Về Với Cội Nguồn

Tôi sinh ra trên đất Quảng Nam thuộc miền Trung nước Việt. Cha bị thực dân Pháp giết lúc tôi lên 1 tuổi. Theo lời kể của Mẹ, nhà tôi 4 lần bị Tây đốt, dòng họ từ ông nội, bác, cô, dượng, chị và anh đều bị Tây giết. Bà nội có lần đã bị khủng hoảng thần kinh vì trong một năm Tây giết 3 người thương: ông nội, bác Hoài rồi đến cha tôi.

Lớn lên từ đồng lúa mảnh vườn, vào những đêm sáng trăng, tôi và người em con chú quây quần bên nhau để nghe chú kể về các trận càn quét của Tây trước đây khi họ về làng. Chú cũng kể lại trận đánh đoàn xe cùng gương hy sinh của những người lính Việt Minh trong đó có người anh con bà cô tôi giữ chức Đại đội trưởng, chỉ huy trận đánh đã hy sinh. Rồi chú ngâm đọc truyện Kiều, kể chuyện Nguyễn Trãi, chuyện Lê Lai liều mình cứu chúa, huyền thoại về Phù Đổng Thiên Vương, vua Lê chúa Trịnh và chiến công hiển hách của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài ba của anh hùng Nguyễn Huệ... Chú cũng không quên kể lại dòng họ nhà tôi trước kia ở Hải Dương sau vào Thanh Hóa cùng vua Lê Lợi đánh đuổi quân Minh. Sau đó ông tiền hiền làm quan nên thuyên chuyển vào Quảng Nam. Từ đó thế hệ cha anh chúng tôi “nhập thế” trên đất Quảng Nam, nên sau này tôi vẫn thường gọi quê cha ở đất Quảng Nam, nhưng đất tổ tôi ở tận Hải Dương-Thanh Hóa. Thế nhưng, cho dù quê cha hay đất tổ, tôi cũng chỉ có một quê hương. Quê hương ấy là tổ quốc Việt Nam. Trong trái tim tôi, tự đáy lòng, đất nước Việt Nam cho dù nghèo nàn hay phồn vinh thịnh đạt, nó cũng chiếm trọn vẹn trái tim. Tôi hứa với lòng mình sẽ chia sẻ những khó khăn cùng đất nước nếu có thể, vì nơi ấy đã cho tôi giọt sữa đầu đời, có mồ mả tổ tiên và cha mẹ, có anh chị và đồng bào ruột thịt Việt Nam cùng màu da màu tóc, cùng tiếng nói, cùng chia ngọt sẻ bùi khi đất nước bị ngoại xâm. Nơi ấy có dòng sông, con suối, cây đa, bến đò, có cả tuổi thơ mà tôi vui với gió và hát dưới mưa, có cả con đường làng rộng thênh thang đưa tôi đến trường, đứng dưới tàn cây trứng cá kể chuyện bắt bướm, thả câu và có những đêm Ba Mươi chờ sáng để nghe được hương phấn trong đêm Giao Thừa.

Trong cuộc hành trình dài, tôi đã may mắn đi nhiều nơi trên thế giới. Nơi đâu cũng bắt gặp danh lam thắng cảnh và những cơ đồ được gây dựng nên do sức người. Tôi cũng đã đến Paris và đi về miền Nam nước Pháp, chạy dọc trên bờ sông Seine, đã thấy những lâu đài thành quách, phố xá thênh thang. Nhưng tất cả đều dửng dưng, bởi tôi biết được rằng ở những lâu đài kia, trên từng đại lộ, người Pháp đã gây dựng nên bởi mồ hôi nước mắt của dân tộc Việt Nam. Khác với sự dửng dưng ấy, sau gần 3 thập niên, ngày trở về quê, tôi đã đi khắp nẻo đường đất nước, tôi đến Sài Gòn - hòn ngọc viễn đông. Tôi xuống miền Tây trái chín đầy vườn, ruộng cá đầy ao. Tôi về Quảng Nam-Đà Nẵng đường xưa vẫn thế, cỏ dại chen hoa, chim hát reo vui. Tôi ghé thăm trường cũ, trường xưa còn đó nhưng mái ngói rêu phong. Tôi đi trên đường Quang Trung cũng hàng cây lá đổ che mát tuổi thơ. Tôi đi, đi mãi như tìm lại dấu vết năm xưa. Tôi cầm tay Y Lành, người bạn đời yêu thương đã cùng tôi đếm bước chân đi như những ngày đầu hò hẹn sau ngày tan học. Đây rồi, Đại lộ Bạch Đằng, ghế đá thân quen, mỗi chiều thứ Bảy nhìn khách sang sông. Đầu kia con đường Đống Đa có hàng phượng đỏ khoe sắc phơi sương. Tôi về lại quê thăm mộ mẹ cha, đốt nén hương lòng như lời tạ tội.
Tôi ra Hà Nội, thành phố mà tôi chỉ biết qua sách vở, ngày nay bằng xương bằng thịt lẫn cả tư duy tôi đã về Thủ đô ngàn năm văn vật, thành quách Thăng Long một di tích thời đại với lòng tự hào làm người Việt Nam. Tôi trào dâng cảm xúc khi thăm Văn Miếu- Quốc Tử Giám, cái nôi học vấn nước nhà được thành lập dưới đời nhà Lý (1070); thăm miếu thờ Chu Văn An - vị  Tư nghiệp (tương đương với Hiệu phó) Quốc Tử Giám, một con người tiêu biểu cho nền đạo đức Việt Nam, người duy nhất được thờ trong Văn Miếu cùng với Khổng Tử. Tôi đến thành Hoàng Diệu mang tên người anh hùng khoa bảng đất Quảng Nam còn in dấu tích vết đạn quân thù. Rồi Trấn Quốc, Hồ Gươm, Chùa Một Cột, Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc và 36 phố phường. Đầu kia Cầu Long Biên bắt ngang Sông Hồng cửa ngõ Thủ đô đã 14 lần gãy đổ vì chiến tranh nhưng nay vẫn sừng sững. Nơi nào cũng thế, tôi trân trọng và ngưỡng mộ, tôi hạnh phúc trong vinh quang. Tất cả từ trái tim đến lý trí, tôi hiểu rằng: cho dù Hà Nội dãi dầu sương gió, trải qua bao biến cố lịch sử, nhưng Hà Nội di tích và hiện hữu vẫn ngẩng cao và tự hào, sống động và lạc quan nhìn về ngày mai, ngày sẽ đến.

*
* *

Cảm xúc ngày trở về của tôi có lẽ còn là cảm xúc chung của mọi người Việt xa xứ khi trở về với quê hương. Quê hương không bao giờ ruồng bỏ chúng ta, chỉ chúng ta mới là người vô tình, thờ ơ đối với quê hương và lãng quên cội nguồn, tổ quốc. Chính vì thế nhà thơ Lưu Quang Vũ chia xẻ:

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?

Tiếng Việt ngàn đời vẫn là tiếng nói của quê hương, ngôn ngữ ấy đã được bồi đắp vun trồng kể từ họ Hồng Bàng cho đến nay và mai sau. Tiếng Việt còn dân tộc còn, dân tộc còn, tổ quốc ta bất diệt. Tổ quốc là một cái gì đó vô cùng trừu tượng nhưng lại có thật và rất thiêng liêng. Tổ quốc là một tập hợp của dân tộc, dân tộc là sức và lực để tổ quốc sống còn. Vì thế dân tộc bảo vệ Tổ quốc, chẳng những chỉ trách nhiệm mà còn là thiên chức. Từ đó, với lối dùng chữ của Lưu Quang Vũ “gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya” được hóa thân cho sự cô đơn trong bóng đêm, trong cái tĩnh mịch của không gian kẻ xa quê đã “gọi thầm” như một cách diễn tả nỗi cô đơn và thiết tha gởi lòng thương nhớ về đất mẹ bằng ngôn ngữ con tim.

Ngôn ngữ con tim là thứ ngôn ngữ không biên cương cũng chẳng biên giới, không âm thanh cũng chẳng thể nói bằng lời, nhưng ngôn ngữ ấy được phát âm bằng sự rung động vô cùng tự nhiên và mãnh liệt. Vì thế, cho dù không sinh ra trên đất nước Việt Nam, có sự khác biệt giữa ngày và đêm nhưng khi mang họ Việt thì dòng máu ấy sẽ chảy về tim. Một hình ảnh Phạm Quỳnh Anh không lớn lên với bụi phấn trên ghế học đường Việt Nam, nhưng ở tư duy và tâm thức khi ca khúc “Hello Viet Nam” cất lên là một sự đáp trả cho lời nguyện ước trước đây: “One day I’ll come to you”. Vâng, một ngày kia “I’ll come to you” đã đến và tiếng hát ấy được cất lên trên chính quê hương Phạm Quỳnh Anh, chị đã xúc động cho dù nơi ấy chưa từng cưu mang nhưng lại vô cùng gắn bó, vì nơi ấy tự đáy lòng đã nói lên cái ngôn ngữ của cội nguồn. Những giọt nước mắt trào dâng trong tiếng hát “ca sĩ hải ngoại Phạm Quỳnh Anh” là những giọt nước mắt chảy về trên từng trang sử Việt, chia sẻ những niềm vui lẫn nhọc nhằn trong dòng sống đầy nhân bản và nghĩa tình của con người Việt Nam.

Ôi! Vinh quang và hãnh diện khi được làm người Việt Nam. Bao thăng trầm đã qua, cách ngăn không còn nữa. Giờ đây, đất nước đã nối liền, tổ quốc chúng ta là một, Trường Sơn thay lá, suối mát reo vui khi nhìn thấy bầy chim xa bay về tổ đậu ở cành Nam bạt ngàn mây gió. Có niềm vui nào bằng khi ta về lại với ta? Hạnh phúc thay!

Ts. Nguyễn Hữu Hoạt (Hoa Kỳ)