Lịch đoi của người Mường



 Bộ lịch đoi của người Mường


Ông Bùi Văn Khẩn, thầy mo của ở xứ Mường Bi, huyện Tân Lạc đang xem ngày tốt để làm nhà mới cho anh Bùi Văn Tuyến. Ông Khẩn cho biết giờ chỉ có người Mường Bi còn giữ được tục này. Bao đời nay rồi, người Mường Bi đi cày đi cuốc, bắt tôm mò cá, chọn ngày lành tháng tốt dựng vợ gả chồng cứ theo lịch đoi mà làm: "Người Mường ăn tết như nhau, cách làm mùa màng như nhau, một năm hai mùa nhưng chỉ khác là dùng lịch đoi. Một năm 12 tháng. Một que tương đương với một tháng".

Lịch đoi được làm từ 12 thẻ tre dài khoảng 20cm, rộng 3cm, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, trên mỗi thẻ tre được khắc 30 khấc tượng trưng cho 30 ngày. Sở dĩ gọi là lịch đoi là bởi vì lịch này phân chia ngày tháng trong năm theo sự vận hành của sao đoi, hay còn gọi là sao tua rua. Sao đoi chuyển động nhanh hơn mặt trăng. Vị trí giữa sao đoi và mặt trăng tuỳ theo các tháng trong một năm. Khi sao đoi vượt qua mặt trăng, người Mường Bi gọi đó là ngày đoi vào hay ngày ngậm đoi. Căn cứ vào các ngày đoi vào và sự chuyển dịch của nó mà người ta phân biệt ngày, tháng, trong 1 năm. Ông Bùi Văn Hưởng cho biết: "Một tháng 30 ngày, tính theo tuần trăng. Đầu tiên trăng mọc tính là cây, đến khi trăng tuần giữa gọi là ngày lồm, đến khi trăng lặn là ngày cối".

Hằng năm, các thầy mo có tài chiêm tinh thường lên ngọn núi Cột Cờ, hay ra khoảnh đất rộng, thoáng đãng... để nhìn sao đoi để biết năm đó hạn hán, mưa gió ra sao. Cũng dựa vào việc nhìn sao đoi, người Mường Bi có cách tính ngày tháng rất độc đáo. Trên mỗi thẻ tre được khắc 30 vạch, mỗi vạch tượng trưng cho một ngày. Tuy nhiên, trong số 30 gạch đó có vạch ngắn, vạch dài, vạch hình mũi tên, vạch có một hoặc hai dấu chấm ở trên...Ông Khẩn giải thích: "Trên lịch đoi, nếu thấy vạch nào hình chữ vê  thì gọi là ngày cá, vạch nào có một chấm ở trên thì gọi là ngày tiểu hao, hai chấm thì gọi là ngày hao, vạch hình mũi tên là ngày mưa bão. Số lượng và mật độ của các ngày này thay đổi theo từng tháng. Trong 30 ngày có ngày đẹp của nó, có ngày lỗ, ngày cá, có đánh dấu hết rồi. Ngày lỗ thì hao hụt, còn ngày cá là ngày cá đi thì cũng đẹp đấy. Cứ nhìn vào lịch này, làm nhà cũng thế mà chỉ người Mường Bi mới biết còn người Mường ở nơi khác thì họ lại tính ngày tháng theo lịch âm của người Kinh. Cấy cày, trồng khoai, trồng lúa theo lịch này hết. Ngày đẹp của người Kinh nhưng lại là ngày lỗ của Mường. Hàng năm cha truyền con nối, thường vót lịch cho nhau".

Ông Khẩn cho biết đã là người Mường Bi thì nhà nào cũng theo lịch đoi. Hơn 30 năm làm thầy mo, ông Khẩn sử dụng lịch đoi như một thứ bảo bối để giúp dân làng biết được ngày lành tháng tốt để làm ăn, ma chay, cưới hỏi... Bên cạnh lịch đoi, người dân xứ Mường còn sử dụng lịch Tây, nhưng việc này chỉ để biết ngày tháng hành chính theo qui định của Nhà nước. Bùi Văn Tuyến cho biết những người trẻ như  anh đều biết tới lịch đoi nhưng không biết cách xem. Anh chia sẻ: "Bây giờ chưa quan tâm đến cái này mấy. Chắc tầm phải 35 đến 40 tuồi mới học. Mỗi lần muốn làm một công việc gì đó trong nhà thì vẫn phải nhờ các cụ xem lịch của người Mường. Xem lịch Tây là  ngày đẹp nhưng lại không phải là ngày đẹp của người Mường nên phải theo lịch của người Mường".

Người Mường có câu nói khái quát những đặc trưng dân tộc mình là: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”. Vì vậy tính theo người Mường thì lịch đoi chậm hơn lịch âm khoảng 15 ngày. Chính vì thế mà hiện nay người Mường ăn tết hai lần, một lần Tết Nguyên đán theo lịch âm, và một lần ăn tết theo lịch đoi. Đợt ăn tết thứ hai sau đợt Tết Nguyên đán khoảng 15 ngày gọi là ăn tết lại, tết đoi. Lịch đoi có ý nghĩa rất quan trọng đối với văn hóa Việt, thể hiện tài chiêm tinh của người Việt cổ thông qua việc quan sát trăng sao để dự báo thời tiết. Và đến nay người Mường Bi vẫn nhất nhất tin tưởng vào những chỉ dẫn của lịch đoi mà họ coi đó là bảo bối của dân tộc Mường./.

(Theo VOV5)