Tết độc lập trong ký ức của kiều bào

Tháng 9 - mùa Thu lịch sử, cả đất nước ngập tràn trong không khí kỷ niệm thắng lợi vĩ đại của dân tộc - 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và 75 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9. Thời khắc thiêng liêng khi đất nước bước sang trang sử mới mãi khắc sâu trong tim của lớp lớp những thế hệ người Việt. Không chỉ ở trong nước, mà với bà con kiều bào ta ở nước ngoài, Quốc khánh là một sự kiện trọng đại, đó không chỉ là ngày lễ, mà còn là ngày Tết - “ Tết độc lập” của dân tộc. 75 năm đã qua đi nhưng những ký ức, những hiện vật đã đi vào lịch sử và những câu chuyện về tình yêu Tổ quốc của người Việt nơi viễn xứ hướng về đất nước vẫn còn đó vẹn nguyên.

KÝ ỨC VỀ NGÀY QUỐC KHÁNH CỦA KIỀU BÀO TẠI VANUATU

Gần 1 năm sau ngày Tết độc lập 2/9/1945 tại Hà Nội, tin vui mới đến được với bà con người Việt tại đất nước Tân Đảo (Vanuatu), một quần đảo xa xôi ngoài khơi Nam Thái Bình Dương. Vượt qua khoảng cách về không gian và thời gian, hàng nghìn trái tim của những người Việt tại đây đã cùng reo vang niềm vui, niềm tự hào thiêng liêng cùng đồng bào trong nước. Sự kiện lịch sử đó tiếp tục là mạch nguồn bồi đắp tình yêu nước vốn luôn là hành trang của những người con xa xứ.

Ngày 30/6/1946, cậu bé Nguyễn Văn Đại lúc đó mới 9 tuổi được cha đưa đi dự một buổi lễ vô cùng đặc biệt, đó là lễ kéo cờ đỏ sao vàng tại thủ đô Port Vila, Cộng hoà Vanuatu. Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng mỗi dịp trở lại con phố đó, khung cảnh hoành tráng và xúc động ngày nào lại sống dậy trong ông: hàng nghìn người Việt Nam tại Vanuatu cùng kéo đến con phố để được tận mắt chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng – lá quốc kỳ của đất nước Việt Nam tự do, độc lập tung bay trong gió! Lúc đó còn nhỏ tuổi nhưng ông Đại đã cảm nhận được niềm tự hào mình là người Việt Nam, dù hai tiếng “quê hương” vốn chỉ là tưởng tượng mơ hồ qua những câu chuyện của cha – một trong những người phu đồn điền Việt Nam đầu tiên tại Vanuatu. “Sung sướng lắm. Chỗ nào cũng đông nghịt người. Mọi người phấn khởi, hãnh diện vì lần đầu tiên được nhìn thấy lá cờ của Tổ quốc tung bay ở ngay giữa thủ phủ Port Vila này”, ông Đại bồi hồi nhớ lại.

Khi nói đến lịch sử của cộng đồng người Việt Nam tại Tân Đảo, sẽ không thể không nhắc đến cụ Đồng Sỹ Hứa (1915-2005) với cuốn hồi ký “Từ Châu Đại Dương về Việt Nam” – một trong những tài liệu quý và hiếm hoi về những trang sử hào hùng, vẻ vang, về cuộc sống tha phương của người lao động Việt Nam tại Vanuatu. Điều đặc biệt là cụ Đồng Sỹ Hứa cũng chính là người được vinh dự kéo lá cờ Việt Nam lên bầu trời Tân Đảo năm xưa, cụ đã ghi chép lại cảm xúc của mình về ngày tháng trọng đại ấy trong hồi ký: “Lá cờ đỏ sao vàng được giương lên giữa trung tâm Port-Vila, rọi sáng trái tim, tăng thêm sĩ khí mọi người. Các anh em thủy thủ đến từ Tân Thế giới hay từ Pháp nói rằng từ ngoài khơi tiến vào đều nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay ở trung tâm, điều đó làm dâng lên trong lòng những công dân Việt Nam tha phương nơi xứ người và những người làm cách mạng một cảm giác kỳ lạ của sự tự hào và tin tưởng”.

Cũng theo những ghi chép của cụ Đồng Sỹ Hứa, có những người Việt sống tại những hòn đảo biệt lập, phương tiện đi lại khó khăn nên biết tin nước nhà độc lập rất muộn. Nhưng không có sự xa cách nào mà bà con không thể vượt qua để có thể tham dự lễ chào cờ 2/9 thiêng liêng lần đầu tiên diễn ra giữa trùng khơi mênh mông của Nam Thái Bình Dương.

“Dù tuổi cao, đã ngoài lục tuần, và khoảng cách hơn 6000 cây số cả đi lẫn về, cùng 5 đến 6 tháng chờ đợi tàu đi qua, ông Nguyễn Văn Phao không hề ngần ngại. Ông thu xếp tới Tân Đảo để được ngắm lá cờ Tổ quốc và hít thở không khí tự do trước khi chết. Tựa mình trên chiếc gậy từ rễ cây đước, ông đã khóc như mưa…”(Trích Hồi ký “Từ Châu Đại Dương về Việt Nam” - tác giả Đồng Sỹ Hứa).

Ngay từ khi biết đến phong trào cách mạng trong nước đầu những năm 40, những người Việt tại Vanuatu, đa phần là người lao động Việt Nam đi phu đồn điền cho thực dân Pháp đã ủng hộ Việt Minh bằng cách đặc biệt là viết lời bài hát tiếng Việt trên nền nhạc nước ngoài. Chính vì thế, nhiều bà con lúc đó đã thuộc, yêu thích và lưu truyền những bài ca cách mạng.“Nhạc thì nhạc bài quốc ca của Pháp, nhưng lời của người Việt chế tác ra thì nghe cũng rất là hùng dũng và nó đi vào lòng người rất là sớm. Khi tôi đi học trường Pháp, ông giáo hỏi tôi là em có hát được quốc ca Pháp lời Việt không? Tôi bảo mình hát được và tôi đã hát bằng lời Việt như vậy”. Ông Phạm Bình Tuấn - con của người phu đồn điền Việt Nam tại Tân Đảo (Vanuatu) nhớ lại.

Để rồi, từ ngày 2/9/1946 đó, bà con tại Tân Đảo đã có thể lắng nghe giai điệu thiêng liêng và tự hào của quốc ca nước Việt Nam vang lên trên đất khách. Mừng lễ độc lập cũng trở thành dịp họp mặt lớn nhất trong năm của tất cả mọi người với nhiều cảm xúc.

Năm 1963, nhiều người Việt tại Tân Đảo đã hồi hương, tiếp tục truyền thống yêu nước, con cháu họ đã tham gia kháng chiến cùng dân tộc. Nhiều người đã trở thành anh hùng, liệt sĩ. Cho tới tận hôm nay, ký ức về ngày độc lập thiêng liêng và những câu chuyện về lòng yêu nước của thế hệ trước vẫn được gìn giữ cho thế hệ sau.

LÁ CỜ ĐẶC BIỆT CỦA KIỀU BÀO PHÁP KỶ NIỆM NGÀY 2/9/1945

Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu trữ khoảng 1,8 nghìn hiện vật về Cách mạng Tháng 8 và Ngày độc lập 2/9/1945. Trong đó có một hiện vật rất đặc biệt với những thông tin ít ỏi được lưu lại trong hồ sơ. Đó là lá quốc kỳ Việt Nam đã được kiều bào Pháp may và treo mừng Lễ độc lập 2/9/1945. Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, Phòng Giáo dục công chúng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: “Lá cờ này được ông Đào Nguyên Định là người tham gia trong cuộc vận động trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bên Pháp giữ gìn, bảo quản và khi trở về Tổ quốc thì đã mang lá cờ này trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vào năm 1959. Lúc bấy giờ do khoảng cách địa lý xa xôi nên họ chỉ biết là cờ của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng chứ họ không biết ngôi sao vàng nằm ở phía nào và họ đã may cờ Tổ quốc với ngôi sao lệch trên góc đó. Điều này thể hiện tình cảm và trái tin của người con xa xứ luôn hướng về tổ quốc hướng, về quê hương”.

Ngược dòng lịch sử, tháng 9/1945 ở đất nước Pháp xa xôi, nghe tin nước nhà độc lập, kiều bào ở Paris đã may cờ Tổ quốc. Do không ai được tiếp cận thông tin chính xác về kích thước cũng như tỷ lệ may cờ, nên qua lời truyền miệng, bà con kiều bào đã tự may những lá cờ đỏ có ngôi sao vàng lệch sang một góc phía trên. “Theo tôi biết thì những lá cờ đó được thực hiện bởi các anh công binh trong các trại hoặc trong các lễ mít tinh. Lá cờ đó được làm bằng vải mà phải dành dụm và xin ở các nơi chứ không phải do những người sống trong thành phố làm. Ví dụ như trại Hồng Việt vào tháng 8/1945 thì cũng treo cờ, rất nhiều trại và rất nhiều nơi sau khi biết tin đã làm cờ để kỷ niệm 2/9”. Là một trong những thành viên chủ chốt của Hội người Việt Nam tại Pháp hàng chục năm qua, nhưng ông Nguyễn Văn Bổn – Chủ tịch đặc trách đối ngoại Hội người Việt Nam tại Pháp - cũng chỉ nắm được rất ít thông tin, lai lịch của những lá cờ đặc biệt này.

Ngày 16/4/1946, theo lời mời của Quốc hội lập hiến Cộng hòa Pháp, phái đoàn Quốc hội Việt Nam do Phó Trưởng Ban Thường vụ Quốc hội Phạm Văn Đồng dẫn đầu, lần đầu tiên thăm hữu nghị nước Pháp kéo dài đến 23/5/1946. Ngày 25/4/1946, hơn 2000 kiều bào chào đón phái đoàn Quốc hội Việt Nam tại đường băng Bourget, Paris. Phái đoàn dân cử đầu tiên của một tiểu quốc thuộc địa mới giành được độc lập hiện diện tại Paris đã thể hiện mạnh mẽ ý chí, khát vọng hòa bình của dân tộc, của Đảng và chính phủ Việt Nam, có ý nghĩa to lớn đối với phong trào hòa bình trên thế giới, đã nhận được sự đón tiếp và ủng hộ nồng hậu của đông đảo kiều bào, nhân dân yêu chuộng hòa bình Pháp. Sau chuyến công tác, đại diện cộng đồng kiều bào tại Pháp đã trao tặng lại phái đoàn Quốc hội một số hiện vật để mang trở về nước, trong đó có cả lá cờ may bằng tay với ngôi sao lệch của kiều bào.

Để có thêm thông tin về lá cờ đặc biệt này, phóng viên đã gặp gỡ nhà sử học Dương Trung Quốc và được ông cho biết: “Khi được gặp người đại diện cho Tổ quốc vừa giành độc lập, nhất là với một người có danh tiếng như ông Phạm Văn Đồng hay cụ Tôn Đức Thắng thì có thể nói là mang lại cảm xúc rất tích cực cho bà con Việt kiều và đương nhiên là họ trao gửi tình cảm của mình, ý thức của mình với Tổ quốc bằng những hiện vật. Thực ra Quốc hội ấn định chính thức bằng văn bản trong Hiến pháp thì đến tháng 11/1946 mới có sắc lệnh về quốc kỳ Việt Nam, nhưng lá cờ đỏ với ngôi sao lệch đó đã thể hiện cho tấm lòng của bà con kiều bào lúc đó. Bà con chỉ biết rằng người ta hay nói là lá cờ đỏ sao vàng, trong khi ở trong hoàn cảnh lúc đó thì điều kiện thông tin không được như bây giờ, nên họ chỉ có thể tưởng tượng, chính cái tưởng tượng ấy đã gửi gắm rất nhiều tình cảm của những người Việt Nam nơi viễn xứ hướng về Tổ quốc”.

75 năm đã đi qua kể từ Tết độc lập đầu tiên của dân tộc 2/9/1945, đất nước Việt Nam đã chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, dòng chảy lịch sử vẫn đang vận động không ngừng, nhưng ký ức về những ngày Tết độc lập sẽ mãi còn vẹn nguyên trong tâm trí của lớp lớp thế hệ người Việt. Với mỗi người dân Việt Nam, Tết độc lập không chỉ là niềm hân hoan, sự tự hào mà từ đây sẽ trở thành động lực gắn kết đại đoàn kết dân tộc, thôi thúc mỗi chúng ta cùng chung tay dựng xây đất nước, để thắng lợi và thành quả của Cách mạng Tháng Tám được tiếp tục phát huy rực rỡ, để sự thiêng liêng của những mùa Tết độc lập vẫn luôn mãi vẹn nguyên.

Mộc Lan