NVNONN muốn đứng tên căn hộ mua ở Việt Nam, làm thế nào?

* Trả lời:

1.   Về quy định của pháp luật về việc cho Việt kiều mua nhà tại Việt Nam:

Hiện tại việc mua nhà của người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn áp dụng theo Luật số 34/2009/QH12 sửa đổi bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai. Theo đó, đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam như sau:

“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:

a) Người có quốc tịch Việt Nam;

b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.”

Như vậy, người Việt Nam cư trú ở nước ngoài sẽ có thể sở hữu nhà ở tại Việt Nam được chia làm hai nhóm:

Nhóm 1: Mua nhà không hạn chế số lượng:

Nhóm này bao gồm các đối tượng sau đây:

-          người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư

-          người có công đóng góp cho đất nước

-          nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam

Họ là những người có nhu cầu ở lại Việt Nam, hoặc có vợ, con, gia đình ở tại Việt Nam. Nhà nước cho phép những cá nhân này được sở hữu nhà mà không hạn chế về số lượng. Quy định này nhằm thúc đẩy và thu hút đầu tư về Việt Nam, chính sách ưu đãi cho những người Việt xa xứ mà vẫn hướng về cội nguồn, có những đóng góp cho đất nước.

Nhóm 2: Mua nhà có hạn chế số lượng:

Nhóm này bao gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài  không thuộc Nhóm 1 được cơ quan Nhà nước cấp thị thực và cư trú ở Việt Nam 3 tháng trở lên, thì được sở hữu 1 nhà riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư để bản thân và gia đình sống.

2.   Về thủ tục mua nhà của người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Theo quy định tại Luật Nhà ở 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, khi thực hiện giao dịch mua bán nhà, các bên phải mua bán nhà thông qua hợp đồng mua bán nhà ở được xác nhận công chứng của công chứng viên hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Sau khi hoàn thành giao dịch Hợp đồng, một trong hai bên phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại Ủy ban nhân dân quận/huyện nơi có căn nhà.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài bao gồm:

-                      Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;

-                      Bản chính hợp đồng mua bán nhà ở đã được công chứng, chứng thực;

-                      Giấy tờ xác nhận đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam (như Sổ tạm trú, Hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác tương đương....);

-                      Sơ đồ nhà ở, đất ở.

Trình tự xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở như sau:

Bước 1: Hồ sơ mua bán sẽ được nộp tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Bước 2: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan nhận hồ sơ sẽ liên hệ với các cơ quan hữu quan để kiểm tra, xác định vị trí thửa đất hoặc nhà và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính .

Bước 3: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan nhận hồ sơ sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế.

Bước 4: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan đã nhận hồ sơ để nhận giấy chứng nhận đối với quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Trước khi thực hiện thủ tục này, bạn nên đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để được hướng dẫn cụ thể. Các trình tự thủ tục đều được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính, 
Thanh Xuân, Hà Nộ
i