GS. Phan Thiện Nhân: Không ai có thể làm mọi thứ một mình

 GS. Phan Thiện Nhân và các sinh viên.  Ảnh: NVCC

Ông có thể chia sẻ công việc tại Đại học Quốc gia Singapore?

Tại Khoa Kỹ thuật Cơ khí, nhiệm vụ chính của tôi là đảm bảo sự vận hành, xây dựng đường hướng phát triển, duy trì và nâng cao xếp hạng quốc tế, cũng như đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo đại học và sau đại học.

Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, tôi chủ trì một số dự án nghiên cứu về sự vận chuyển bùn đất trong đại dương từ các hoạt động khai thác khoáng sản, dự án về công nghệ lọc nước sử dụng màng sứ mỏng, dự án về công nghệ in 3D và dự án về vật liệu siêu rỗng aerogel.

Gắn bó nhiều năm với Singapore, ông có tình cảm đặc biệt gì với đất nước này?

Tôi có dịp ghé thăm Singapore trong một lần quá cảnh trên chuyến bay đến Sydney vào năm 1971. Khi đó, Singapore đã không còn là thuộc địa của Anh và đã tuyên bố độc lập được sáu năm. Hoàn cảnh của Singapore khi ấy không khác mấy với Sài Gòn lúc bấy giờ, ngoại trừ tôi bắt gặp nhiều công trình đã và đang được triển khai.

Lần đầu tiên tôi có dịp làm việc ở Singapore là vào năm 1987, khi tôi được mời giảng dạy tại Đại học Quốc gia Singapore trong một dịp nghỉ phép định kỳ của Đại học Sydney (Australia). Năm 2001, tôi trở lại Singapore và được phong Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore và ở lại đây cho đến năm 2004. Thời gian này, tôi sáng lập ra Khoa Kỹ thuật Sinh học (nay đổi tên là Khoa Kỹ thuật Y Sinh) và được phong tặng Giáo sư sáng lập của khoa này.

Sau nhiều năm trở về và sinh sống tại California (Mỹ), năm 2011, tôi quyết định trở lại Singapore để chủ trì một dự án nghiên cứu ba năm tại Đại học Quốc gia Singapore. Và như một cơ duyên, tôi tiếp tục ở lại cho đến bây giờ.

Khác xa với những năm 1970, Singapore ngày nay thay đổi rất nhiều. Nếu như các thành phố khác trên thế giới thường có chu kỳ thay đổi khoảng 50 năm, chu kỳ thay đổi của Singapore chỉ vào khoảng năm năm. Một trong những ưu điểm của Singapore là có cơ sở hạ tầng tuyệt vời được xây dựng và duy trì từ tiền thuế của người dân.

Bản thân tôi cảm thấy rất thoải mái dễ chịu khi đặt chân đến Singapore, từ việc làm thủ tục hải quan, đón taxi một cách trật tự, không chen lấn xô đẩy, giá cả có thể được ước lượng trước, hệ thống giao thông công cộng tuyệt vời. Ở đây, các trường đại học và viện nghiên cứu nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ, các quỹ nghiên cứu đều có những hướng dẫn hết sức rõ ràng và sẵn sàng hỗ trợ những ý tưởng nghiên cứu mới và hay.

Ông Phan Thiện Nhân là Giáo sư Danh sự của Trường Hàng không, thuộc Khoa Kỹ thuật Cơ khí và Cơ điện, Đại Học Sydney (Australia) từ năm 2017-2019. Ông đồng thời là Giáo sư Khách mời tại Khoa Kỹ thuật Cơ khí, Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân tại thành phố Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) từ năm 2017-2021.

Ông đã trưởng thành ở môi trường ngoài nước và gần như đã đạt được những gì mong muốn trong sự nghiệp. Ông thường chia sẻ kinh nghiệm hòa nhập gì cho những sinh viên của mình?

Tôi nghĩ rằng, làm việc chăm chỉ cộng với niềm đam mê vào bất kỳ công việc nào bạn đang làm là chìa khóa cho sự thành công. Vì vậy, tôi đã nỗ lực để có được thành công trên con đường học vấn bằng cách làm việc thật chăm chỉ cùng với trí tuệ minh mẫn trời ban.

Phần lớn kiến thức của tôi là do tự học. Tôi giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong những nghiên cứu của mình dù rằng những vấn đề này nằm ngoài lĩnh vực Cơ Kỹ thuật và đôi khi liên quan nhiều đến các lý thuyết Toán học.

Tôi cũng đã may mắn có được một người thầy giỏi là GS. Roger Ian Tanner - thành viên Hiệp hội Hoàng gia Anh. Ông ấy cho tôi những lời khuyên bổ ích khi tôi gần như lạc lối trong sự hiếu kỳ của mình, không xác định được mục tiêu rõ ràng và không nhìn thấy được cốt lõi của những vấn đề cần nghiên cứu.

Nói về sự thành công, một trong các sáng lập viên của Tập đoàn GRAB là ông Antony Tan cũng đã đưa ra bốn yếu tố mà tôi cho đó là những giá trị cốt lõi đáng học tập.

Thứ nhất là sự chân thành: hãy chân thành với tất cả mọi người, đặc biệt là với chính bản thân mình về năng lực của bản thân. Thứ hai là sự khiêm tốn: không ai có thể làm mọi thứ một mình, tất cả chúng ta cần một đội ngũ làm việc chung hiệu quả. Thứ ba là sự nhiệt huyết: bạn có đủ nhiệt huyết để dành tất cả thời gian theo đuổi niềm đam mê. Thứ tư là tấm lòng: hãy hỗ trợ và giúp đỡ người khác cùng thành công, đừng để họ rơi lại phía sau.

Tôi nhận thấy những sinh viên Việt Nam đang hòa nhập rất tốt vào xã hội Singapore và hầu hết đều thành công trong công việc của mình.

Với vấn đề thu hút nguồn lực trí thức kiều bào vào phát triển đất nước hiện nay, có điều gì ông luôn ấp ủ nghĩ về quê hương?

Tôi luôn mong muốn được đóng góp cho quê hương Việt Nam. Ngay từ khi quay lại làm việc ở Singapore, tôi chủ trương tập hợp các nghiên cứu viên Việt Nam để thực hiện các dự án nghiên cứu. Cùng với một số bạn trẻ trí thức đang làm việc tại Singapore, tôi điều hành một quỹ học bổng cho những học sinh phổ thông ở Việt Nam.

Tuy nhiên, những kiều bào như chúng tôi vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Tôi cho rằng, chính sách của Việt Nam cần phải rộng mở hơn nữa để chào đón bất kỳ ai muốn trở về đóng góp cho quê hương.

Vũ An/ baoquocte.vn