Mùi tóc má

Má phơi mái đầu vừa gội lòa xòa qua tìm tôi nhờ nhổ giùm mớ tóc ngứa. “Hình như cộng nào bạc là ngứa à con. Nhổ giùm má chút được không? Trời ơi ngứa gì mà như một bầy kiến cao cẳng bò vậy đó”.

 Ảnh minh họa

Bóng chiều nghiêng nghiêng vào cánh cửa, ánh nắng không còn chói lóa mà đã ngã vàng nhưng cái nóng vẫn còn ẩn ức. Nên cứ nhè mái tóc má mà nắng xiên đến chói chang. Tôi kéo cái ghế, cầm thêm cái nhíp ngồi xuống bên má. Tiếng là cạnh nhà nhau nhưng chả mấy khi má con có những buổi chiều thảnh thơi thế này.

Mái tóc má thoảng mùi thảo dược, bao nhiêu năm rồi má vẫn nấu nước lá sả, é tía, lá bưởi, vỏ bưởi… gội đầu. Không cần xà bông gì đâu, chỉ mấy thứ lá quanh quanh vườn nhà đó thôi cũng đủ làm mái tóc má thơm sạch lắm rồi. Dù tóc có mỏng đi do tuổi già nhưng sắc óng ả vẫn còn bởi nó ít bị tác động của hóa chất. Mái đầu tuổi thất tuần của má, cộng trắng càng bạc hơn, màu tiêu đã lẫn trong sắc muối. Ôi… biết cơ man nào là tóc bạc trên mái đầu đã nhiều sương gió này. Nhưng mùi thơm tho dân dã của đồng quê vẫn ướp đầy tóc má, nó thanh khiết dịu dàng làm sao.

Tôi vốn không ưa mấy công việc tỉ mỉ này. Cứ gì mà phải ra vườn cắt cắt phơi phơi, bó thành bó để sẵn trên vách bếp rồi hai hôm một lần lại bỏ vô nồi tốn củi lửa đun lên. Ôi dào, cứ ra chợ mua dầu gội mùi hoa gì cũng có, mùi trái gì cũng đầy rồi về tha hồ mà gội thử. Má cười, rằng con nói đúng, nhưng nó chỉ hợp với thời nay thôi, thời xưa của má, lấy dầu gội đâu mà mua? Niềm vui của phụ nữ thời đó chỉ duy nhất là có được ngày rảnh rỗi để chăm sóc mái tóc mình thôi.

“Ui chao… cộng đó cái gốc sâu hay cạn mà đã ngứa ghê vậy con?”. “Ui kìa... như là vừa bứng một mảng đất đầy sâu vậy. Đã ngứa lắm luôn con à!”. Nhưng tiếng xuýt xoa của má như cổ vũ cho đôi tay tôi lanh lẹ hơn trong việc tìm tóc ngứa. Mà lạ là chỉ có tóc bạc ngắn lún phún mới ngứa thôi, cộng bạc dài không ngứa nhé!

Đôi mắt má lim dim tránh bóng nắng chiều đang nghiêng vào vai, tóc. Rằng má nhớ ngày xưa, cái thời lên mười lên chín. Bà ngoại cũng nhờ má nhổ tóc thế này. Mà nhổ tóc được tiền nha, cứ mười cộng là được tiền đủ mua gói xôi đậu đen. “Mà con biết đó, thời của má là thời chiến tranh, cái gì cũng khan hiếm và thiếu hụt, gói xôi đậu đen nhỏ gói bằng bánh giấy thôi, nhưng như là cả bữa đại tiệc rồi. Nên má rất thích được bà ngoại mướn nhổ tóc. Nhưng con nít mà, hay mâu thuẫn lắm, tiền thì thích thật nhưng nhổ tóc nhiều quá thì ớn. Vậy là trong lúc bà ngoại lim dim mắt, má nhổ cọng nào thì đếm thật to cọng đó. Nhưng chỉ là đếm ba bốn cọng đầu thôi, sau cứ nhổ bừa và đếm liên tục. Bà ngoại biết hết đó, nhưng vẫn vui vẻ trả tiền cho cô con gái bé bỏng đủ mua gói xôi và mớ bánh giấy ăn chơi để đổi lấy tiếng cười của nó. Giờ nghĩ lại, có phải tại ngày xưa má ớn nhổ tóc cho ngoại nên giờ mình cũng có tóc bạc cho biết nếm trải cảm giác ngứa khó chịu không?”.

Tôi bảo có ai già mà không có tóc ngứa. Có người bạc ngứa, có người đen ngứa, có người tóc xoăn càng ngứa. Mà giờ người trẻ cũng có tóc ngứa luôn, nhưng con đầy nè, nhiều lúc mấy cô học trò may còn giành nhau nhổ mấy cộng tóc xoăn như uốn kẻm đang bung lóc ngóc trên đầu. Trời ơi, nhổ xong hết ngứa cả tuần luôn.

Bóng chiều vẫn dai dẳng xiên vào mắt. Má bảo nay thời tiết sao mà kì quá, năm giờ chiều mà nắng vẫn ran ran da thịt. Chả bù với ngày xưa, dù trưa đứng bóng mà ra đồng vẫn không nóng rát tí nào. Ấy là những ngày má theo ngoại đi “mót cá” ở những cánh đồng miên man của xứ Cổ Cò.

- Mót cá là công việc của nhà nghèo không có ruộng thôi. Vì sau khi cắt lúa, chủ ruộng be bờ lại, chia thành những ao nhỏ trong thửa ruộng ấy, rồi tát cá. Lúc ấy nguời ta chỉ bắt cá lớn bằng cườm tay trở lên thôi. Nhiều nhất là cá lóc, cá sặc rằn, cá chạch bông. Còn cá sặc, cá rô, cá trê thường bị bỏ lại vì nó nhỏ hơn mà thịt không ngon bằng cá lóc cá sặc. Người chủ ruộng bắt xong cá lớn thì bỏ sang ao khác, lúc ấy người mót cá sẽ tát lại cái ao đó, con không biết đâu, có khi thò tay xuống bùn là dính năm con cá!

- Hihi… má nói chơi rồi. Tay có bốn kẽ làm sao dính năm con cá được ạ?

- Thì… ý nói là cá hồi đó nhiều lắm í mà!

- Má thích nhất là những buổi theo ngồi nhìn bà ngoại xẻ cá làm khô. Tuổi lên mười, má đã biết xắt sả trộn muối để phết lên miếng cá vừa xẻ đấy. Thuơng nhất là những bộ trứng cá, đã bị tách ra khỏi lòng má mà còn thoi thóp. Thế là má lượn lấy, hốt một nắm đất nhét mấy bộ trứng đó vô, nói với bà ngoại rằng mai này sẽ nở ra cá con chứ cá không có chết.

Tuổi thơ của má tôi hiện về theo lời kể của hoài niệm về những buổi chiều của con sông Tiền hiền hòa dịu chảy, của những cây cầu khỉ mà mỗi lần muốn đi qua nó để ra đường lớn thì bà ngoại phải vừa đội thau cá khô, vừa dắt tay cô con gái bé lên 10 cùng dò dẫm đi qua để ra chợ xã. Bạn sẽ hỏi rằng: thế ông ngoại tôi đâu mà để cho vợ cùng cô con gái cơ cực vậy? Thưa, thời đó có ai mà chẳng cơ cực, huống hồ chi ông ngoại tôi đã theo tiếng gọi của non sông mà đi làm việc nước. Thì việc nhà có đáng gì khi bà con xóm ấp đều đùm bọc đỡ đần nhau.

Ngoại tôi phải khai với làng xã rằng chồng đi làm cá bị đắm thuyền mất xác, căn nhà lá dừa nước chỉ còn hai má trong hủ hỉ cùng công việc cấy lúa thuê, nhổ có ngồi, mót cá xẻ khô bán dạo. Nhưng ít ai biết được, ngay dưới sàn chiếc giường ngủ của hai má con là một miệng hầm, để cách vài hôm là ông ngoại tôi long mình từ sông về, đi lên từ miệng hầm đó, hôn vội đứa con gái bé nhỏ trong cơn say ngủ của nó. Rồi nhận ít cá khô, gạo muối của vợ mà chia tay về cứ trong vội vàng hẹn ngày non sông thống nhất.
Thế mà ông ngoại tôi đã không giữ tròn lời hẹn ước, bởi trong một lần đi liên lạc, ông đã hi sinh. Trong túi thư của ông lúc đó còn một con búp bê được may bằng vải dù màu dưa cải, điều đặc biệt, trên mình búp bê còn thêu dòng chữ “bé Bông yêu quý của ba”.

“Bé Bông” chính là nhũ danh của má tôi. Bà con đi chợ sớm đồn về con búp bê trong túi người chiến sĩ bị giết hại, rằng cả xứ cầu Khum này ai chẳng biết đó là tên của con gái ông Bảy Lé. Họ khuyên ngoại tôi khẩn trương đưa con gái về nơi xứ đạo Tây Ninh. Ở đó sẽ bình yên và không ai biết nguồn gốc, thay tên đổi họ đi để bình an mà sống.

Thời thiếu nữ của má tôi ở xứ đạo Tây Ninh, cửa chùa luôn rộng mở với các cảnh đời cơ nhỡ. Má và ngoại ở chùa làm công quả, ăn chay trường. Mỗi ngày hết giờ quẹt dọn, nhổ cỏ, nấu nướng thì làm món tàu hủ non ra chợ Long Hoa bán để kiếm chút tiền dành dụm lúc trái gió trở trời. Cung đường gióng gánh xa xa mệt nhọc cho đôi chân ngày nào cũng lặn lội ấy, má tôi đã quen người thanh niên chạy xe đạp ôm bị cụt nửa bàn chân do bom rơi đạn lạc.

Năm 1980, họ cưới nhau trong cảnh nghèo chung của đất nước. Ba tôi tuy tật nguyền nhưng rất cần cù siêng năng. Vợ sinh con, nhu cầu cuộc sống cần nhiều hơn nên ông không chạy xe ôm nữa mà đi làm culi thợ hồ, rồi lên thợ. Chiều về thì nhận phát gò mối, dọn dẹp cây tạp cho bà con trong xóm. Tất tần tật việc ba đều nhận là để đủ nuôi sống gia đình gồm vợ con và người mẹ vợ đã bắt đầu mù lòa vì tuổi tác. Mái nhà lá của ba luôn xanh um những bầu, bí, rau lang, giàn mướp trước sân, bầy gà sau hè.

Má tôi vẫn bán tàu hủ non chợ xã. Món quà quê ngọt ngào thơm lựng làm từ đậu nành ấy, chan thêm vá đường thốt nốt và tí nước cốt dừa nữa là người ăn sẽ hít hà vì ngon ngọt.

Mái ấm êm đềm trong cảnh khéo ăn khéo mặc, rồi một buổi chiều nghiêng nắng cuối tuần nọ, sau khi đi làm về sớm, ba tôi tắm táp ăn cơm xong thì kêu mệt, khó thở “In như là ăn hông tiêu đó bà”. Má tôi tất tả đi mua thuốc, nhưng khi má chưa về đến nhà thì ba đã ra đi.

Chiều nắng hôm ấy sao mà nắng vậy! Nước mắt ở đâu chảy về trên khuôn mặt má tôi. Gánh tàu hủ non này làm sao nuôi nổi hai đứa con 8 và 14 tuổi hở ông ơi?

Tóc má tôi sau đó bỗng dưng rụng lạ, vừa gội đầu xong thì rụng cả bụm tay. Mỗi lần chải đầu cũng rụng đen cây lược. Người ta nói rằng tóc người đàn bà rụng là khi họ thay đổi máu huyết sau sinh hoặc có chuyện gì đó buồn ghê gớm lắm. Trong suốt ba năm sau ngày ba mất, mái tóc má tôi từ bóng dày đen mượt đã rụng từng mảng, lộ từng vùng da đầu trắng tuyết. Mùi tóc không còn thơm hương lá sả, lá bưởi nữa, bởi hình như nó đã trôi tuột theo nỗi đau mất chồng của má.

Anh Hai tôi 15 tuổi thì nghỉ học đi làm cu li thợ hồ để phụ má nuôi em. Tôi học xong lớp 9 cũng đi học nghề may để má không còn quá bận tâm chuyện áo cơm. Sau này anh Hai cưới vợ thì má quyết định cắt cho tôi thửa đất đủ làm cái tiệm may để “ra riêng” chứ không để cảnh chung chạ rồi chị dâu- em chồng mất lòng nhau sinh ra mất hạnh phúc gia đình. Tôi đồng ý với quyết định của má, vì dù sau tôi cũng gần ba mươi tuổi, cũng cần có sự riêng tư.

May mắn tiệm may tôi đắt khách, lúc nào cũng có hai học trò đến học nên tiếng cười nói tíu tít mỗi ngày. Nhìn các em, tôi cứ nhớ thuở mười lăm của mình, lóng ngóng cầm cây kéo cắt vải, lọng cọng đạp đường may sao cho thẳng thớm, đổ mồ hôi vì đánh vật với mép vải xếp hoài mà chưa ngay. Khóa học may của tôi có đóng học phí, nhưng từ tháng thứ ba là các em sẽ có phụ cấp, tùy theo tay nghề và sự cần cù của học trò. Có cô giỏi đến nỗi, tròn một năm ra trường, số phụ cấp đã bằng hai lần học phí. Niềm vui cuộc sống của tôi, vật chất đủ đầy trong căn nhà bé nhỏ này cũng từ nghề may mà ra. Tôi chỉ còn thiếu những chiều nghiêng nắng ra vườn tìm cắt lá sả, cây é tía, lá bưởi để gom lại phơi khô để dành nấu nước gội đầu như má.

Má lại xuýt xoa vì cọng tóc ngứa được nhổ lên, tôi cố gắng nhổ thêm cho má cọng nào hay cọng nấy dù bóng hoàng hôn đã khuất mất dần. Mùi thảo dược từ tóc má lại quét lên mũi tôi khi cơn gió thoảng qua. Ôi mùi tóc thân yêu này… chắc ở thế giới bên kia ba tôi vẫn còn hoài vọng.


Đào Phạm Thùy Trang/huongquenha.com