Phấn đấu đến ngày 30/9 cơ bản kiểm soát dịch tại một số địa phương

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 17 giờ ngày 12/9 đến 17 giờ ngày 13/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.172 ca nhiễm mới, trong đó có 4 ca nhập cảnh; 11.168 ca ghi nhận trong nước.

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận số ca mắc cao nhất nước (5.446 ca); tiếp đó đến Bình Dương (3.651 ca); Đồng Nai (768 ca); Long An (327 ca); Tiền Giang (161 ca); Tây Ninh (142 ca). Trong số này có 5.926 ca trong cộng đồng.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 624.547 ca mắc COVID-19; trong đó có 385.778 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 15.660 bệnh nhân đã tử vong.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.035 người, trong đó thở oxy qua mặt nạ là3.805 ca; thở oxy dòng cao HFNC là 1.131 ca; thở máy không xâm lấn là141 ca; thở máy xâm lấn là 928 ca; ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) là 30 ca.

Chậm nhất, ngày 30/9 kiểm soát được dịch ở Tiền Giang, Kiên Giang

Sáng 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với 317 xã, phường, thị trấn; 26 huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, mặc dù các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang đã có nhiều cố gắng, song diễn biến tình hình chưa được như mong muốn, dự báo tình hình có thể phức tạp hơn. Nguyên nhân của tình hình trên một phần do công tác lãnh đạo, chỉ đạo và một phần ở khâu tổ chức thực hiện.

Để khắc phục tình trạng trên, sớm kiểm soát được dịch bệnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, các địa phương cần bám sát các chỉ đạo, nhất là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như các Chỉ thị 1099/CT-TTg và Chỉ thị 1102/CT-TTg, các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch. Đặc biệt là chủ trương chuyển hướng lấy “xã, phường, thị trấn là pháo đài; người dân là chiến sỹ; người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.”

Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải đưa ra mục tiêu cụ thể khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch gồm: giãn cách bao lâu, ở những địa phương nào và đạt được mục tiêu gì, đặc biệt là giải pháp để thực hiện mục tiêu đó. Cố gắng càng sớm, càng tốt, nhưng chậm nhất đến 30/9 phải kiểm soát được dịch bệnh.

Thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản

Ngày 13/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "giãn cách để phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi các địa phương phải vận dụng linh hoạt, phù hợp để vừa giãn cách vừa duy trì sản xuất ở "chừng mực nhất định".

Phó Thủ tướng lưu ý vấn đề an toàn trong sản xuất bởi “nếu trong khi sản xuất, lưu thông hàng hóa mà không kiểm soát tốt để xảy ra ổ dịch lớn, nguy hại hàng vạn lần, không chỉ về sức khỏe, tính mạng của người dân mà gây đình trệ nền kinh tế.”

Về vấn đề lưu thông hàng hóa, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép gây khó khăn, cản trở lưu thông hàng hóa.

Không quy định việc sang tải mà kiểm tra chặt chẽ điểm đi, điểm đến và có cách quản lý F0 nếu lái xe dương tính. Tuyệt đối bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua hệ thống lưu thông hàng hóa.

Đối với sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch tổng thể về tái sản xuất nông nghiệp, trong đó, lưu ý không để xảy ra nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán.

Thảo luận các giải pháp chống dịch năm 2022

Tại cuộc làm việc với các nhà khoa học, các chuyên gia của các Hội đồng khoa học để bàn về các giải pháp phòng, chống dịch cho năm 2022, trong đó tập trung vào các vấn đề vaccine, xét nghiệm, điều trị và ưu tiên tăng cường hệ thống đáp ứng y tế của quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế bắt đầu triển khai xây dựng kế hoạch và chiến lược phòng, chống dịch cho năm 2022 và giai đoạn tiếp theo nhằm định hình hướng đi, chiến lược chống dịch của quốc gia trên cơ sở tổng kết, đúc kết những bài học kinh nghiệm trong suốt thời gian qua.

“Chiến lược phòng, chống dịch cho năm 2022 và giai đoạn tiếp theo là tổng thể các giải pháp từ nâng cao năng lực đối với hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng và những vấn đề liên quan khác mang tính chuyên môn như xét nghiệm, điều trị, vaccine, thuốc... trong phòng, chống dịch,” Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Sẵn sàng đáp ứng, chủ động oxy y tế cho điều trị COVID-19

Ngày 13/9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với hơn 1.000 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Kết quả thống kê các làn sóng dịch tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người mắc COVID-19 có nhu cầu thở oxy từ nhẹ như thở oxy qua mass, oxy gọng kính, oxy dòng cao đến nặng như thở máy không xâm nhập, xâm nhập, ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) chiếm khoảng 9,5% (dao động từ 8,5-11,5%).

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đã yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng kỹ thuật oxy y tế tại các cơ sở y tế các tuyến, từ tuyến xã...

Các địa phương cần đánh giá khả năng sản xuất oxy, mạng lưới nhà cung cấp oxy để có kế hoạch và triển khai mở rộng quy mô sản xuất, cung ứng oxy để bảo đảm đáp ứng nhu cầu theo các kịch bản dịch COVID-19 trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cần thực hiện kết nối, điều phối hiệu quả giữa các bên liên quan: sản xuất, cung ứng, vận chuyển và sử dụng oxy để bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị, liên tục, không bị gián đoạn trong các tình huống dịch bệnh tăng nhanh, thiên tai, thảm họa... thông qua việc thành lập Bộ phận điều phối oxy y tế tại các địa phương.

Ngày 13/9, Bộ Y tế phát hành chuỗi video hướng dẫn bệnh nhân và người nghi ngờ mắc COVID-19 đang cách ly, điều trị tại nhà, với sự phối hợp tham gia thực hiện của Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19.

Trong chuỗi video hướng dẫn bệnh nhân và người nghi ngờ mắc COVID-19 đang cách ly, điều trị tại nhà, đội ngũ bác sỹ tại các bệnh viện, viện tham gia Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành đã thực hiện hướng dẫn người dân các nội dung như: cách theo dõi và tự phát hiện các triệu chứng COVID-19 nặng; hướng dẫn cách tập thở và vận động; chỉ dẫn dinh dưỡng khi cách ly tại nhà...

Các video đều có phần phụ đề song ngữ Anh-Việt để đảm bảo hướng dẫn cụ thể, chi tiết, dễ hiểu cho người dân cả nước, người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam.

Chuỗi video này sẽ lần lượt lên sóng bắt đầu từ ngày 14/9 trên các kênh chính thống của Bộ Y tế và Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành. Link tải file: https://1drv.ms/v/s!Amm0pPafka61g-ccN6WKMtArN_8mMQ?e=cvgP67 hoặc https://1drv.ms/v/s!Amm0pPafka61g-cbomC9yyfjILmgZQ?e=ecmDcG...

Tổ chức dạy-học phù hợp để ứng phó với dịch

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công điện số 905/CĐ-BGDĐT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học để ứng phó với dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc trên truyền hình các nội dung môn học, hoạt động giáo dục với thời lượng hợp lý theo các văn bản hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học của Bộ.

Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và không tổ chức dạy học trực tiếp tại trường thì phải triển khai tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên truyền hình các nội dung lí thuyết, hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả sách giáo khoa để học tập.

Các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 thì cần tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Tùy vào điều kiện thực tế, mỗi địa phương có thể tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần; chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng viễn thông để tổ chức triển khai dạy học trực tuyến khi cần thiết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn số 3969/BGDĐT-GDTH gửi Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19.

Trên cơ sở hướng dẫn tại công văn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Các nhà trường tăng cường hình thức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình và các hình thức dạy học khác phù hợp với điều kiện thực tế.

Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg đến hết tháng 9

Ngày 13/9, tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, cho biết, căn cứ vào các mục tiêu của Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ, các tiêu chí về kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 30/9.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Phan Văn Mãi cho biết, trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung thực hiện một số biện pháp sau: phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm phủ vaccine cao nhất có thể.

Đối với các loại vaccine có khuyến nghị thời gian giữa hai mũi là 8-12 tuần, thì thành phố sẽ nghiên cứu rút ngắn thời gian chờ để đẩy nhanh tiêm phủ vaccine. Thứ hai là tập trung củng cố năng lực điều trị của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do tình trạng giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài, ông Phan Văn Mãi khẳng định: “Khi thành phố thực hiện giãn cách kéo dài, vấn đề an sinh cho người dân rất quan trọng. Như Thủ tướng đã nói "ai ở đâu ở yên đó" thì phải đảm bảo an sinh, không để người dân thiếu ăn thiếu mặc, đây là mục tiêu nhưng cũng là mệnh lệnh.”

Cùng ngày, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi đến Ủy ban Nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Bệnh viện Dã chiến, Khu cách ly F0 toàn thành phố... về việc tăng cường hỗ trợ cho lực lượng nhân viên y tế tại các Bệnh viện dã chiến và sử dụng tình nguyện viên.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị đã rút nhân viên ra khỏi bệnh viện dã chiến thì lập tức bổ sung nhân lực thay thế đầy đủ, bảo đảm quân số, tránh tạo áp lực công việc lên nhân viên còn lại.

Ngoài ra, cần đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho các nhân viên y tế, không để họ làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ; hạn chế sử dụng nhân viên y tế vào vị trí hành chính nhằm đảm bảo công tác chuyên môn.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến, Bệnh viện Điều trị COVID-19, khu cách ly F0 cần quan tâm, giám sát chặt chẽ về chất lượng suất ăn hàng ngày của các nhà cung ứng, đảm bảo đủ chất, đủ lượng cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, lãnh đạo Bộ Y tế xem xét và có ý kiến chỉ đạo về việc có thể rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần.

Hà Nội xem xét nới lỏng một số dịch vụ

Chiều 13/9, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, đánh giá về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và ngày 21/9.

Trong ngày 13/9 (tính từ 18h ngày 12/9 đến 18h ngày 13/9) Hà Nội đã tiêm được 248.313 mũi vaccine phòng COVID-19. Cộng dồn tới 18h30 ngày 13/9, toàn thành phố đã tiêm được 4.728.739 liều. Tính đến 18h ngày 13/9, thành phố đã lấy được 2.700.150 mẫu, phát hiện 18 ca dương tính.

Sáng 13/9, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, thời gian gần đây, thành phố Hà Nội tiến hành xét nghiệm "thần tốc" diện rộng nhằm sàng lọc, phát hiện người mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai một số địa phương áp dụng tùy tiện, hiểu một cách khác nhau về chủ trương của thành phố, đã tiến hành xét nghiệm cho trẻ em dưới 12 tuổi, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các địa phương cần rà soát lại các đối tượng cần xét nghiệm, bảo đảm không bỏ sót F0 trong cộng đồng, nhưng cũng không tạo ra bức xúc trong dư luận. Trẻ em dưới 12 tuổi không bị bắt buộc xét nghiệm (trừ những trường hợp có biểu hiện nghi mắc COVID-19).

Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, khi Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh, vào thời điểm thành phố cho phép học sinh quay lại trường học, Sở Y tế sẽ có kế hoạch tiến hành xét nghiệm với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, đau họng.../.

Theo TTXVN/Vietnam+