Lươn ngắn lại chê chạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm


Chuyện kể:

Cá chép sau khi hóa rồng mới trở về vùng sông nọ tổ chức một cuộc thi sắc đẹp cho muôn loài sống dưới nước nhân vào kỳ vũ cốc. Ban tổ chức sau khi đánh giá sơ khảo, cuối cùng thì cũng tuyển chọn được con lươn và con chạch vào một cặp, con trai và con cá thờn bơn vào một cặp. Cả hai cặp thi này đều có thân hình hơi giống nhau.

Đối với cặp lươn, chạch, ban tổ chức xét đi xét lại các tiêu chí thì cái gì cũng một chín một mười, nên cuối cùng ra tuyên bó kẻ nào có thân ngắn hơn thì sẽ là kẻ trúng tuyển. Chạch sướng quá vọt lên khỏi bùn. Con lươn tuy thế không chịu bèn lươn lẹo cãi: “Con chạch mới là giống dài người, tôi đâu có đuôi, chạch nó có vây đuôi, sao tôi lại dài hơn nó được”. Hai con từ bấy cãi nhau một hồi, khiến ban tổ chức phải cầm thước đo, lươn mới chịu. Chấm đến cặp thờn bơn và trai, so đi tính lại hai con mình cũng mỏng. Con thì miệng há ra, con thì ti hí cái mồm, chẳng con nào chịu kém con nào, ban tổ chức mới tính chuyện con nào mồm miệng cân đối thì cho thắng cuộc. Lúc ấy chị thờn bơn mới nói: “Miệng tôi là cân đối nhất. Cái trai kia, mồm nó lệch hẳn một bên sao đẹp được”. Con trai và con thờn bơn lại lên diễn đàn cãi nhau, không con nào chịu con nào khiến ban tổ chức đau đầu phân định. Lúc đó cá chép vốn có kinh nghiệm phân giải mới tuyên bố: “Lươn ngắn sao chê chạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm”. Thôi giải tán!

Câu này là cách nói hoán dụ. Con lươn dài hơn con chạch lại chê chạch dài, con cá thờn bơn mồm vẹo một bên lại chê trai lệch mồm. Như vậy cái không thể có cứ cãi là có, đó là cãi chày cãi cối. Truyện này dựa vào đặc điểm hơi giống nhau của lươn, chạch, trai, thờn bơn thành ra thành ngữ để răn đời. Thế nên mới có câu: Chuột chù chê khỉ rằng hôi, khỉ mới trả lời cả họ mày khôn! Những kẻ không hơn, thậm chí không bằng người khác mà vẫn cứ lên giọng chê người, thật đáng ghét!

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn