Tôi muốn đưa con về sinh sống ở Việt Nam…

* Trả lời:

Do câu hỏi của bạn chưa rõ ràng về tình trạng quốc tịch của bạn và con bạn, cũng như bạn có còn người thân thích nào là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam hay không nên chúng tôi không thể có giải đáp chính xác cho trường hợp của bạn. Dưới đây là một số lưu ý của chúng tôi về thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam (sinh sống lâu dài tại Việt Nam) và các vấn đề về nhận con nuôi và thay đổi họ cho con:

1.    Thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam:

Theo quy định của pháp luật Việt Nam:

(a)     Công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư tại nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam được quyền cư trú và đăng ký cư trú theo quy định tại Luật cư trú 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013). Thủ tục cụ thể được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 05/2009/TTLT-BCA-BNG hướng dẫn thủ tục giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam do Bộ Công an - Bộ Ngoại giao ban hành.

(b)     Đối với người nước ngoài, theo quy định của pháp luật cư trú, người nước ngoài phải đang tạm trú tại Việt Nam và phải là:

ü  Là người đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì dân chủ và hoà bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại; hoặc

ü  Có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; hoặc

ü  Là vợ, chồng, con, cha, mẹ của công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam.

Thì mới được giải quyết cho đăng ký thường trú tại Việt Nam. (Điều 13 Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000)

Thủ tục đăng ký thường trú cho người nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 04/2002/TTLT/BCA-BNG hướng dẫn Nghị định 21/2001/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ công an-Bộ Ngoại giao ban hành.

Theo đó, tuỳ thuộc vào việc bạn và con bạn thuộc trường hợp (a) hay trường hợp (b) mà bạn có thể thực hiện các thủ tục thường trú tại Việt Nam theo quy định. Bạn có thể tham khảo thêm các câu trả lời trước đây của chúng tôi tại chuyên mục Hỏi – Đáp của trang Quê Hương online về việc giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam.

2.    Về vấn đề nuôi con nuôi:

Theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi, pháp luật ghi nhận hai hình thức cho nhận con nuôi là: (a) nuôi con nuôi trong nước và (b) nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

- Trường hợp 1: Nhận con nuôi trong nước: là trường hợp chị gái bạn là công dân Việt Nam nhận nuôi con bạn cũng là công dân Việt Nam (có quốc tịch Việt Nam): Khi đó, chị gái bạn chỉ được nhận con bạn làm con nuôi khi chị gái bạn đảm bảo được các điều kiện sau:

ü  Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

ü  Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

ü  Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

ü  Có tư cách đạo đức tốt.

Và không thuộc trường hợp cấm nhận con nuôi theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010 nêu dưới đây:

ü  Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

ü  Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

ü  Đang chấp hành hình phạt tù;

ü  Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

(Khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi số 52/2010/QH12)

Thủ tục nhận nuôi con bạn sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam về nuôi con nuôi hiện hành. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về nhận nuôi con nuôi tại Luật nuôi con nuôi năm 2010 và các văn bản liên quan.

- Trường hợp 2: Nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài:

Chị gái bạn là công dân Việt Nam nhận nuôi con của bạn là người nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam). Trường hợp này, chị gái bạn không chỉ phải đảm bảo được các điều kiện nêu trên mà còn phải đảm bảo các điều kiện tại nơi mà cháu bé mang quốc tịch. Về thủ tục, bạn cần tham khảo thêm tại Cục nuôi con nuôi và Sở Tư pháp tại Việt Nam.  

3.    Về vấn đề đổi họ cho con

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, bạn được quyền đổi họ, tên cho con bạn (điểm c khoản 1 Điều 27 Bộ Luật dân sự 2005). Nếu chị gái bạn đã hoàn thành thủ tục nhận nuôi con nuôi, việc đổi họ, tên cháu hoàn toàn phụ thuộc và yêu cầu của chị gái bạn với tư cách là cha mẹ nuôi của cháu bé (tại điểm b khoản 1 Điều 27 Bộ Luật dân sự 2005).

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính, 
Thanh Xuân, Hà Nộ
i