Chuyển đổi số được sẽ giảm 'chi phí chìm' cho doanh nghiệp


 Ảnh minh họa

Tháng 7/2020, TP.HCM là đơn vị đầu tiên ban hành chương trình chuyển đổi số đến năm 2025. Đây là điểm sáng thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo TP muốn đưa TP.HCM thành đô thị thông minh, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Cơ hội và thách thức cho chuyển đổi số

Tôi cho rằng giai đoạn này là cơ hội cho TP.HCM thực hiện các chương trình chuyển đổi số. Cụ thể, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cả nước. Đây cũng là xu hướng phát triển của thế giới trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 làm thay đổi cách sống người dân. Người dân bắt đầu hình thành thói quen sống giãn cách, làm việc từ xa, mua sắm trực tuyến, học trực tuyến, tư vấn y tế từ xa, dùng mạng xã hội nhiều, ít dùng tiền mặt hơn…

Trước nhu cầu phòng chống dịch, TP cần có một app (ứng dụng) chung để khai báo y tế, quản lý tiêm vaccine cho toàn dân kết nối với hệ thống định danh tập trung. Dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh bùng phát đã cho thấy sự thiết thực. TP cần nhiều hơn hệ thống thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến.

Dù vậy, chuyển đổi số tại TP.HCM cũng có không ít thách thức. Đó là Chính phủ và doanh nghiệp chưa có chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, dữ liệu dân cư phân tán, bản đồ số chưa chính xác.

Bên cạnh đó, dịch vụ công cấp 4 chỉ mới đạt 10-30%. Mỗi ngành nghề, bộ phận, khu vực chức năng đều có những yêu cầu riêng, cách thức hoạt động riêng, phải đầu tư vào các thành phần chuyên biệt cho mục đích hẹp. Công nghệ thông tin phải tích hợp mọi thứ, làm tăng chi phí, độ phức tạp và dễ thất bại.

Theo như tôi được biết, kinh phí cho chuyển đổi số chỉ khoảng 1%. Với một hệ thống quản lý, điều hành số tại một quận chỉ có từ vài trăm triệu đến 2 tỉ đồng thì khó thành công. Với thành phố lớn như TP.HCM thì nên chi tối thiểu 3-4% GDP để đầu tư phát triển cho công cuộc chuyển đổi số.

Cần có app riêng phục vụ doanh nghiệp

Bài toán Chính phủ số vẫn còn nhiều việc cần làm ngay như triển khai mã số công dân kết nối với hệ thống công nghệ thông tin của Chính phủ. Nhưng hiện nay lại dùng mã số của căn cước công dân kết nối với bảo hiểm xã hội. Việc này sẽ gây bất cập vì bỏ quên trẻ dưới 14 tuổi hay công dân nước ngoài sống tại Việt Nam không có căn cước công dân.

Tiếp theo là phát triển mã định danh cho công dân hay doanh nghiệp để cho phép truy cập các hệ thống công nghệ thông tin khác của Chính phủ. Hệ thống định danh cần phát triển dựa trên chuẩn OpenID (hệ thống đăng nhập một lần không có tính tập trung), kết hợp cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an và cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp thành một cơ sở dữ liệu chung cho cả nước. Từ đó phân quyền truy cập, tạo dữ liệu hay cập nhật dữ liệu cho hai bộ này. Như vậy sẽ hạn chế được việc mỗi bộ nắm một phần dữ liệu của người dân.

Tôi cho rằng nếu mỗi bộ nắm dữ liệu riêng như hiện tại thì câu chuyện Chính phủ số sẽ còn lâu mới trở thành hiện thực.

Tự động hóa và chuẩn hóa các quy trình dịch vụ công là bước tiếp theo của chính quyền số và là chuyển đổi số ở mức độ cao nhất. Phát triển cổng dịch vụ công và quản lý tài liệu văn bản tập trung cho tất cả các địa phương và các bộ ngành trên nền tảng điện toán đám mây. Việc này để tiết kiệm ngân sách và thời gian, triển khai đồng bộ, đảm bảo an toàn thông tin tốt hơn.
Trong đó ưu tiên phát triển các dịch vụ công giúp các doanh nghiệp có thể đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đóng thuế, nộp ngân sách một cách dễ dàng để giảm các "chi phí chìm".
Ngoài việc cải tiến pháp lý giảm bớt các giấy phép con thì cần thúc đẩy các giải pháp công nghệ ứng dụng trong các dịch vụ công trực tuyến tránh tiếp xúc.

Tôi đề xuất nên có app riêng cho doanh nghiệp để họ có thể thực hiện mọi thủ tục một cửa trên ứng dụng này, giống như đang làm cho người dân. Bên cạnh đó, chính quyền cần là cầu nối với các chuyên gia chuyển đổi số với doanh nghiệp; có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện tại, các cơ quan vẫn lưu văn bản trên giấy bên cạnh máy tính. Việc này rất lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. Cần thay đổi thành văn phòng không giấy với chữ ký điện tử - đó là việc chuyển đổi ý nghĩa, có thể làm được ngay trong thời gian ngắn và tiết kiệm ngân sách.

Tăng tương tác với người dân qua xã hội số

Kinh tế số là một kịch bản ứng dụng hiện tại của nền kinh tế tri thức. TP nên coi là chiến lược phát triển kinh tế lâu dài. Đẩy mạnh phát triển các hệ thống thương mại điện tử, hệ thống thanh toán trực tuyến, điện toán đám mây, truyền hình số, ngân hàng số, sản xuất các IoT (Internet vạn vật) phục vụ cho thành phố thông minh, ngôi nhà thông minh, nông nghiệp và thủy sản thông minh.

Ngoài ra, cần thúc đẩy xã hội số để tăng tính quản lý, tương tác người dân trên không gian mạng. Cụ thể, xây mạng Internet băng rộng hay 5G đến tận phường xã để phát triển xã hội số, đảm bảo quyền truy cập của người dân. Với xã hội số, người dân có thể tham gia trực tuyến các hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị, giáo dục.

Bên cạnh đó, cần ban hành các quy tắc ứng xử trên môi trường số; phát triển Trung tâm giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực bởi công nghệ số.

 

Lâm Việt Tùng
Chuyên gia tư vấn Công nghệ Thông tin - Viễn thông tại Hà Lan