Đồng hành cùng kiều bào, vì mục tiêu chung của dân tộc

 

 Đồng chí Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Trước thềm Xuân mới Nhâm Dần 2022, đồng chí Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những nội dung được triển khai của công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2021 vừa qua.

Phóng viên: Thưa đồng chí, năm 2021, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đạt được những dấu ấn quan trọng nào?

Đồng chí Phạm Quang Hiệu: Có thể nói, dấu ấn về công tác NVNONN trong năm qua được gói gọn trong hai từ “tham mưu” và “thích ứng”.

Đầu tiên, công tác tham mưu, kiến nghị chính sách đối với NVNONN đã được nâng tầm nhằm đáp ứng tốt hơn những yêu cầu trong tình hình mới. Năm qua, hai văn bản quan trọng, mang tính định hướng chiến lược cho công tác NVNONN thời gian tới đã được ban hành. Một là, trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã kiến nghị và trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 về công tác NVNONN trong tình hình mới. Hai là, để tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã kiến nghị và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về công tác NVNONN giai đoạn 2021 - 2026.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2021 ở cả trong nước và trên thế giới, công tác vận động NVNONN vẫn được triển khai tích cực bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với tình hình, qua đó tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương.

Ủy ban Nhà nước về NVNONN là cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác NVNONN, đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy nguồn lực của kiều bào đóng góp cho sự phát triển đất nước như: vận động bà con hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 ở trong nước hay phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức chuỗi hội thảo, tọa đàm trực tuyến nhằm tập hợp những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học kiều bào nhằm hỗ trợ trong nước vượt qua làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 ở trong nước.

Ngoài ra, việc hỗ trợ bà con ta ở nước ngoài vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh được chú trọng hơn với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ủy ban đã kiến nghị và trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ kinh phí hỗ trợ cộng đồng NVNONN có hoàn cảnh khó khăn tại 9 địa bàn. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng tích cực huy động các doanh nghiệp và địa phương hỗ trợ vật tư y tế cho cộng đồng NVNONN tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 173 chuyến bay, đưa hơn 50.000 công dân (thuộc các đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Thủ tướng) từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước; tổ chức 401 chuyến bay chở hơn 72.000 lao động, sinh viên về nước.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cùng đại diện Hội người Việt Nam toàn Thái Lan trao tiền ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Phóng viên: Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về ý nghĩa quan trọng của sự ra đời Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam trong tình hình mới? Cần làm gì để Kết luận số 12 đưa công tác về NVNONN đi vào chiều sâu và hiệu quả?

Đồng chí Phạm Quang Hiệu: Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa công tác NVNONN đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị nhấn mạnh công tác NVNONN cần thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào VNONN. Điều đó thể hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về củng cố vững chắc đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng NVNONN là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài nhằm phát huy mạnh mẽ sức mạnh toàn dân tộc cho phát triển đất nước.

Việc ban hành Kết luận 12-KL/TW cũng góp phần thúc đẩy thực hiện công tác NVNONN toàn diện và mạnh mẽ hơn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 36-NQ/TW và Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN, trong đó tập trung hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại; tăng cường việc dạy và học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; khuyến khích và tạo điều kiện để kiều bào đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều đáng mừng là, sau khi Kết luận 12-KL/TW được ban hành, đông đảo bà con ta ở nước ngoài đều rất đồng tình, tán thành và đánh giá cao; cho rằng, những nội dung trong Kết luận đã phản ánh đúng và trúng những tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Trong thời gian tới, để thực sự đi vào chiều sâu và hiệu quả, công tác NVNONN cần triển khai theo những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được Kết luận 12-KL/TW đề ra. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về công tác NVNONN giai đoạn 2021 - 2026. Nghị quyết là định hướng để các ban, bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp và tiếp tục đẩy mạnh công tác NVNONN trong 5 năm tới. Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ban, ngành nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể nêu trong Kết luận 12-KL/TW.

Phóng viên: Những năm qua, đặc biệt là năm 2021, công tác về NVNONN đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, khẳng định sức mạnh đoàn kết thống nhất của toàn dân tộc Việt Nam. Thứ trưởng suy nghĩ như thế nào về vấn đề này? Theo Thứ trưởng, trong thời gian tới, chúng ta cần làm gì để tiếp tục huy động tinh thần đoàn kết của kiều bào ở khắp nơi trên thế giới?

Đồng chí Phạm Quang Hiệu: Trước hết phải khẳng định rằng, đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh dân tộc Việt Nam. Trải qua những thăm trầm của lịch sử, chính đại đoàn kết đã đưa dân tộc ta đi từ hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thực tiễn cho thấy, càng trong khó khăn, hoạn nạn, tinh thần đại đoàn kết dân tộc giữa đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài lại càng ngời sáng hơn bao giờ hết. Đại dịch COVID-19 chính là “phép thử” cho truyền thống quý báu đó của dân tộc.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công tác đại đoàn kết đối với NVNONN. Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW đều nhấn mạnh công tác đối với NVNONN cần thể hiện đầy đủ và phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Tiếp nối các văn bản trên, Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới yêu cầu tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc đối với đồng bào VNONN; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào ta ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Thời gian qua, công tác đại đoàn kết, vận động NVNONN hướng về quê hương đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhờ vậy, đồng bào ta ở nước ngoài ngày càng tin tưởng vào đường lối, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước. Nhiều kiều bào, kể cả những người trước đây từng có định kiến, đã có những phát ngôn và hành động tích cực hướng về đất nước, trực tiếp phản bác những luận điệu sai trái.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế như một bộ phận còn định kiến, nhận thức và hành động không phù hợp lợi ích quốc gia - dân tộc; cá biệt một số người có thái độ chống phá quyết liệt; còn một bộ phận trung dung giữ thái độ im lặng. Thế hệ kiều bào trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài do ảnh hưởng từ thế hệ đi trước, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa nên có người còn thờ ơ, không quan tâm đến tình hình đất nước.

Vì vậy, trong thời gian tới, công tác NVNONN cần tiếp tục thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW, Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm gắn kết kiều bào với quê hương, bao gồm những hoạt động lớn gắn với các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, cũng như những hoạt động phù hợp với từng nhóm kiều bào; chú trọng tổ chức các hoạt động hướng về cội nguồn dành cho thế hệ kiều bào trẻ để các bạn hiểu hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, qua đó nuôi dưỡng, tăng cường tình cảm gắn bó với quê hương; đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Đối với những kiều bào còn định kiến, ta cần kiên trì vận động để bà con yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc. Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm giải quyết các vấn đề do lịch sử, hậu quả chiến tranh để lại trên tinh thần đối thoại, lắng nghe, cởi mở, chân thành, rộng lượng, khoan dung, sẵn sàng chấp nhận khác biệt.

Công tác thông tin cho NVNONN, cần chú trọng nhanh chóng thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới bà con; kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, hành động đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc. Về phương thức, cách làm cũng cần chủ động, đổi mới để nhanh hơn, đa dạng hơn và hiệu quả hơn, trong đó phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại và truyền thông cộng đồng.

Phóng viên: Bên cạnh những thành tựu đạt được, không thể phủ nhận rằng công tác về NVNONN còn một số tồn tại hạn chế. Thứ trưởng có thể cho biết rõ thêm về những khó khăn, tồn tại đã và đang gặp phải?

Đồng chí Phạm Quang Hiệu: Đúng là bên cạnh những kết quả rất quan trọng đạt được, công tác về NVNONN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Thứ nhất, có nơi, có lúc công tác NVNONN chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức. Việc nhận thức và triển khai các chủ trương, chính sách về đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc của các cơ quan trong và ngoài nước chưa thực sự đầy đủ và thống nhất, còn tồn tại tâm lý nghi kỵ NVNONN.

Thứ hai, công tác nắm tình hình cộng đồng, tham mưu, kiến nghị và phối hợp triển khai chủ trương, chính sách chưa sâu sát, chặt chẽ và kịp thời. Việc triển khai những quy định liên quan đến nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài, mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, chế độ đãi ngộ đối với chuyên gia NVNONN còn bất cập, gây khó khăn, vướng mắc cho kiều bào.

Thứ ba, ta cũng chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của kiều bào. Nguồn lực kinh tế của kiều bào mới chỉ tập trung vào kiều hối (tổng kiều hối năm 2021 đạt 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020). Vai trò của kiều bào trong việc đưa hàng hóa Việt Nam sang các thị trường ngày càng tăng cường những vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Các dự án FDI số lượng ít và vốn nhỏ, lượng đầu tư dưới danh nghĩa nhà đầu tư Việt Nam vẫn chiếm đa số. Nguồn lực tri thức của kiều bào mới hầu hết chỉ dừng lại các hoạt động kết nối. Hoạt động của các mạng lưới chuyên gia, trí thức đã tăng lên về số lượng nhưng chưa đi vào chiều sâu với những dự án hợp tác cụ thể.

 Chương trình “Xuân Quê hương” dành cho cộng đồng NVNONN là hoạt động chính trị,
đối ngoại, văn hóa lớn nhằm kết nối kiều bào với trong nước. 

Phóng viên: Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo ra những cơ hội và thách thức mới đối với đất nước ta và sự phát triển của cộng đồng NVNONN. Xin đồng chí cho biết làm thế nào để củng cố và thúc đẩy sự đóng góp quan trọng của cộng đồng NVNONN đối với đất nước, trong đó đặc biệt là lực lượng trí thức, doanh nhân kiều bào?

Đồng chí Phạm Quang Hiệu: Sau hơn 35 năm tiến hành Đổi mới, đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong 20 nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới (Theo Báo cáo rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2021 của WTO) với nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế được cải thiện như: năng lực cạnh tranh, đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu, chỉ số tự do kinh tế và quyền lực mềm, năng lực đổi mới sáng tạo... Quy mô của nền kinh tế không ngừng được mở rộng, thế và lực của đất nước trên trường quốc tế không ngừng tăng trong những năm qua. Những thành tựu này là minh chứng cho ý chí và nỗ lực vươn lên của toàn dân tộc, trong đó có hơn 5.3 triệu đồng bào ta đang sinh sống, học tập, làm việc ở 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.   

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng, định hướng sự phát triển của đất nước đến năm 2045. Sự quyết tâm, đồng lòng và sự tập trung nguồn lực của toàn dân tộc, trong đó có nguồn lực của NVNONN, là yếu tố hết sức quan trọng để đưa đất nước tiếp tục tiến lên mạnh mẽ, hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra.

Kết luận 12-KL/TW đặt ra yêu cầu cần củng cố và thúc đẩy sự đóng góp của cộng đồng đối với đất nước, trong đó đặc biệt là lực lượng trí thức, doanh nhân kiều bào; nhấn mạnh công tác “thu hút nguồn lực NVNONN” trong tình hình mới không chỉ là “thu hút” mà còn phải “tạo điều kiện”, “phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực”. Thời gian tới, công tác này cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả với một số biện pháp cụ thể như sau:

Trước hết, cần thống nhất nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị về chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng NVNONN là bộ phận không tách rời; việc triển khai hiệu quả công tác thu hút, sử dụng nguồn lực NVNONN là hết sức quan trọng. Các cơ quan trong nước, từ trung ương tới địa phương, cần chú trọng vừa chăm lo, phát triển, vừa phát huy thế mạnh, sử dụng hiệu quả nguồn lực NVNONN. Cần sớm thiết lập cơ chế triển khai, phối hợp đồng bộ từ trung ương đến cơ sở và trong phạm vi toàn quốc trong công tác thu hút nguồn lực NVNONN.

Thứ hai, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để NVNONN cơ bản được hưởng môi trường pháp lý tương đương với người dân trong nước khi tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa… cần được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thứ ba, các bộ, ban ngành, địa phương, tổ chức trong nước cần triển khai đa dạng, đồng bộ hoạt động thu hút nguồn lực NVNONN vào những dự án, công trình cụ thể, hướng tới đối tượng cụ thể với mức độ đãi ngộ hợp lý, rõ ràng. Đồng thời, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ban ngành, Chính phủ cần ban hành một số chính sách mang tính đột phá trong đãi ngộ, trọng dụng, bồi dưỡng nguồn lực NVNONN.

Thứ tư, Bộ Ngoại giao phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan như Ban dân vận, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc… đẩy mạnh hỗ trợ thành lập, phát triển mạng lưới các hội, đoàn chuyên gia, trí thức, doanh nhân NVNONN tại các khu vực và trên phạm vi toàn cầu để tăng cường giao lưu, tiếp xúc, giúp đỡ lẫn nhau, thúc đẩy hoạt động đầu tư, thương mại, văn hóa, cùng nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ giữa NVNONN và với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước.

Thứ năm, công tác về NVNONN do các cơ quan trong nước triển khai cần chú trọng thúc đẩy sự gắn kết giữa cộng đồng NVNONN với cội nguồn, văn hóa, truyền thống, ngôn ngữ tiếng Việt. Cần xác định đây là sợi dây gắn kết bền chặt nhất giữa cộng đồng với quê hương. Cần đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thế hệ trẻ kiều bào - thế hệ tương lai, tiếp nối trong giai đoạn chuyển giao thời gian tới.

Thứ sáu, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan trong nước cần sớm xây dựng cơ chế tiếp thu, giải đáp và phản hồi các ý kiến góp ý, sáng kiến của NVNONN để những đóng góp có giá trị về tri thức của kiều bào được áp dụng, đi vào thực tiễn triển khai.

Tiềm năng của cộng đồng NVNONN đa dạng, dồi dào, mang giá trị bền vững. Điểm cốt lõi, mang tính quyết định là: đồng bào ta ở nước ngoài có tình cảm sâu nặng, gắn bó với quê hương, mong muốn đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Công tác thu hút nguồn lực NVNONN cần luôn thể hiện sự trân trọng đóng góp của bà con ta ở nước ngoài và sẵn sàng tạo điều kiện để bà con về nước, góp sức cho quê hương, đất nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(Bài phỏng vấn đã được đăng trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 31/01/2022)