Mang xe và tiền về Việt Nam

Xin hỏi:

  1. Vợ anh có một chiếc xe mua ở Mỹ với giá là 40 000 USD, dung tích xi lanh là 3.5 lít, vậy khi di chuyển tài sản về Việt Nam sẽ chịu thuế như thế nào, mức thuế suất là bao nhiêu? Có được sang tên chủ xe cho anh tôi để được miễn thuế nhập khẩu không?
  2. Anh chị tôi cũng muốn mang về Việt Nam số tiền là 100.000 USD để làm vốn làm ăn tại Việt Nam. Vậy phải làm thủ tục gì? Có phải nộp thuế gì không?

* Trả lời:

1.    Mang xe về Việt Nam

a.    Thuế nhập khẩu

Theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu (“Nghị định 87/2010”), và khoản 2 Điều 100 Thông tư 128/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (“Thông tư 128/2013”): “Hàng hóa là tài sản di chuyển của gia đình, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài được phép về Việt Nam định cư hoặc mang ra nước ngoài khi được phép định cư ở nước ngoài; hàng hóa là tài sản di chuyển của nước ngoài mang vào Việt Nam khi được phép định cư tại Việt Nam hoặc mang ra nước ngoài khi được phép định cư ở nước ngoài” thuộc trường hợp được miễn thuế khi nhập khẩu.  

Vì anh họ của bạn và vợ của anh ấy có ý muốn được về Việt Nam định cư, do đó xe ô tô nêu trên được miễn Thuế nhập khẩu theo chế độ tài sản di chuyển mang vào Việt Nam khi anh họ bạn và vợ của anh ấy được phép định cư tại Việt Nam. Chiếc xe không cần thiết phải được sang tên cho anh họ bạn để được miễn thuế nhập khẩu.   

Lưu ý: Việc miễn thuế nói trên chỉ áp dụng đối với 1 chiếc xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam.

b.    Thuế giá trị gia tăng

Theo quy định tại Điều 8 Luật thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 của Quốc hội nước CHXHCNVN ngày 03/06/2008 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 31/2013/QH13 ngày 19/06/2013 (“Luật thuế giá trị gia tăng”) thì thuế suất giá trị gia tăng đối với xe ô tô là 10%. Theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Luật thuế giá trị gia tăng:

Thuế giá trị gia tăng = (Giá nhập tại cửa khẩu + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt)  x  Thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%.

Trường hợp miễn thuế nhập khẩu thì thuế nhập khẩu là 0.

c.     Thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo quy định tại Điều 7 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 của Quốc hội Nước CHXHCNVN ngày 14/11/2008 (“Luật thuế tiêu thụ đặc biệt”), thì thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô có dung tích xi lanh 3,5 lít (từ 3.000 cm3 trở lên) là 60%. Theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt:

Thuế tiêu thụ đặc biệt = (Giá nhập khẩu + Thuế nhập khẩu) x thuế suất 60%.

2.    Mang 100.000 USD về Việt Nam để kinh doanh


Theo quy định tại Điều 2
Thông tư 15/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh (“Thông tư 15/2011”):

“Cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định dưới đây phải khai báo Hải quan cửa khẩu:

a) 5.000 USD (Năm nghìn đôla Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương;

b) 15.000.000 VNĐ (Mười lăm triệu đồng Việt Nam).”

Quy định trên không áp dụng đối với những cá nhân mang theo các loại phương tiện thanh toán, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam như séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và các loại giấy tờ có giá khác.(Khoản 3 Điều 2 Thông tư 115/2011).

Căn cứ Điều 3 Thông tư trên quy định Giấy tờ xuất trình cho Hải quan cửa khẩu khi cá nhân xuất cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt phải khai báo: “1. Cá nhân xuất cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt vượt mức quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Thông tư này hoặc vượt số mang vào đã khai báo Hải quan cửa khẩu khi nhập cảnh lần gần nhất, phải xuất trình cho Hải quan cửa khẩu:

a) Giấy xác nhận mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt ra nước ngoài (sau đây gọi là Giấy xác nhận) do tổ chức tín dụng được phép cấp phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối; hoặc

b) Văn bản chấp thuận cho cá nhân mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt ra nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.

2. Cá nhân xuất cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt vượt mức quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư này, nhưng không vượt quá số lượng đã mang vào phải xuất trình cho Hải quan cửa khẩu Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt đã mang vào khi nhập cảnh lần gần nhất, không cần phải có Giấy xác nhận của tổ chức tín dụng được phép.

Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt đã mang vào khi nhập cảnh lần gần nhất chỉ có giá trị cho cá nhân mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt ra nước ngoài khi xuất cảnh lần tiếp theo trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ghi trên Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh.”

Đối với trường hợp nhập cảnh mang quá số tiền theo quy định trên thì phải làm thủ tục khai hải quan, không hạn chế số lượng và không phải chịu một khoản phí, thuế nào.

Như vậy, khi mang theo 100.000 USD tiền mặt vào Việt Nam, anh chị của bạn phải thực hiện thủ tục khai báo tại cơ quan hải quan đối với phần vượt trên tờ khai nhập cảnh và không bị nộp thuế. 

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính, 
Thanh Xuân, Hà Nội