Như vợ chồng ngâu


Chuyện kể:

Ở một khu rừng nọ có một cái suối trong. Các nàng tiên trên trời thường đến suối tắm vui đùa thỏa thích, người ta gọi là Suối Tiên. Khi tắm, các nàng đều chút bộ cánh trên bờ, xuống bơi lội đùa giỡn cho thỏa thích. Một hôm có chàng đốn củi mải mê ngắm nhìn.

Bỗng có ba cánh trắng để trên bờ, chàng ta bèn lấy trộm một bộ rồi nấp vào bụi cây.

Tắm xong, ba nàng tiên lên bờ. Hai nàng nhận được bộ cánh của mình bay vụt lên trời. Còn một nàng mất cánh đang ngơ ngác thì anh chàng đốn củi bước ra.

Nàng tiên cầu khẩn:

- Hỡi chàng trai, hãy vui lòng trả cho ta đôi cánh để ta về trời.

Chàng trai tươi cười trả lời:

- Nàng đã thuộc về ta, nàng hãy theo ta về làm vợ.

Kẻ xin, người giữ, nhùng nhằng mãi cho đến xế chiều, nàng tiên đành lòng theo chàng trai về nhà. Từ đó nàng tiên trở thành vợ người đốn củi. Họ sinh hạ được một người con trai. Một hôm, chàng đốn củi có việc phải đi xa. Chàng dặn vợ:

- Mẹ con nàng ở nhà, có ăn thì ăn đụn lúa vàng, rồi sang đụn lúa gié, chớ ăn đụn lúa giệ, có tổ ong vò vẽ, đốt cả mẹ lẫn con.

Nhưng người vợ ở nhà không làm theo người chồng dặn. Sau khi ăn hết đụn lúa vàng, nàng chuyển sang đụn lúa giệ. Không thấy có tổ ong vò vẽ nàng sinh nghi. Tìm tòi một lúc nàng nhận ra bộ cánh của mình chồng giấu trong cót thóc.

Được cánh, nàng tiên nóng lòng về thăm cha mẹ. Nhưng vì thương con nên nấn na chưa chịu về. Sắp đến ngày chồng về, một buổi nàng bèn làm thật nhiều bánh và dặn con:

“Con ở nhà, hễ khi nào đói bụng thì lấy bánh ra mà ăn, đợi cha về con nhé!”.

Đoạn gài lên áo con một chiếc lược và bảo:

- Con ở nhà nhớ giữ chiếc lược cho cha.

Rồi nàng bay bổng lên không trung về trời.

Người chồng về thấy chiếc lược trên áo con thì đoán ngay ra nông nỗi. Hai cha con buồn rười rượi, côi cút ngóng trông.

Một hôm, chàng bế con ra suối tiên, nấp vào chỗ kín. Trưa hôm sau một bà tiên già từ trên trời cầm lọ xuống lấy nước. Chàng tiến lại gần và cầu khẩn:

- Hỡi bà tiên. Bà hãy thương cha con tôi. Ba năm trước đây có nàng tiên xuống tắm chốn này, nàng đã làm vợ tôi và sinh hạ với tôi thàng bé này. Nay nàng đột ngột trở về trời để lại niềm thương nhớ cho hai cha con chúng tôi.

Bà tiên cầm lọ nước giơ lên như làm phép rồi nói:

- Nàng tiên đó là Ả Chức. Ả Chức hàng ngày dệt vải nhưng luôn nhớ chồng, nhớ con. Được, ta sẽ giúp ngươi.

Nói đoạn bà tiên múc lọ nước bay lên trời. Chiều hôm đó, có hai người nhà trời đem túi nhà trời đưa cho cha con người đốn củi bay vút lên chín tầng mây. Đến canh khuya, hai cha con được vào cõi lộng lẫy. Trước mặt họ, nàng Ả Chức xuất hiện vẫn đẹp như xưa. Vợ chồng, mẹ con gặp nhau mừng mừng, tủi tủi.

Sau khi biết rõ tình cảnh của họ, Ngọc Hoàng thương tình bèn cho cha con người đốn củi ở lại hà trời, giao cho chàng chăn trâu. Sau này người ta gọi chàng là chàng Ngưu, gọi chệch là chàng Ngâu. Hàng ngày, Ngưu thả trâu ăn cỏ bên này bờ sông Ngân Hà, còn nàng Chức dệt vải bên bờ sông kia. Mỗi năm Ngọc Hoàng chỉ cho họ gặp nhau một lần vào ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch. Còn đàn quạ thì ngày đó phải đội đá bắc cầu qua sông cho vợ chồng họ gặp nhau. Cầu ấy gọi là cầu Ô Thước.

Từ đó, cứ đến mồng 7 tháng 7 thì trời khác thường. Mưa ào ào rồi lại tạnh ngay, người ta gọi là mưa ngâu. Mưa ngâu thất thường, rỉ rả suốt ngày. Người ta đồn rằng đó là những giọt nước mắt của hai vợ chồng họ được gặp gỡ nhau trong một ngày, rồi lại ly biệt cho đến năm sau.

Từ chuyện trên mà nên thành ngữ “Như vợ chồng Ngâu” để nói cảnh vợ chồng biệt ly. Dân gian cũng mượn cái quy luật của khí hậu thời tiết tháng bẩy mà thêu dệt cảnh nước mắt đặt cho nó cái cái tên mưa ngâu thần thoại, thật hợp với cảnh sụt sùi ly biệt của đôi vợ chồng yêu thương nhau mà khó khăn trắc trở. Có lẽ vì thế mà dân gian vẫn kiêng cưới hỏi vào tháng bảy là thế.

 Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn