WHO cảnh báo tính nghiêm trọng của làn sóng dịch bệnh mới tại châu Phi

 Xét nghiệm cho người dân tại Nairobi, Kenya.  Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 14/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các nước châu Phi cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại châu lục này liên tục gia tăng trong thời gian gần đây.

Theo phóng viên tại châu Phi, phát biểu trước báo giới hôm 14/1, Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết các quốc gia trong châu lục hiện đang trải qua làn sóng bùng phát thứ hai, với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với làn sóng thứ nhất.

Tính đến ngày 14/1, toàn Lục địa Đen ghi nhận 3.1 triệu ca nhiễm COVID-19, bao gồm 74,500 trường hợp tử vong.

Đề cập tới biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tìm thấy tại Nam Phi hồi tháng 12/2021, bà Moeti cho biết các phân tích xác định đây là biến thể 501Y.V2 có khả năng lây lan nhanh.

Do đó, đây có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng đột biến không chỉ tại Nam Phi mà còn cả khu miền Nam châu Phi. Hiện biến thể này đã được tìm thấy ở Botswana, Zambia và Gambia.

Theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi, hiện tổ chức này đang tiếp tục mở rộng việc tìm hiểu sự lây lan của chủng 501Y.V2 tại các nước khác trong khu vực.

Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 14/1, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) kêu gọi các quốc gia trong châu lục khẩn trương tiến hành các bước chuẩn bị để sẵn sàng phân phối vắcxin ngừa COVID-19 sau khi Liên minh châu Phi (AU) thông báo đã đảm bảo được 270 triệu liều.

Africa CDC yêu cầu các nước thành viên cần nhanh chóng tổ chức công tác hậu cần cần thiết bao gồm địa điểm bảo quản vắcxin, huấn luyện cho nhân viên y tế, đảm bảo vật tư cần thiết như kim tiêm và tạo các hệ thống đăng ký tiêm phòng hiệu quả.

Africa CDC đặt mục tiêu tiêm phòng cho 60% người dân châu Phi trong năm 2021-2022.

Ngoài ra, AU cũng thông báo kế hoạch tạo điều kiện cho những nước không có đủ khả năng tài chính trong việc tiếp cận vắcxin. Theo đó, các nước nghèo có thể mua vắcxin trả góp trong vòng 5 năm thông qua dịch vụ tài chính của Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu châu Phi (Afreximbank)./.

Phi Hùng / TTXVN/Vietnam+