Đưa sách Việt vào thư viện công ở Canada

Khởi nguồn từ nỗi nhớ quê hương

Để thành công, mỗi cá nhân, tập thể đều cần có nội lực, và nguồn nội lực tự nhiên nhất là từ kiến thức bản thân họ. Mỗi nguời nhập cư đều mang theo mình một nguồn nội lực tự thân, đó là trình độ kiến thức và ký ức về văn hóa của nơi họ sinh ra và lớn lên trong quá khứ, do đó kiến thức bản thân và hành trang văn hóa của họ, luôn luôn súc tích gấp ngàn lần hành trang vật chất mà họ có thể đóng góp với nơi mới đến định cư.

Các em thiếu nhi của 5 dân tộc Việt, Nhật, Anh, Pháp và Philipine cùng nhau
hát bài hát “Trái đất này là của chúng mình” của Nhạc sĩ  Trương Quang Lục
 

Muốn thành công, tôi cho rằng trước hết ta định cư ở đâu thì phải thực sự coi mình là công dân ở đó. Di dân là một công dân đặc biệt với hành trang mang theo là những kiến thức và nét văn hóa đặc trưng của một vùng đất khác lạ. Có thể tận dụng sự khác biệt này để hòa nhập với các cộng đồng mình đang cùng chung sống để nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình theo một cách rất riêng.

Nếu nhóm người mới đến định cư chứng minh được rằng họ không có ý định hình thành một “cộng đồng biệt lập” (ghetto-society), thì các hoạt động văn hóa của họ sẽ là hoạt động đóng góp vì nó góp phần làm giàu cho văn hóa của vùng đất mới.

Chúng tôi gạn lọc ra được nhận định này sau khi mất rất nhiều thời gian phân tích chi tiết cách hoạt động hội đoàn của nhiều nhóm cộng đồng di dân các nước đến Canada, cũng như hoạt động của các cộng đồng người Việt trên thế giới.

Mặc dù mang quốc tịch của nước sở tại, người di dân Việt Nam vẫn luôn nghĩ rằng mình là người Việt. Quan điểm này là lợi thế khi chúng ta nói đến tình đồng hương và việc tương trợ đồng bào. Nhưng trong khi phát triển đời sống cá nhân, gia đình, cộng đồng… nhất là cho tương lai con cháu tại nơi mình di trú thì chúng ta đang chệch hướng, vì vô tình ta đang tạo dựng thành những nhóm người mà lợi ich của nhóm đôi khi lại tách biệt hẳn ra khỏi sinh hoạt của địa phương nơi ta cư trú.

Bản thân các hoạt động của chúng tôi được hình thành từ nỗi nhớ quê hương. Ban đầu tôi chỉ đứng ra tổ chức ngày Tết Nguyên đán, Tết Trung thu cho con cháu, gia đình chúng tôi có được những ngày vui đặc biệt như ở quê nhà. Thế rồi với niềm tự hào về văn hóa Việt, chúng tôi tự tin và mạnh dạn mời bạn bè, hàng xóm cùng tham dự. Chính cái đẹp tuyệt vời của các hoạt động văn hóa Việt Nam giàu bản sắc đã giúp chúng tôi gây được tiếng vang tại nơi cư trú. Nhận thấy mọi người đều thích các lễ hội văn hóa của chúng ta nên tôi mạnh dạn đề xuất tổ chức Tết cho toàn dân cư địa phương cùng tham gia.
Đây là điểm khác biệt then chốt giúp tôi thành công trong việc quảng bá văn hóa Việt tại nơi di trú. Khi Tết của cộng đồng người Việt trở thành Tết của cả một thành phố ở Canada thì toàn bộ người dân trong khu vực đều được hưởng lợi từ sinh hoạt văn hóa này, và người di dân gốc Việt chứng minh được rằng chúng ta di trú đến nơi mới với một hành trang văn hóa súc tích. Chính quyền và người dân địa phương sẽ gặt hái nhiều lợi ích khi họ tham gia, ủng hộ và giúp du nhập các sinh hoạt giàu chất văn hóa và biến nó thành nét đẹp văn hóa của địa phương. Do đó chúng tôi đã được tài trợ tiền để tổ chức các lễ hội nói trên từ những năm đầu thập niên 2000.

Tuy nhiên lợi ích của việc giữ gìn văn hóa Việt ở nơi người Việt đến di trú không dừng lại ở đây. Qua những truyền thuyết mà chúng ta vẫn kể trong các lễ hội như chuyện “Đón Giao thừa” ngày Tết hay chuyện “Chú Cuội” ngày Trung thu, chúng tôi đã cuốn hút được thanh thiếu niên Việt Nam, nhất là các em sinh ra ở nước ngoài hướng về đất Tổ Việt Nam với hơn bốn ngàn năm lịch sử kể từ ngày lập quốc… Kế đó, chúng tôi giới thiệu tiếp với các em về dã sử rồi lịch sử nước nhà.

Đến nay, không thể có đủ thời gian và nhân lực để thỏa mãn những câu hỏi hiếu kỳ của các em, chúng tôi bắt đầu giới thiệu những quyển sách về lịch sử và văn hóa nước nhà cho các em tự đọc. Nhưng khi đưa sách cho các em, chúng tôi mới chợt nhận ra hầu hết các em đều “mù chữ Việt”!!!

Mong muốn bảo tồn ngôn ngữ Việt
 
Tinh thần Việt trong gia đình giúp các em vẫn có thể còn nói được chút ít tiếng Việt, nhưng những em đọc thông viết thạo Việt ngữ là chuyện khó có thể tìm ra ở xứ người!

Trước chướng ngại này, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát chi tiết về tình hình dạy và học Việt ngữ trong khu vực phía Tây Canada. Và, may mắn thay, chúng tôi khám phá ra rằng bà con người Việt đã tự thành lập cho mình những trung tâm dạy Việt ngữ, nhằm giúp cho những ai muốn biết Việt ngữ có cơ hội để học hỏi. Chúng tôi cũng noi theo bằng cách tình nguyện tổ chức lớp học miễn phí tại địa phương di trú. Trên thực tế, để tồn tại, các trung tâm này phải vượt qua nhiều chướng ngại khách quan và nội tại. Tuy nhiên cho đến nay, chúng ta có thể vui mừng thông báo với nhau rằng, tại khu vực Tây Canada, chúng tôi có độ mười trung tâm tự phát tình nguyện dạy Việt ngữ cho mọi người và đã có thể giúp cho nhiều học viên có thể đánh vần và tự đọc chữ Việt. Nhưng để tạo điều kiện thuận lợi và kích thích người học trau dồi Việt ngữ như ở trong nước thì chúng ta quá nghèo nàn về sách tiếng Việt, nhất là sách tập đọc, chuyện dã sử và lịch sử, sách về văn hóa Việt Nam.



Chị Đinh Kim Nguyệt (người mặc áo dài) đang dạy Tiếng Việt tại Whitehorse, Yukon

Khảo sát về nguồn sách cho người học tiếng Việt, chúng tôi thấy may mắn là tại các thư viện công của Canada có khu vực sách phục vụ cho các sắc dân di trú. Nhưng, đáng buồn thay, số lượng và chất lượng của sách về văn hóa, lịch sử Việt Nam hiện rất nghèo nàn. Quản thủ thư viện cho biết lý do chính là họ mua sách Việt Nam thông qua các đại lý phát hành tại… Mỹ!!! Từ nguồn cung cấp sách đó, nội dung các sách nói về “Lịch sử Việt Nam” hiện đang phục vụ cho toàn thế giới (người có thể đọc Anh+ Pháp ngữ) thực ra là những cuốn sách về “Lịch sử của nước Mỹ trong thời gian họ tham chiến tại Việt Nam” mà thôi!

Bức xúc, chúng tôi thuyết phục các quản thủ thư viện theo dõi sự ưa thích của người đọc trên từng đầu sách để biết được rằng loại sách nào được ưa chuộng nhất. Với kết quả nhận được, chúng tôi đã thuyết phục được các thư viện công của Canada đưa vào lưu hành trong hệ thống số sách mà chúng tôi tuyển chọn thật kỹ lưỡng để phục vụ cho kiều bào Việt Nam tại Canada.

Cùng với thành công trên, chúng tôi đồng thời cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng tôi nhận được từ Quỹ hỗ trợ Cộng đồng (thuộc Ủy ban) một số lượng sách đáng kể lên đến gần một ngàn đầu sách để sẵn sàng tặng cho các thư viện công cộng tại khu vực Tây Canada, nhằm tạo điều kiện phục vụ cho mọi người đang sinh sống tại khu vực này có nhu cầu học tiếng Việt và đọc các thông tin chính xác về Việt Nam.

Sự kiện trên đã làm cho các thư viện công tại Canada nhận ra sự thiếu sót của họ trong nguồn sách phục vụ cho người dân sở tại và ngay sau đó họ đã mạnh dạn thông qua chúng tôi tìm mua thêm sách Việt Nam thích hợp với nhu cầu của người đọc.

Việc hai nhà nước Việt Nam và Canada tình cờ phối hợp nhịp nhàng với nhau trong việc lưu hành sách đã tạo nên một sức bật mới cho người dân Canada, trong đó có kiều dân Việt Nam đang sinh sống tại đây và thanh thiếu niên Việt Nam sinh ra tại Canada, làm cho mọi người có được điều kiện để trau dồi Việt ngữ và mở mang kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã thuyết phục được một số nhà xuất bản lớn đồng ý cho chúng tôi làm Tổng đại lý phát hành sách của họ, trên tinh thần mang sách mà đồng bào cần đến tận tay mọi người với phương tiện thuận tiện nhất và chi phí rẻ nhất có thể; bằng cách thông qua trang web của chúng tôi: www.SachVietVSL.ca  hoặc  www.VSLBooks.ca.

Số sách chúng tôi dành ưu tiên hiện nay là sách có tranh minh họa và nếu được thì có phiên bản song ngữ với nội dung tập trung nói về các nét đẹp văn hóa truyền thống và lịch sử hào hùng của Việt Nam từ khi dựng nước đến nay, với hy vọng là bước làm quen với người có sự quan tâm về một Việt Nam thực sự ngày nay. Trong tương lai, nếu nhận được yêu cầu từ mọi người, chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi hoạt động và nội dung sách. Chúng tôi mong mỏi sẽ nhận được sự chung tay đóng góp của những ai có cùng quan điểm về mục tiêu, đối tượng và nhiệt tình sẵn lòng cùng chia sẻ hoạt động này.

Khởi sự từ lòng yêu quê hương da diết, chúng tôi bắt đầu với các sinh hoạt văn hóa Việt. Nhưng hiện nay con đường đang mở ra trước mắt chúng tôi là một chân trời mênh mông: Đó là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bằng cách giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ, tiến tới giới thiệu cho thế giới một cây cầu ngôn ngữ tuyệt vời để tạo điều kiện dễ dàng nhất cho người phương Tây tìm hiểu văn hóa Á đông. Trường hợp một người phương Tây muốn đọc những áng văn chương lớn của Á Đông như Tam Quốc Chí hay Kinh Dịch, họ sẽ tốn ít ra là mươi năm vùi đầu học các loại chữ viết tượng hình xa lạ... Trong khi, nếu học chữ Việt, họ chỉ cần chưa tới một năm là đã có đủ trình độ để đọc vô vàn bản dịch các áng văn kia, do chúng ta đã chuẩn bị từ lâu để phục vụ họ.

Chúng tôi tin tưởng rằng khi thanh thiếu niên Việt Nam sinh ra và lớn lên ở hải ngoại hiểu được, tin tưởng và tự hào về quê hương Việt Nam, thì chính họ cũng sẽ là lực lượng lớn, tự nguyện làm công việc quảng bá hiệu quả nhất về một Việt Nam bất khuất và hào hùng của chúng ta. Và như thế cùng nhau, chúng ta sẽ làm toàn thế giới hiểu ra lý do tại sao Việt Nam giữ vững được vị trí của mình trong suốt ngàn năm lịch sử đã qua. Chúng ta sẽ không bị lặp lại tình trạng mập mờ về kiến thức địa lý, lịch sử giữa Việt Nam và các nước láng giềng như việc Trung Quốc tranh giành Trường Sa, Hoàng Sa của chúng ta hiện nay.

Hy vọng rằng bên cạnh sự quan tâm của hai nhà nước Việt Nam và Canada đối với “Dự án sách Việt” này, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của người Việt Nam cho dự án, cho dù các bạn đang sinh sống tại Việt Nam hay bên ngoài biên giới, cho dù bạn chỉ mới vừa biết đánh vần để đọc chữ Việt hay là bạn đang là các nhà viết văn, viết sách hoặc làm việc trong phạm vi xuất bản, phát hành sách Việt. Vì mục đích giữ gìn danh hiệu Việt tiếp tục ngời sáng trên trường quốc tế và vì cả tương lai kiến thức của thanh thiếu niên Việt Nam, bởi vì họ chính là tương lai của cộng đồng người Việt ở hải ngoại và của đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Đinh Kim Nguyệt (Canada)