Múa ky lằn ngày Xuân ở xứ Lạng

Hình ảnh đầu ky lằn trong ngày hội Lồng tồng ở xã Hải Yến, huyện Cao Lộc. (Ảnh Nguyễn Sơn Tùng) 

Đã từ rất lâu, ky lằn là con vật thiêng liêng được đồng bào Tày, Nùng quý trọng và chào đón với một tình cảm đặc biệt như là linh thần. Múa ky lằn có nhiều tên gọi khác nhau phù hợp với ngôn ngữ, giọng điệu của từng vùng như ky lằn, kỳ lằn, phụ, phụ mèo... Hình thức của một cái đầu ky lằn xuất hiện hình dáng của ba con vật là: sư tử, hổ, mèo; ba con linh vật có cùng nhiều điểm tương đồng về ngoại hình, dáng điệu và tính cách, có lẽ vì thế mà từ xưa, đồng bào đã khéo léo vận dụng nó vào loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Vì vậy, nhiều người nhầm lẫn gọi là sư tử mèo.

Múa ky lằn là hình thức biểu diễn tổng hợp, trong đó múa là chủ đạo, nhưng không tách rời khỏi nhạc và trò diễn. Đi đôi với múa là biểu diễn các bài quyền, kiếm, binh khí trong võ thuật dân tộc. Người thể hiện được loại hình này không chỉ có sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo mà còn cần có trí tưởng tượng về hình ảnh của các con linh vật như hổ, mèo, sư tử,... cũng như tính cách của chúng. Như vậy khi nhập vai, con ky lằn sẽ biến thành những hình thù khác nhau với nhiều tư thế, dáng điệu khác nhau. Biểu diễn múa ky lằn giống như diễn một vở kịch bằng mặt nạ đầy cuốn hút, mê hoặc mà người dân gọi là loòng phụ.

Một đội ky lằn có thể rất đông để thay thế vai trò của nhau khi người kia mệt, nhưng không thể thiếu 5 vai chính: Người cầm đầu ky lằn (căm bẩu); người đánh trống (căm choong); người đánh thanh la (căm là); người cầm chũm chọe (căm xả). Ngoài ra còn có thêm 3 vị trí nữa dành cho các nhân vật phụ họa bằng các trò diễn là người diễn mặt vượn, người diễn mặt khỉ và người diễn đầu ky lằn bé, dành cho trẻ em (ky lằn ỉ).

 Người múa ky lằn như một diễn viên xiếc nhào lộn uyển chuyển rất đẹp mắt 

Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, các đội ky lằn lại được thành lập. Cuộc mở ky lằn được bắt đầu vào thời điểm thích hợp nhất trước Tết khoảng nửa tháng để kịp thời tập luyện và kết thúc vào cuối tháng Giêng. Mỗi bản, làng sẽ lựa chọn những nam giới khỏe mạnh, có năng khiếu để làm thành một đội. Mỗi đội bầu ra một đại biểu để dẫn đầu đoàn gọi là ông tông cha và một người chủ lễ trong ngày hội Lồng tồng hàng năm là ông pú mo.

Với những nét văn hóa đặc sắc được lưu truyền từ đời này qua đời khác, múa ky lằn thực sự là một loại hình nghệ thuật tiêu biểu cho các dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng. Bước vào những ngày hội Lồng tồng, cùng với tiếng cười nói, tiếng bước chân đang nô nức trẩy hội, tiếng nhạc réo rắt âm vang của các đội ky lằn từ khắp các ngả đường như phá tan cái lạnh giá nơi núi rừng âm u tĩnh mịch để đón mùa Xuân ùa về với bản làng.

Hoàng Việt Bình/ baodantoc.vn