu thơ của ai đó đã viết:

“Thèm rau muống, thèm canh cua
Lại thèm cả các loại dưa quê nhà“

Thời bấy giờ ở vùng đông Đức này các loại rau châu Á hiếm lắm, rau cải ta, cải bẹ lại càng hiếm. Cứ nghĩ đến cải bẹ hong nắng, muối dưa ăn với thịt ba chỉ luộc là ứa nước miếng...

Bây giờ thời buổi kinh tế thị trường, cần gì có nấy. Các bà nội trợ tha hồ mà trổ tài nấu nướng và chế biến. Thế là không ít vại dưa đã xuất hiện trong các bếp của các gia đình người Việt ta ở Đức.

Mấy năm nay vợ tôi cứ ao ước có viên đá để chèn dưa. Cô ấy nhè nhẹ: “Theo kinh nghiệm của các cụ thì đá phải xanh, già đá, phải nặng vừa phải và nhẵn để không thôi ra dưa và đặc biệt phải là đá suối”. Cứ mỗi lần nhìn xoong dưa vợ tôi muối, lấy đủ các vật liệu không chuyên đè lên, tôi lại ngầm “ra lệnh” cho mình phải tìm bằng được cho vợ viên đá chèn dưa. Và cơ hội đã đến...


Viên đá Sa Pa nơi góc bếp phương trời Âu 

Lần nghỉ phép vừa rồi về Việt Nam, sau khi thăm quan Sa Pa, đoàn chúng tôi thăm chợ Bắc Hà. Mọi người thả hồn theo những triền núi với “mây ngút ngàn trùng xa”, còn tôi cứ dán mắt vào những con suối vắt ngang con đường nghoằn nghèo vượt núi. Xe dừng lại ở một con suối rất rộng (không rõ tên suối), cả đoàn ào xuống khoát nước lên mặt. Các đôi trai gái cầm tay nhau rón rén đi qua từng tảng đá, còn tôi lặng lẽ lội ngược dòng và tìm thấy viên đá khoảng 2 kg như ý muốn.

Viên đá được bọc báo cẩn thận mang về. Để cho chắc ăn, hôm bay sang Đức vợ tôi bàn không cho vào va ly mà cho vào túi sách tay. Cái valy có thể thất lạc chứ viên “đá quý” này thì nhất định phải “đi đến nơi về đến chốn”. 

Ấy thế mà xẩy ra bao sự cố dọc đường vì hòn đá. Ở sân bay Nội Bài, sau khi cân hàng tất cả tốt đẹp, đến phòng an ninh viên đá không được sách tay lên máy bay vì lý do an toàn... Tôi phải mua thêm túi dứa, gửi theo  băng chuyền và chịu phạt 8 trăm ngàn đồng vì quá cân.
Khi đến sân bay Berlin chẳng thấy cái túi dứa đâu, chúng tôi vừa tiếc hòn đá vừa tiếc cái công đã “cưu mang” nó. Tôi an ủi vợ thôi đừng buồn, thế nào cũng thấy lại được. Mà nếu thất lạc thì các hãng Hàng không phải bồi thường chứ bỡn, hòn “đá quý” của người ta chứ đâu phải đá vớ vẩn. Nghĩ thế nhưng tôi bắt đầu lo không biết sẽ khai vào giấy báo bồi thường như thế nào nếu họ gửi đến. Tiếng Đức không có từ “Hòn đá muối dưa”.

May sao một ngày sau nhân viên sân bay báo về là hàng của tôi đã ở sân bay. Vì chỉ là viên đá nên họ không chở đến nhà, tôi phải đi lấy về. Ngày hôm sau cả đi lẫn về mất gần 4 tiếng đồng hồ để nhận viên đá, tay nhân viên hải quan hỏi mãi về nó vì có lẽ lần đầu tiên trong đời ông ta thấy một sự kỳ cục như vậy. Tôi đành phải giải thích cho ông ta biết công dụng của hòn đá : “Để làm dau – ơ - cờ - rau (Sauerkraut) kiểu Việt Nam ấy mà”. Ông ta nghe ra rồi trầm trồ “Hay nhỉ, chắc là nó chua lắm. Chúng tôi làm Sauerkraut bằng dấm cơ”.

Hớn hở ôm hòn đá ra về và lại bị phạt thêm 25 euro vì đỗ xe sai quy định! Viên đá núi Sa Pa sang được đến đây tính ra đã mất hơn 1 triệu đồng Việt Nam, trở thành “báu vật” của chúng tôi. Ai đến nhà vợ tôi cũng kéo ra bếp bằng được để khoe viên đá muối dưa thứ thiệt mang từ Việt Nam sang. Nhiều người nhìn thấy thèm lắm, tôi không hiểu họ thèm viên đá hay thèm vại dưa cải bẹ vàng ruộm mà bà xã khéo tay của tôi đã muối.

Bây giờ mỗi lần ăn cơm dưa với thịt ba chỉ luộc tôi lại nhớ về đất Sa Pa và miền Tây Bắc xa xôi, nước dưa chua như có vị mát ngọt của những dòng nước thấm ra từ hòn đá suối lấy từ đất Sa Pa của quê nhà...

Thế Sáng (CHLB Đức)