Mùa thị chín

Sau cơn mưa đêm qua, buổi sáng ngủ dậy cảm giác trời se se lạnh, đúng tiết trời vào Thu, dễ chịu đến thế. Màu vàng đang tủa dần trong vườn cây xanh. Nắng lên, những giọt mưa còn sót lại sau cơn mưa đêm qua đang pha lê trên đầu ngọn lá, có tiếng chim nào vừa rơi trong vườn cây. Tôi tìm thấy trong sự mát rượi của những cơn gió heo may đầu tiên một mùi thị chín. Cái mùi thơm có lẽ gắn liền với biết bao kỉ niệm của những đứa trẻ nông thôn ngày xưa, chẳng thể nào quên được. 

 

Đối với đám trẻ con hồi đó thì cây thị chả có gì xa lạ. Không như những đứa trẻ lớn lên thời bây giờ, chúng có thể biết đến quả thị, nhưng những cây thị thì rất khó để chúng có thể nhìn thấy. 

Ở những làng quê Bắc bộ xưa, thì kiểu gì trong một xóm cũng có ít nhất vài ba cây đại thụ. Đôi khi chỉ cần vài ba cây, mà mỗi độ Thu sang cũng đủ để thơm cả một xóm. Lũ trẻ con thính lắm, thính như bầy chim thích mùa quả chín. Mỗi mùa thị về chúng biết ngay, nhà ai có cây thị dù lớn dù nhỏ chúng đều biết cả. 

Ở cái thời đại công nghiệp hóa dần, những gốc thị dần dần được thay thế bởi những loại cây có năng suất cao hơn. Cho nên những làng quê ngày càng ít đi những gốc thị. May mắn là bên hàng xóm nhà tôi còn một cây thị duy nhất của cả làng. Cây thị nhà bà Tỉnh. Cây to chừng ba người ôm mới hết, tán lá rậm rạp sum sê. Thuở còn nhỏ, khi nhà tôi chưa xây cái tường bao quanh, vườn nhà tôi và vườn nhà bà Tỉnh được ngăn cách bởi một hàng rào cây găng thưa. Những buổi trưa trốn ngủ tôi thường lách qua rào sang chơi với thằng Lâm. Buổi trưa mà ngồi dưới gốc thị thì mát lắm, có lần hai thằng rủ nhau trèo lên cây thị, bị mẹ tôi biết được gọi về cho ăn no đòn. 

Mỗi mùa thị chín tôi thường được cô Vân gọi sang, rồi dúi vào tay tôi những trái thị thơm vàng. Thuở ấy cô chưa đi lấy chồng, tôi và thằng Lâm hay được cô đan cho những cái túi thị bằng dây bao tải để mang về treo trong nhà. Cô Vân khéo tay nên những chiếc túi thị cô làm rất đẹp, những mắt túi cô buộc đều như những mắt lưới, phía trên còn có cả dây rút nữa. Cả tuổi thơ ngồi xem cô đan mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa biết cách đan. Bọn trẻ lớn lên thời bây giờ chắc chả mấy đứa biết cái túi thị hình thù ra sao nữa. 

Bà tôi hồi đó cũng hay vén rào sang nhà bà Tỉnh chơi. Khi thì bà mang sang cho bà Tỉnh trái mướp, khi thì bà mang mấy cái lá trầu không, khi thì sang mượn cái máy lửa… Hồi đó tình làng nghĩa xóm sao mà gần gũi thân thương! Bà Tỉnh thì cũng hay chia lại từng cái oản xôi cho bà tôi để mang về cho lũ trẻ con, khi thì chùm roi… Nhưng thích nhất vẫn cứ là những trái thị thơm, bởi vì lũ trẻ con chúng tôi sẽ còn nghĩ ra nhiều trò hay ho từ những trái thị đó. 

Thuở ấy tôi đủ lớn để biết được rằng cô Tấm chỉ là trong câu chuyện cổ tích mà chúng tôi được học. Nhưng chả hiểu sao khi cầm trái thị trên tay, hít hà cái mùi thơm dịu ngọt ấy, tôi vẫn thích mường tượng về những điều không có thật như thế. Tôi cũng thường treo trái thị đầu giường trước khi đi ngủ. Trong hương thơm ngọt ngào ấy tôi thường thiếp đi lúc nào không hay. 

Còn một trò nữa từ trái thị mà bọn trẻ con hồi đó hay chơi là: Mỗi lần ăn thị xong chúng tôi sẽ bớt lại những hạt thị. Hạt thị đem mài nhẵn, xong phơi khô rồi xỏ vào một que tre, làm cái gõ. Hạt thị cứng, chúng tôi có thể gõ vào bất kì những thứ gì mà phát ra được âm thanh… 

Rồi cô Vân cũng đi lấy chồng, vài năm sau bà Tỉnh cũng mất, rồi bà tôi cũng theo bà Tỉnh đi mãi mãi. Từ đó trở đi tôi không bao giờ còn nhìn thấy ngọn khói rơm trên cái nóc bếp nhà bà Tỉnh nữa, chỉ còn lại một góc sân xào xạc tiếng lá khô rơi, một góc sân nắng đổ vàng hoe mỗi chiều, cảm giác buồn đến nao lòng… 

Tuổi thơ tưởng chừng cứ kéo dài không bao giờ kết thúc. Nhưng rồi tôi cũng phải lớn dần lên, cuộc đời cuốn tôi đi lúc nào không hay. Những đứa trẻ năm đó giờ đã lớn, đã bỏ làng mà đi, lâu lắm rồi chưa gặp lại. Chỉ còn cây thị vẫn đứng nơi đây, mỗi mùa lại cho quả chín, vẫn lặng lẽ nhìn những thế hệ sinh ra, lớn lên, rồi bỏ làng đi kiếm sống, có những người đi mãi mãi không quay trở về. Ở miền khói hương ấy có bà tôi, bà Tỉnh, nhưng các bà không ra đi, các bà vẫn quanh đây, nơi làng quê này, hóa thân vào mảnh đất này, lặng lẽ thơm trong mỗi mùa thị chín…

Lê Đình Tiến