Giải đáp một số thắc mắc liên quan đến việc kết hôn với người nước ngoài

Xin hỏi:

1. Các loại giấy tờ đã được chuẩn bị nhưng vẫn thiếu giấy khám sức khỏe tình trạng tâm thần của chồng tôi. Nay anh ấy có thể khám ở Mỹ, và scan về cho tôi để tôi tiếp tục tiến hành đăng ký kết hôn ở VN không? Nếu được có cần dịch thuật công chứng hay không?

2. Tôi có thể có 2 quốc tịch VN và Mỹ hay không? Tôi cần chuẩn bị các loại giấy tờ gì, các thủ tục gì cần tiến hành?

3. Chồng tôi sau đám cưới có thể xin thường trú tại VN cùng tôi hay không? Cách thức tiến hành xin thường trú thế nào?

4. Anh ấy có thể mang xe hơi về VN không? Được miễn thuế hay phải chịu mức thuế thế nào? Anh ấy có bằng lái xe của Mỹ, có cần chuyển đổi để sử dụng ở VN hay không?

5. Anh ấy đã làm giấy ủy quyền (có công chứng) sẽ giao toàn bộ việc tiến hành đăng ký kết hôn cho tôi, như vậy tôi có thể nộp hồ sơ và nhận giấy chứng nhận khi không có anh không?

6. Tôi cần làm những gì để xin visa đi Đài Loan thăm gia đình chồng? Xin visa du lịch và thăm thân thì loại nào dễ tiến hành hơn?

Trả lời:

1. Theo pháp luật Việt Nam, trong hồ sơ đăng ký kết hôn giữa người Việt Nam với người nước ngoài, các giấy tờ của nước ngoài muốn sử dụng ở Việt Nam phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan Ngoại giao hoặc cơ quan Lãnh sự Việt Nam tại nước đó. Các văn bản bằng tiếng nước ngoài phải nộp bản chính, kèm bản dịch ra tiếng Việt có công chứng.

Theo đó, khi chồng bạn thực hiện khám sức khỏe ở Mỹ, muốn sử dụng giấy khám sức khỏe này trong hồ sơ đăng ký kết hôn ở Việt Nam thì phải gửi bản gốc về Việt Nam và hợp thức hóa lãnh sự, đồng thời tiến hành chứng thực ở UBND quận.

2. Thủ tục đăng ký 2 quốc tịch:

Theo quy định của Luật quốc tịch 2008, việc kết hôn giữa người Việt Nam với người nước ngoài không làm mất quốc tịch Việt Nam của đương sự. Nên khi bạn  kết hôn với chồng bạn có quốc tịch Mỹ thì bạn vẫn còn quốc tịch Việt Nam của mình nếu bạn đăng ký giữ quốc tịch. Còn việc bạn muốn nhập quốc tịch Mỹ thì phải phụ thuộc vào quy định pháp luật Mỹ.

Theo Khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép: “Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam”.

Như vậy, trong trường hợp bạn có quốc tịch Mỹ nhưng đồng thời có thể bạn được Nhà nước Việt Nam cho nhập quốc tịch Việt Nam vì bạn thuộc đối tượng là “con đẻ của công dân Việt Nam”.

Theo đó, để đồng thời có 2 quốc tịch Việt Nam và quốc tịch Mỹ thì bạn phải tiến hành đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước bạn sinh sống và đăng kí nhập quốc tịch Mỹ tại cơ quan có thẩm quyền của nước Mỹ.

Hồ sơ, thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam bao gồm:

Tờ khai Đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam (mẫu TP/QT-2010-TKĐKGQT).

Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam: giấy Khai sinh , giấy chứng minh nhân dân; giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam; giấy tờ cư trú tại nước bạn cư trú.

Đối với việc đăng ký gia nhập quốc tịch Mỹ của bạn sẽ thực hiện thủ tục theo quy định của Luật quốc tịch Mỹ.

3. Thủ tục xin thường trú ở Việt Nam của người nước ngoài:

Theo Điều 13 Pháp lệnh Nhập cảnh, Xuất cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (“Pháp lệnh XNC”): Người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam thuộc trường hợp là vợ, chồng, con, cha, mẹ của công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam được xem xét, giải quyết cho thường trú.

Như vậy, sau khi kết hôn chồng bạn sẽ được xem xét cho thường trú ở Việt Nam nếu anh ta đang có thẻ tạm trú tại Việt Nam.

Khoản 2 Điều 13 Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh XNC quy định thủ tục xin thường trú, hồ sơ nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hồ sơ gồm:

a) Ảnh và đơn xin thường trú theo mẫu do Bộ Công an quy định;

b) Lý lịch tư pháp có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân;

c) Công hàm của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân đề nghị Việt Nam giải quyết cho người đó được thường trú tại Việt Nam;

d) Giấy tờ chứng minh người xin thường trú thuộc trường hợp là vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam;

đ) Bản chụp hộ chiếu.

Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc xin thường trú của người nước ngoài nêu tại khoản này.

4. Thuế suất phải nộp khi mang xe hơi vào Việt Nam:

Chồng bạn được phép mang xe hơi về Việt Nam. Trong trường hợp về Việt Nam sinh sống lâu dài, chiếc xe là tài sản di chuyển của gia đình về Việt Nam thì chồng bạn được miễn thuế nhập khẩu, căn cứ theo điểm c, Khoản 2 Điều 101 Thông tư số 194/2010/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Trong trường hợp chiếc xe không phải là tài sản di chuyển của gia đình, thì chồng bản phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt khi mang xe về Việt Nam. Cụ thể như sau:

+  Thuế nhập khẩu: Tại điều 1 Quyết định số 23/2008/QĐ-BTC của Bộ Tài Chính ngày 08/05/2008 về việc quy định mức thuế tuyệt đối thuế nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu thì mức thuế nhập khẩu áp dụng cho các tờ khai hàng hoá nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan kể từ ngày 13/5/2008 đối với mặt hàng xe ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống được áp dụng mức thuế 20.000 USD/chiếc.

+  Thuế tiêu thụ đặc biệt: Theo quy định tại Điều 7 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 của Quốc hội Nước CHXHCNVN ngày 14/11/2008, thì thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô có dung tích xi lanh từ 3.000 cm3 trở lên có thuế suất 60%; 

Thuế tiêu thụ đặc biệt = (Giá nhập khẩu + Thuế nhập khẩu) x thuế suất.

+  Thuế giá trị gia tăng: Theo quy định tại Điều 8 Luật thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 của Quốc hội Nước CHXHCNVN ngày 03/06/2008 thì thuế suất giá trị gia tăng đối với xe ô tô là: 

Thuế giá trị gia tăng = (Giá nhập khẩu + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt) x thuế suất.

Lưu ý: Khi nộp thuế bạn phải nộp bằng đồng tiền Việt Nam.

Về việc đổi giấy phép lái xe do nước ngoài cấp để sử dụng ở Việt Nam:

Theo quy định tại khoản 5, Điều 40 Thông tư số 07/2009/TT-BGTVT ngày 19/6/2009 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ “Người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài có giấy phép lái xe nước ngoài, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam phải làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế về giấy phép lái xe mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.

Do vậy, bằng lái xe do Mỹ cấp của chồng bạn không được sử dụng trực tiếp tại Việt Nam, chồng bạn cần làm thủ tục chuyển đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam để sử dụng xe tại Việt Nam.

5. Về việc ủy quyền đăng kí kết hôn:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 14  Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài: “Khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, cả hai bên đương sự phải có mặt. Trong trường hợp có lý do khách quan mà một bên không thể có mặt được thì phải có đơn xin vắng mặt và uỷ quyền cho bên kia đến nộp hồ sơ. Không chấp nhận việc nộp hồ sơ đăng ký kết hôn qua người thứ ba”.

Theo quy định này thì bạn được phép một mình nộp hồ sơ và nhận giấy chứng nhận kết hôn khi chồng bạn có giấy ủy quyền cho bạn nộp hồ sơ kèm theo đơn xin vắng mặt với cơ quan có thẩm quyền mà hai bạn thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.

6. Thủ tục xin visa đi Đài Loan:

Để xin visa đi thăm người thân bạn cần chuẩn bị hồ sơ, bao gồm:

Hộ chiếu;

Đơn xin cấp visa (theo mẫu);

Giấy tờ chứng nhận quan hệ nhân thân với gia đình chồng của bạn bên Đài Loan;

Bản sao giấy chứng nhận kết hôn của hai bạn;

Giấy xin nhập cảnh Đài Loan;

Giấy chứng nhận gia đình chồng bạn đang sống ở Đài Loan.

Đối với việc xin visa đi du lịch, hồ sơ xin cấp visa đơn giản hơn với hồ sơ xin visa đi thăm người thân. Hồ sơ xin visa đi du lịch bao gồm: Hộ chiếu; 2 ảnh 4x6; Vé máy bay khứ hồi; Lịch trình thăm quan.

Tuy nhiên cả hai hồ sơ này phải thông qua phỏng vấn với nhân viên cấp visa. Do vậy, tùy vào mục đích của mình bạn có thể lựa chọn hình thức xin visa khác nhau để đạt được mục đích.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội