Những nghi lễ khi làm nhà mới

Lễ bình cơ: Gia chủ để lễ vật trên miếng đất chọn làm nhà. Sau này gia chủ mới đi mời thợ đến bàn việc làm nhà.

Lễ phạt mộc (lễ khởi công): Gia chủ làm hai mâm cỗ, một để cúng tổ tiên và thổ thần, một để cúng tổ sư thợ mộc. Cúng xong người thợ cả cầm rìu chặt ba nhát vào cây gỗ định làm cột cái để làm phép. Người thợ cả nhất thiết phải “lên rui mực” (định kích thước ngôi nhà vào một thanh tre gọi là rui mực, sào nhà hay thước tầm).

Lễ định tàu hay còn gọi là lễ in tảng: làm lễ để đổ nền nhà, định nơi đặt đá chân cột.

Lễ lập tục hay lễ cất nóc (lễ thượng lương): lễ này được coi là quan trọng nhất không thể bỏ qua. Chọn được ngày tốt, gia chủ nhờ một người nào đó trong họ, vợ chồng song toàn, lắm con nhiều cháu làm ăn phát đạt để đưa cái nóc lên gian chính giữa. Trong khi làm lễ, đoạn cái nóc đó được buộc hai cành lá thiên tuế, một vài vuông vải đỏ hay vóc đại hồng có vẻ hình bát quái, quyển lịch Tàu hay sách chữ nho.

Lễ an thổ: lễ này cúng báo để tổ tiên biết, nhà đã làm xong. Trong số lễ vật đó có gạo rang trộn với nước để rắc vào bốn góc nhà.

Lễ động sàng: cúng báo gia tiên để dọn về nhà mới và được kê gia cụ vào nhà.

Lễ hoàn thành hay còn gọi là lễ lạc thành, lễ cài sào: gia chủ làm lễ cúng gia tiên rồi gác thước tầm lên hai đầu cột cái của gian chính giữa. Lễ này tổ chức ăn uống mời bà con họ hàng, khách gần tới dự. Những người được mời thường đem tiền, câu đối, pháo đến chúc mừng gia chủ.

Lễ trả công thợ: lễ này do thợ tổ chức cúng tổ sư để nhận tiền công.

Lễ an cư: làm lễ tạ tổ tiên, thổ thần để báo cho biết chủ nhân đã làm ăn yên ổn trong nhà mới.