Vlogger Sangu và thông điệp trái tim Việt Nam tại Séc trong đại dịch COVID-19

Ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát tại CH Séc, nhiều cơ quan truyền thông và báo chí tại CH Séc đã đồng loạt đưa tin ca ngợi tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng người Việt tại đây dành cho chính quyền và người dân sở tại trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, như phong trào may tặng khẩu trang, phong trào ủng hộ người làm công vụ tại Séc v.v… Trong số đó, thời kỳ đầu có phong trào các cửa hàng của người Việt treo biểu tượng trái tim ủng hộ những người làm công vụ như bác sĩ, lính cứu hỏa, cứu hộ… Phong trào này bắt nguồn từ lời kêu gọi của Trần Văn Sang - một vlogger người Việt nổi tiếng tại Séc, người thanh niên trẻ tuổi đã từng được truyền thông Séc rất chú ý năm ngoái với cuộc tranh cử vào nghị viên Liên minh Châu Âu.

Lan tỏa những giá trị tích cực

Vlogger Trần Văn Sang

Sinh năm 1985, sang CH Séc cùng cha mẹ từ 10 tuổi, khi đang học lớp 3, nhờ được cha mẹ rèn giũa kỹ càng về tiếng Việt, nên Sang có vốn tiếng Việt rất tốt. Chàng trai cũng hòa nhập rất nhanh vào xã hội Séc. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, Sang trở thành giáo viên dạy tiếng Séc và tư vấn hội nhập cho người nước ngoài; đồng thời là một vlogger nổi tiếng chuyên viết những bài phân tích, tư vấn về luật pháp, xã hội, chính trị cho cộng đồng người Việt, được hàng chục ngàn người theo dõi.

Công việc hàng ngày của Trần Văn Sang là viết blog; làm video live stream về các sự kiện tại Séc; tiếp nhận những người gọi điện thoại, tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua facebook, trả lời tin nhắn và nếu làm trực tiếp thì gặp gỡ để làm giấy tờ về nhiều vấn đề như lao động, luật pháp…

Dịch COVID đã làm hạn chế mọi sự tiếp xúc, nhưng vlog của Sang thì sôi động hơn bao giờ hết với 30-40 ngàn lượt theo dõi, khi anh cập nhật những thông tin quan trọng chính thức cho cộng đồng người Việt, đồng thời phân tích các vấn đề liên quan.

Sang làm vlog khoảng từ năm 2014, với công việc chính ban đầu là dạy tiếng Séc, sau đó là tư vấn tài chính. Vlog sangu.eu hiện tại có khoảng 33 ngàn fan, 38 ngàn người theo dõi tích cực. Đến nay, Sangu đã có lượng người được hỗ trợ tư vấn miễn phí lên tới hàng ngàn người/năm, chưa kể những dịch vụ thu phí. Có thể thấy mức độ ảnh hưởng của vlogger này nếu nhắc lại số lượng người Việt hiện sinh sống và làm việc tại CH Séc vào khoảng 60–70 ngàn người.

Mong muốn góp sức cho công cuộc hòa nhập vào xã hội sở tại của hàng chục ngàn người Việt, đồng thời giúp người Séc hiểu biết hơn về cuộc sống, văn hóa của cộng đồng Việt sinh sống trên đất nước họ, Sang còn thành lập trang web www.sangu.eu,“Với niềm tin rằng bản thân tôi cùng với các bạn trẻ sẽ có thể xây dựng lên một giá trị mới trên mạng để kết nối mọi người qua những lời chia sẻ kinh nghiệm, tâm sự, và nhất là các video học tiếng Séc/Việt, tư vấn luật pháp, y tế, bàn luận về tình hình chính sách di cư, quảng bá văn hóa ẩm thực và thói quen của hai bên v.v...”. Câu châm ngôn mà Sanggu đưa ra là: “Chúng tôi không chỉ muốn lắng nghe câu chuyện của bạn, mà còn sẽ gợi ý tốt, để cuộc sống của bạn có nhiều ý nghĩa hơn trên miền đất quê hương thứ hai này”.

Câu chuyện về những biểu tượng hình trái tim

Trần Văn Sang chia sẻ câu chuyện về biểu tượng trái tim: “Trong thời COVID như bây giờ, dù có là Tây, Ta, Tàu thì thực ra luôn có một điểm chung là sự nhân đạo giữa người với người. Câu chuyện cũng rất đơn giản. Trước đây, tôi từng nêu ra ý tưởng và được cộng đồng hưởng ứng, nhất là tháng 5/2019 khi tôi ứng cử vào ghế nghị viên Liên minh Châu Âu, đã có đông đảo bà con ủng hộ (mặc dù họ không có quyền đi bỏ phiếu vì không có quốc tịch, thế nhưng sự ủng hộ cao đến mức báo chí Séc cũng để ý đến). Dù cuộc bầu cử không mang đến kết quả mong đợi, nhưng cũng đã để lại tiếng vang cho người Séc và một số người Việt. Vì thế, với tôi, việc kêu gọi để người Việt Nam hưởng ứng lần này cũng tương tự”.

Từ giữa tháng 3, khi bắt đầu có những trường hợp đầu tiên dương tính với virus SARS COVI-2, Chính phủ Séc đã đưa ra các biện pháp rất mạnh tay và phong tỏa cả nước. Thời gian đó, CH Séc thiếu khẩu trang trầm trọng, nhiều người Việt Nam đã xây dựng thành hội chuyên may khẩu trang cho những bệnh viện tại Séc. “Đến giữa tháng 3, rất nhiều fan cứng của tôi gợi ý: Sang phải làm cái gì đó đi. Bởi vì có người giúp được bằng cách may khẩu trang, có người không giúp được mà ngồi một chỗ thì cũng rất áy náy, nên nghĩ một cái gì đó để cả cộng đồng cùng hưởng ứng. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về phương án giúp đỡ, làm sao để nó không mang đến sự tiếp xúc có thể lây bệnh. Mãi tôi mới nghĩ ra phương pháp, là tặng cho những người làm công vụ cứu hộ, cứu nạn những chai nước hoặc cà phê, chè nóng… để trong bao bì. Tuy nhiên sẽ không hẳn quán hàng nào của người Việt cũng làm theo, nên để phân biệt cho khách rõ giữa những cửa hàng người Việt Nam muốn giúp đỡ và những nơi không có đủ điều kiện để giúp, tôi mới nghĩ ra hình trái tim, vẽ trái tim lên giấy và ghi dòng chữ “Chúng tôi tặng… cho những người thi hành công vụ cứu nạn, cứu hộ và chúng tôi cảm ơn” – Sang kể lại.

Thông điệp trái tim của Trần Văn Sang ngay lập thu hút sự hưởng ứng
của hàng chục nghìn fan và hàng trăm cửa hàng  

Trần Văn Sang đã chia sẻ ý tưởng này ở fanpage sangu.eu của mình trên facebook, lập tức hàng chục nghìn fan đã hưởng ứng theo. Ngay tối hôm đó, họ đã vẽ trái tim lên tờ giấy dán vào cửa hàng của mình. Ngày hôm sau, khái niệm về việc giúp đỡ được phổ biến đến mức mà “Hàng trăm cửa hàng chụp ảnh hình trái tim gửi cho tôi và tôi đã gửi đi cho một số nhà báo Séc. Họ thấy đây là một việc cực kỳ là tuyệt vời, vì trong thời điểm đó tại CH Séc chỉ có vài quán cà phê hoặc quán ăn của người Séc giúp đỡ lẻ tẻ. Trong khi mình làm có hệ thống và có biểu tượng trái tim treo trước cửa, nói lên rằng tại nơi này, các anh các chị sẽ được chúng tôi tặng những món quà nhỏ ủng hộ tinh thần để chiến đấu tiếp. Đây là thông điệp mà tôi đưa ra, và mọi người đã hưởng ứng”.

Trần Văn Sang cho biết, anh thậm chí cũng không tin được rằng album ảnh về những hình trái tim đó của anh trên Facebook đã có hơn 1,5 triệu người dân Séc xem. CH Séc chỉ có khoảng 10 triệu dân, mà có tới 1,5 triệu người đã xem trên facebook, chưa kể những người xem trên tivi hoặc nghe đài khi báo chí Séc hết sức quan tâm đến câu chuyện này.

Những gì diễn ra sau đó còn tuyệt vời hơn cả mong đợi. Sang bảo, “Thực ra người Việt Nam còn nhiều sáng kiến hay hơn nữa. Một số người đã mang đến tận đồn cảnh sát đồ ăn, đồ uống, mang đến tận bệnh viện những gói quà. Như khi biên giới bị phong tỏa, có quân đội canh cửa khẩu, thì một số người trong Hội người Việt Nam tại vùng biên giới đã mang cả tủ lạnh, đồ uống và máy cà phê tự động đặt vào lều canh cho quân đội. Người Séc rất cảm động! Người Việt tại Séc đã cùng đồng tâm với Sang để hưởng ứng, cho người Séc biết rằng người Việt đã là một thành phần không tách rời trong xã hội Séc”./.

Phi Hà