Bài 32. Xem phim - chụp ảnh

 

 I. Các tình huống hội thoại

 

1. Xem phim Việt Nam.

Tối hôm qua, chủ nhật, nhân ngày Quốc khánh Việt Nam, trường đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức buổi chiếu phim chiêu đãi tại câu lạc bộ sinh viên của trường. Các bạn sinh viên nước ngoài đều có giấy mời đi xem. Dưới đây là câu chuyện của họ trên đường về nhà sau buổi chiếu.

Helen:
 - Các bạn có hiểu hết nội dung phim không?
 
Harry:
 - Hầu như mình chẳng hiểu gì cả vì các diễn viên toàn nói giọng miền Nam.
 
Jack:
 - Mình có thể hiểu được phần nào nhờ có một bạn sinh viên Việt Nam ngồi bên cạnh dịch ngay sang tiếng miền Bắc những câu có từ ngữ lạ. Vả chăng nội dung phim cũng dễ hiểu.
 
Helen:
 - Mình thì gần như hiểu hết vì khi ở Mỹ mình đã nghe rất nhiều người Việt Nam nói giọng miền Nam.
 

2. Một cảnh quay phim.

Harry được đạo diễn Lê Dũng ở Xưởng phim truyện Việt Nam mời đóng vai một viên sĩ quan Mỹ. Trong phim có cảnh viên sĩ quan Mỹ mời một cô gái Việt Nam đi ăn tại nhà hàng. Viên sĩ quan mời cô gái cạn ly, nghĩa là uống hết một ly rượu. Cảnh quay đã sẵn sàng. Đèn bật sáng.

Đạo diễn (ra lệnh):
 - Bắt đầu. Bấm máy!
 
Viên sĩ quan Mỹ:
 - Mời cô cạn ly!
 
Cô gái:
 - Xin mời!
 

Vừa nói cô vừa đưa ly rượu lên miệng uống. Đạo diễn yêu cầu cả hai phải uống một hơi. Nhưng cô gái vừa uống một ngụm đã vội lắc đầu, đặt ly rượu xuống.

Đạo diễn (ra lệnh):
 - Tắt máy!
 
Đạo diễn (hỏi cô gái):
 - Sao thế?
 
 Cô gái:
 - Tôi không thể uống một hơi vì tôi không uống được rượu.
 

Thì ra, đáng lẽ đưa ra một chai nước lọc giả làm rượu thì người ta lại đưa nhầm một chai rượu thật.

3. Trong hiệu ảnh.

Martin:
 - Chị cho tôi tráng và in cuộn phim...
 
Nhân viên:
 - Anh in tất cả cuộn à?
 
Martin:
 - Chỉ in những kiểu rõ và đẹp, kiểu nào chụp hỏng thì thôi.
 
Nhân viên:
 - Ngày mai anh lấy nhé!
 
Martin:
 - Chị cho chiều nay thì tốt.
 
Nhân viên:
 - Vâng! cũng được nhưng anh đến  vào cuối buổi chiều thì chắc chắn hơn.
 
Martin:
 - Vâng! Chị bán cho một cuộn phim.
 
Nhân viên
 - Anh mua loại nào? Kodak hay Konica?.
 
Martin:
 - Konica
 

4. Rạp chiếu bóng nào tốt nhất?

Helen:
 - Hà có biết Hà Nội có bao nhiêu rạp chiếu bóng không?
 
Hà:
 - Không rõ lắm, nhưng có lẽ cũng khoảng vài chục rạp.
 
Helen:
 - Hôm nào chúng mình đi xem phim ở rạp đi!
 
Hà:
 - Ừ, để hôm nào có phim hay chiếu ở rạp Tháng 8 chúng ta sẽ đi xem.
 
Helen:
 - Vì sao phải chờ xem ở rạp Tháng 8?
 
Hà:
 - Vì đó là rạp tốt nhất ở thủ đô Hà Nội.
 

II. Ghi chú ngữ pháp

Hầu như, gần như: dùng để biểu thị một trạng thái, một hành động không hoàn toàn, không trọn vẹn. Vị trí có thể ở đầu câu hoặc trước vị ngữ.

Ví dụ:
 - Hầu như mình chẳng hiểu gì cả.
 
 
- Mình thì gần như hiểu hết.
 
 
- Hầu như ai cũng biết.
 
 

1.     Vả chăng, vả lại: Đặt trước một câu hoặc một thành phần để chuyển ý. ý của câu sau thường bổ sung  thêm cho ý của câu trước đó.

Ví dụ:
 - Vả chăng nội dung phim cũng dễ hiểu (bổ sung ý câu trước: nhờ có người giúp đỡ nên hiểu được phần nào).
 
- Tôi không mua vì tôi không thích, vả lại, tôi cũng không sẵn tiền.
 

Chú ý: Có thể thay thế vả chăng, vả lại bằng hơn nữa.

 2.     Vừa... đã...: cặp phó từ liên kết hai hành động trạng thái diễn ra liền nhau.

Ví dụ:
  - Cô gái vừa uống một ngụm đã vội lắc đầu.
 
 
- Anh ấy vừa đến đã đi rồi
 
 
- Xe đạp của tôi vừa mua đã hỏng
 
 

Chú ý: Có thể dùng vừa mới... đã..., mới... đã... hoặc lược bỏ đã nghĩa không thay đổi.

                                          III. Bài đọc

 

                                       Truyện Thánh Gióng

Vào đời vua Hùng thứ 6, nước ta bị giặc Ân sang xâm lược. Vua sai sứ giả đi khắp nơi cầu người tài giỏi ra giúp nước.

Bấy giờ ở làng Đổng thuộc bộ Vũ Ninh có một bà già không chồng. Một hôm bà ra vườn, thấy có một vết chân người to lớn, bà ướm thử bàn chân mình vào và từ đó bà có thai. Sau 12 tháng bà sinh được một cậu bé, đặt tên là Gióng. Lên ba tuổi mà Gióng vẫn không biết đi, cũng chẳng nói, chẳng cười. Bà mẹ rất lo buồn.

Một hôm nghe sứ giả rao, Gióng tự nhiên ngồi dậy, bảo mẹ ra mời sứ giả vào. Cậu bé nói với sứ giả:

- Xin Vua đúc cho ta một con ngựa sắt, một áo giáp sắt, một nón sắt và một cái roi sắt, ta sẽ đi dẹp giặc...

... Nhà Vua làm theo lời Gióng, cho thợ rèn ngày đêm, rèn đủ các thứ mà Gióng yêu cầu.

Từ khi gặp sứ giả Gióng bỗng lớn nhanh như thổi. Mẹ Gióng không đủ gạo cho Gióng ăn. Gần như cả làng phải góp gạo để giúp mẹ Gióng nuôi con.

Các thứ roi, ngựa, giáp, nón sắt đã được đúc xong mang đến cho Gióng. Gióng chỉ mới vỗ nhẹ thì roi, ngựa, giáp, nón đã gãy nát. Nhà Vua phải cho đúc đi đúc lại ba lần Gióng mới dùng được.

Dân làng mở tiệc, có 7 nong cơm, 3 nong cà để tiễn Gióng. Gióng ăn một loáng đã hết. Vươn vai đứng dậy, Gióng thành một người khổng lồ, đội nón, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa vừa phi vừa khạc ra lửa, xông thẳng vào quân giặc. Giặc bị chết cháy. Gióng vung roi mạnh quá, roi bị gãy, Gióng nhổ các bụi tre bên đường quật vào bọn giặc đang chạy toán loạn.

Gióng đuổi giặc đến núi Sóc Sơn thì quân giặc bị Gióng tiêu diệt không còn một tên. Gióng cởi giáp bỏ nón lại trên đỉnh núi, cưỡi ngựa sắt bay thẳng lên trời.

Nhà Vua biết ơn Gióng, sai lập đền thờ và tôn Gióng là Phù Đổng Thiên Vương. Cả vùng đất từ làng Đổng đến núi Sóc Sơn ngày nay vẫn còn lại nhiều dấu tích của Thánh Gióng.