Những câu chuyện về tình người mùa đại dịch ở Ai Cập

 Đại bộ phận người dân trung lưu và người nghèo ở Ai Cập bị Covid-19 tác động mạnh nhất. (Ảnh: AP)

Trong số đó, những người lao động phổ thông, nông dân hay lao động thời vụ kể cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều, nhất khi nguồn sinh kế bị giảm, thậm chí là không còn. Nhưng chính trong những hoàn cảnh như vậy, tình đồng loại, tình yêu thương đùm bọc giữa con người với con người lại càng được lan tỏa rộng. 

Ai Cập cũng không nằm ngoài các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Dịch bệnh lây lan đã khiến cho cuộc sống của nhiều người trở nên khó khăn hơn, nhưng trong xã hội ấy vẫn tràn đầy tình yêu thương, chia sẻ.

Bác sỹ Al-Ghalaba mà người dân thành phố Tanta, tỉnh Gharbia của Ai Cập vẫn gọi bằng cái tên trìu mến “bác sĩ của người nghèo” là một ví dụ. Sau khi nghỉ hưu năm 2004, ông mở phòng khám tư cho bệnh nhân nghèo.

Trong đại dịch Covid-19 dường như người bệnh đến với ông nhiều hơn. Ông đã bật khóc khi nhớ lại cuộc hẹn “Một đứa trẻ nhỏ mắc bệnh tiểu đường đến với tôi, khóc vì đau. Tôi nói với mẹ nó hãy tiêm insulin cho con. Bà mẹ trả lời rằng nếu mua một mũi tiêm insulin họ sẽ không thể mua thức ăn cho những đưa con còn lại. Dù mũi tiêm đó chỉ khoảng 5 bảng (0,3 USD)”.

Một bà mẹ đưa con tới bác sỹ Al-Ghalaba khám chia sẻ: “Ông là bác sỹ giàu kinh nghiệm. Ông khám và nhiều khi không lấy tiền. Chính vì có kinh nghiệm nên ông biết rõ bệnh tình của bệnh nhân. Nhiều người không có tiền cũng tới nhờ ông khám miễn phí”.

Dù là bác sỹ nghèo nhưng ông đã từ chối nhận các khoản quyên góp hàng triệu đô từ một chương trình truyền hình vì ông cho rằng những khoản này cần cho những người nghèo, trẻ em vô gia cư, trẻ em mồ côi. Ông thích trở thành một người lính vô danh để phục vụ bệnh nhân nghèo. 

Một năm dịch bùng phát khiến những người lao động mất việc gia tăng. Điều đó có nghĩa là cuộc sống của nhiều gia đình khó khăn hơn khi thu nhập chính bị cắt giảm hoặc mất đi. Nhưng trong hoàn cảnh đó, các hội từ thiện, các mạnh thường quân và những người dân ở các thành phố ở Ai Cập đã cùng nhau quyên góp tiền, thực phẩm để chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn qua cơn hoạn nạn.

Nhiều cửa hàng phát thực phẩm miễn phí cho người nghèo mở ra. Đó là những nghĩa cử cao đẹp của người dân nơi đây. Nghĩa cử đó còn đẹp hơn khi chính những người nghèo khó cũng chia sẻ thực phẩm, đồ ăn cho nhau dù là mẩu bánh mì hay ít rau quả. 

Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn tới công việc của người lao động, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chủ trang trại… Chính vì thế một Bảng (one pound) tích cóp được trong mùa dịch cũng trở nên quý giá.

Nhưng bất cứ ai dù giàu hay nghèo nếu đi qua vào vùng nông thôn, qua các trang trại hoa quả ở Ai Cập đều sẽ nhận được sự chia sẻ rất hồ hởi của người dân nơi đây, khi là vài ba cái bắp cải, vài quả dưa hấu to ngọt hay cả một thùng cam quýt, nho, lựu miễn phí.

Anh Rabia người lao động trong một trang trại ở Ai Cập chia sẻ: “Người Ai Cập chúng tôi luôn yêu quý mọi người, không phân biệt tôn giáo hay màu da, dân tộc. Tất cả người dân chúng tôi đều làm những điều thiện, từ thiện và điều tốt. Chúng tôi là người theo đạo Hồi. Tôn giáo Hồi giáo dạy chúng tôi sống biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ người khó khăn.” 

Cũng nghèo khó và phải đầm đìa mồ hôi trên sa mạc khô cằn, thậm chí oằn mình để chống dịch nhưng việc giúp đỡ người khác, người khó khăn hơn đã là nét văn hóa đẹp của người dân nơi đây. Ông bà, cha mẹ luôn làm gương và dạy con cháu về lòng yêu thương và làm việc thiện./.