Giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế đất nước


 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày tham luận 

Tại phiên thảo luận, Hội nghị đã nghe đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông và 5 đại biểu kiều bào trình bày về tình hình chung trên thế giới và Việt Nam, những khó khăn và cơ hội mà chúng ta đang đối mặt cùng những giải pháp về mặt vĩ mô và vi mô để vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế.

Mở đầu phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày tham luận với đề tài “Bối cảnh nền kinh tế thế giới, tình hình kinh tế Việt Nam và kiến nghị các giải pháp hồi phục và phát triển kinh tế". Thứ trưởng đã phân tích bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam trước đại dịch COVID-19 với những khó khăn, thách thức đặt ra đòi hỏi phải tích cực áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển đối số và mong muốn bà con kiều bào cùng chung tay đóng góp.

Giáo sư Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ trực tuyến chia sẻ, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, cơ hội và thách thức song hành đặt ra với Việt Nam. Giáo sư cho rằng, 3 sự kiện quan trọng làm thay đổi mối quan hệ kinh tế thế giới, đó là: sự thay đổi về công nghệ, sự tham gia vào nền kinh tế toàn cầu của Trung Quốc và đại dịch COVID-19. Và riêng Việt Nam có sự một sự kiện nữa là nước ta đang tham gia và sẽ tham gia rất mạnh mẽ vào các Hiệp định thương mại tự do. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có chiến lược về công nghiệp hóa, đặc biệt là thu hút đầu tư của những nhà đầu tư đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Mảng thứ hai trong chiến lược của chúng ta đó là xuất khẩu dịch vụ. Lĩnh vực này, chúng ta làm chưa tốt, nhưng nó lại là một vấn đề đang trở nên rất quan trọng trong thương mại toàn cầu, cần có chiến lược rõ ràng cho lĩnh vực này. Trong lĩnh vực dịch vụ có 3 loại xuất khẩu. Đầu tiên là xuất khẩu công nghệ thông tin, Ấn Độ làm rất tốt trong lĩnh vực này và chúng ta có thể học những bài học từ họ. Thứ hai là xuất khẩu các dịch vụ quản lý doanh nghiệp chung, ví dụ như quản lý về nhân sự, quản lý về tài chính, về chăm sóc khách hàng, từ trình độ thấp đến trình độ cao. Thứ ba là xuất khẩu dịch vụ chuyên ngành như dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ viễn thông, dịch vụ y tế... là những lĩnh vực mà chúng ta thông qua các đội ngũ có chuyên môn và từ đó chúng ta có thể xuất khẩu được.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (Hoa Kỳ) – chuyên gia về tài chính ngân hàng đóng góp ý kiến: Nhà nước cần thành lập tổ hợp tín dụng ngân hàng, yêu cầu tất cả ngân hàng cùng tham gia hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh đại dịch COVID. Vì thực tế hiện nay các tổ chức tín dụng ngân hàng tham gia gói hỗ trợ vẫn mang tính tự nguyện và có những đối xử chưa công bằng trong việc phân bổ vốn, người dân và doanh nghiệp còn hạn chế trong việc tiếp cận vốn. Việc thành lập tổ hợp tín dụng ngân hàng sẽ giúp người dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn thuận lợi hơn.

 Giáo sư Hà Tôn Vinh trình bày tham luận tại Hội nghị

Giáo sư Hà Tôn Vinh (Hoa Kỳ) đề xuất xây dựng nền kinh tế tuần hoàn- một mô hình kinh tế khá mới mẻ, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ đều hướng tới sử dụng lại các tài nguyên vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giúp đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội và doanh nghiệp.

Các đại biểu chung nhận định, việc đại dịch COVID xuất hiện làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm nguồn thu xuất khẩu, khiến nhiều doanh nghiệp của Việt Nam rút khỏi thị trường (ước tính 78 000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm), doanh thu doanh nghiệp giảm 50-60%. Các doanh nghiệp gặp khó khăn lớn khi huy động vốn, thiếu đơn hàng… Ngoài ra, đại dịch cũng ảnh hưởng đến người lao động ở khu vực phi chính thức. Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng đại dịch sẽ sớm chấm dứt và Việt Nam đứng trước cả những cơ hội chưa từng có. Đó là việc Việt Nam có cơ hội tiếp cận những công nghệ mới chứ không phải những công nghệ cách đây 20-30 năm mà các nước đi trước đã sử dụng. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều nhà đầu tư đang phải sắp xếp lại các chuỗi của họ có thể chuyển đầu tư sang Việt Nam. Đại dịch lần này cũng thúc đẩy việc áp dụng khoa học công nghệ vào kinh tế và xã hội nhiều hơn.

 Giáo sư Trần Ngọc Anh đóng góp, chia sẻ trực tuyến tại Hội nghị

Các đại biểu cũng tập trung đưa ra những gợi ý về giải pháp vĩ mô và vi mô cho việc giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng, cả nước khôi phục và phát triển kinh tế. Về mặt vĩ mô cần có những chiến lược mang tính bài bản và nhạy bén với tình hình, thu hút đầu tư từ những công ty đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc, đặc biệt là một số công ty thiết bị tin học lớn mà TP. Hồ Chí Minh có thể xem xét.

Một số đại biểu đưa ra kiến nghị nhấn mạnh việc cần phát triển hệ sinh thái sáng tạo, trong đó xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến sáng tạo, quy hoạch định vị các cụm kinh tế theo vùng miền, lập sàn giao dịch công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao vai trò của các viện nghiên cứu, các trường đại học trong việc chuyển đổi số. Việt Nam có thể học hỏi từ các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore hay Pháp trong việc xây dựng hệ sinh thái sáng tạo. Bên cạnh đó, Nhà nước và các tổ chức có thể tận dụng mạng lưới các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong việc triển khai các giải pháp trên. Khu vực lao động phi chính thức cũng cần được tính tới. Nhà nước cần tiếp tục giảm và ngăn thêm các ca lây nhiễm, tạo thu nhập và hỗ trợ thiết yếu cho người lao động, giảm các rủi ro liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến kinh tế bằng cách tạo thêm việc làm hoặc gia hạn các khoản vay…

 Các đại biểu thảo luận

Tại Hội nghị, ngoài việc trình bày tham luận đóng góp ý kiến, các đại biểu đã có buổi thảo luận trực tuyến với các đại biểu trong và ngoài nước để làm rõ hơn những nội dung tham luận.

Tiếp tục Chương trình Hội nghị, buổi chiều, sẽ diễn ra phiên thảo luận về “Vai trò của chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, định hướng phát triển của TP. Hồ Chí Minh”.

Nhiên Hương