Mai mối của người S’tiêng

Bên nhà gái đi dạm ngõ

Trong hôn nhân của người S’tiêng, phần nhiều con gái cưới chồng nên khi đã ưng chàng trai nào đó, cô gái báo cho cha mẹ sắm lễ đi dạm ngõ. Lễ dạm ngõ chỉ đơn giản là ché rượu cần, nửa gùi gạo nếp, nhưng thân tộc của cô gái không ai được đến nhà trai mà phải tìm và mời hai ông mai (người làm mối) chịu trách nhiệm.

Ngày dạm ngõ, tự hai ông mai đưa lễ vật tới thưa chuyện với nhà trai, nếu như cha mẹ chàng trai đón tiếp hai ông mai niềm nở có nghĩa là họ đồng ý và nhận lễ ngay. Còn trường hợp họ vẫn tiếp nhưng không trả lời về việc có đồng ý hay không thì hai ông mai có trách nhiệm đưa lễ về và đợi dịp khác sẽ qua nhà trai lần nữa. Nếu đến lần thứ 3 mà họ vẫn không nhận lễ thì coi như khó lòng lay chuyển được bố mẹ chàng trai, tốt nhất là đi tìm đám khác mặc dù đôi trẻ yêu nhau tha thiết. Nhưng rất hiếm khi thấy đôi trẻ đã yêu nhau rồi mà cha mẹ không đồng ý bởi vốn người S’tiêng xưa nay không độc đoán việc hôn nhân của con cái.

Có một số chàng trai hoặc cô gái đã thương thầm nhớ trộm một người nhưng không dám thổ lộ thì cũng phải nhờ đến mai mối. Chỉ cần chàng trai, cô gái đánh tiếng là bất kể ông mai nào cũng sẵn sàng tranh thủ tiếp cận phía bên kia ngỏ ý ngay. Dĩ nhiên do chưa có sự chủ động nên không có chàng trai, cô gái nào đồng ý ngay mà cần có thời gian tìm hiểu, ông mai tiếp tục kiếm cớ gần gũi để “thúc”, nếu được chấp nhận thì sắp xếp cho hai người gặp nhau càng sớm càng tốt. Qua 5 đêm trò chuyện nếu thấy “ưng bụng” thì gật đầu, còn một người xét thấy… không thương được thì phải trả lời thẳng thắn chứ không được khất lần, khất lượt. Khi cả hai đã tâm đầu ý hợp thì mời thêm một ông mai khác hợp tác đưa lễ đến nhà trai (nếu cô gái cưới chồng) hoặc nhà gái (nếu chàng trai cưới vợ) theo đúng phong tục.

Vai trò của ông mai

Khi gia đình nhận lễ thì nếp đem nấu xôi ngay, gia đình trai làm con gà hoặc mua món ăn gì đó để khui rượu cần đãi hai ông mai sau khi đã cúng bàn thờ tổ tiên. Vừa uống rượu hai ông mai vừa dạm hỏi chuyện lễ ăn hỏi và cả việc đi của cưới để về thông báo lại cho gia đình nhà gái chứ hai ông không có quyền quyết định. Nếu như nhà trai thách cưới quá nặng mà gia đình nhà gái không “kham” nổi thì hai ông mai lại phải sang nhà trai để thương thảo. Lúc này hai ông phải “trổ tài” thuyết phục để nhà trai bằng lòng với ý kiến của nhà gái đưa ra sao cho vui vẻ cả đôi bên.

Đến ngày ăn hỏi, hai ông mai mang đủ lễ vật tới trước, khi nhà trai kiểm tra đủ số đồ lễ như đã thoả thuận thì cho người về báo để nhà gái đưa phái đoàn gồm cha mẹ, cậu, dì, chú, bác… khoảng 20 người đến để nói chuyện và định ngày cưới.

Ngày cưới, hai ông mai luôn đi gần cô dâu, chú rể hướng dẫn việc lễ nghĩa. Khi tổ chức đám cưới xong, hai ông mai ở lại cùng với gia đình để họp rút kinh nghiệm về những việc đã làm trong thời gian từ khi bắt đầu nhận làm mai đến khi đôi trẻ chính thức nên vợ, nên chồng. Lúc này gia đình sẽ nói những lời cám ơn, khen ngợi những việc làm tốt của ông mai đã se duyên cho đôi vợ chồng trẻ và cùng rút kinh nghiệm về những việc còn sơ xuất. Vai trò của ông mai thực sự kết thúc khi đám cưới được diễn ra một cách suôn sẻ, trọn vẹn.

Làm nghề mai mối của người S’tiêng chỉ là làm phúc chứ không phải để được hưởng công, nếu gia đình nào thấy hai ông vất vả quá thì sau đám cưới mang biếu vài con gà và chóe rượu. Tuy nhiên vai trò của hai ông mai còn hiện diện trong suốt cuộc sống sau này của đôi vợ chồng trẻ. Kể từ sau đám cưới họ coi gia đình hai ông như cha mẹ, được quyền tới nhà thăm hỏi bất kỳ khi nào và gia đình cũng coi vợ chồng mới như con cái trong nhà./.

( Theo Langvietonline.vn)