Sắp đặt ánh sáng trên cánh đồng

 Cánh đồng ánh sáng với các tia cực tím, vừa là sắp đặt nghệ thuật, vừa hạn chế sâu bệnh. Ảnh: Reuters

Đây là “Grow” (tạm dịch: Sinh trưởng), một dự án sắp đặt ánh sáng của nghệ sĩ Daan Roosegaarde, bao gồm ánh sáng đèn led trình diễn kết hợp với màn hình led giữa vẻ đẹp tự nhiên của cây cỏ. Roosegaarde nhằm mục đích tỏ lòng kính trọng đối với nông dân và truyền cảm hứng cho họ thử nghiệm với ánh sáng nhân tạo trong canh tác ngoài trời. 

Nghệ sĩ Roosegaarde vốn được biết đến với các dự án kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật, hiện đang sở hữu một studio ở Rotterdam. Anh chia sẻ về dự án này của mình:”Nhiều họa sĩ bậc thầy ở thế kỷ 16, 17 mê mẩn bầu trời Hà Lan, những đám mây và ánh sáng. Họ đã vẽ hàng nghìn bức tranh, và làm chủ công nghệ để vẽ. Tôi cảm thấy mình là một phần của truyền thống đó. Họ vẽ trên toan, còn tôi có 20.000 m2 nông trại trồng tỏi tây.”

Hiện nay, sử dụng ánh sáng nhân tạo từ đèn led chuyên dụng để hỗ trợ cho cây trồng đã trở nên phổ biến ở nhiều trang trại nhà kính. Còn đối với các trang trại trên cao (trồng trên mái nhà hoặc nhà cao tầng), cây cối được trồng hoàn toàn với ánh sáng của đèn led lại đang là xu hướng mới. 

Nhưng riêng với Roosegaarde, anh cho rằng hoàn toàn có thể sử dụng đèn led ngoài trời cho các trang trại tràn ngập ánh sáng tự nhiên ở các vùng nông thôn vì lý do tương tự. Đèn led, chạy bằng pin năng lượng mặt trời, chủ yếu làm tăng ánh sáng mà cây trồng nhận được trong ngày.

Hiện nay, nông dân và các nhà khoa học vẫn đang khám phá “công thức ánh sáng” cho từng loại cây trồng, bởi vì ánh sáng từ đèn led màu đỏ, xanh lam có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và đặc điểm của từng loại cây trồng. Dự án của Roosegaarde cũng đang thử nghiệm xem liệu việc tiếp xúc ngắn với một số bước sóng của tia cực tím có thể làm giảm sâu bệnh hay không.

“Vì vậy, chúng tôi bắt đầu quét cây bằng những bước sóng ánh sáng này, và thật bất ngờ ánh sáng bắt đầu nhảy múa” Roosegaarde chia sẻ. “Đã có những cánh đồng đom đóm khổng lồ và chúng tôi đang thử nghiệm, và rồi phép thuật bắt đầu xảy đến. Cho nên tôi nghĩ, là khi thế giới khoa học, nghệ thuật và thiết kế cùng chung một con đường, sẽ hỗ trợ và nâng cao giá trị của nhau”. Và như thế, có thể coi “Grow” là một dự án nghệ thuật  hay một dự án nông nghiệp, đều đem đến những điều vô cùng mới mẻ và hiệu quả về nhiều mặt.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-10 và việc phải hạn chế tụ tập, đi lại, một bộ phim về trình diễn ánh sáng này sẽ được công chiếu trên trang web của studio, thay vì  mở cửa trang traị Lelystad cho công chúng tham quan. 

Nhưng mục tiêu của Roosegaarde là đưa “Grow” đến với 40 quốc gia khác nhau, với mỗi tác phẩm bao gồm một loại cây trồng địa phương hoặc mỗi quốc gia, cùng “công thức ánh sáng” độc đáo của riêng mình.

Mi Lan/ Báo Nhân dân