Chìa tay ra với đời

Những năm ấy, đói quá nên những người đi kiếm kế sinh nhai được cho đi nhờ tàu hàng, thường là ngồi ké ở cửa lên xuống vừa là chỗ đầu nối các toa vừa là nhà vệ sinh, không có cửa, gió thổi vào hun hút. Kiếm được miếng ăn khổ là vậy mà lần nào bố mang sắn về, mẹ cũng thái khúc mang chia cho hàng xóm. Mẹ không chịu được cảnh con mình có ăn mà con người ta nhịn. Có lúc nhà chỉ còn vài bát gạo, mẹ cũng chia bớt khi người ta vay.

Tôi lớn khôn, rời vòng tay mẹ, cuốn vào dòng xoáy cuộc đời. Dù đi đến đâu, gặp bất cứ kiểu người nào, bị đối xử ra sao cũng chưa từng cay nghiệt với ai, vì luôn nhớ mình là con của mẹ. Tôi may mắn gặp nhiều người biết chìa tay ra với đời. Họ không đợi giàu có mới biết cho đi. Như bà chủ nhà trọ sống bằng gánh xôi sáng bán ở chợ cóc nằm trong một ngõ nhỏ Hà thành. Chợ bán chủ yếu cho công nhân và dân lao động nghèo nên gói xôi sáng bà thường xới nhiều hơn: “Để họ ăn cho ấm bụng”. Cứ vào đầu năm học là bà lại bớt tiền trọ cho mấy cô chuyên bán hàng rong, buôn sắt vụn: “Để thêm tiền mua sách vở cho lũ trẻ ở quê”…

Ảnh minh họa 

Đâu chỉ những người có cho đi mới biết chìa tay ra với đời. Sông có khúc, người có lúc. Cuộc sống với biết bao biến cố thăng trầm nên ai chẳng từng có lúc cần đến sự giúp đỡ từ người khác. Nhưng chẳng phải ai cũng biết cách chìa tay ra để người khác nắm níu lấy mình lúc cơ nhỡ khó khăn, yếu mềm tuyệt vọng. Thế mới biết hóa ra ở đời học cách cho đi có khi còn không khó bằng học cách mở lòng đón nhận. Bởi họ đâu biết rằng, nắm lấy tay nhau để thấy đời còn nhiều yêu thương ấm áp.

Tôi nhớ hồi còn ở trong xóm trọ nghèo, chiều nào cũng thích ra ngoài cửa ngắm mấy mẹ con phòng đối diện quây quần bên nhau. Cùng nhặt rau, nấu cơm, chăm bẵm mấy thùng xốp trồng đầy rau xanh. Người mẹ ấy chưa bao giờ ép con học, con ăn. Cũng không nói với con những điều to tát.

Bài học mà người mẹ ấy dạy con thường mang tên “hạnh phúc”. Biết cúi xuống hôn một bông hoa. Biết rắc cho bầy chim sẻ hay bay về đậu trên mái tôn vài hạt gạo. Biết yêu thương lũ chó mèo của nhà chủ hay sang nhặt chút cơm thừa canh cặn trong xóm trọ. Biết chìa tay giúp đỡ người cần. Biết nói lời “cảm ơn” khi nhận của ai đó thứ gì. Biết đỡ đần người thân, cảm thông người lạ. Tôi thích ngắm họ sống cuộc đời bình dị mà ấm áp. Hệt như anh em tôi những tháng năm thơ ấu được sống trong một ngôi nhà nhỏ cùng với bố mẹ mình.

Cuộc sống tuy đói khổ nghèo nàn nhưng chưa bao giờ thiếu vắng những tiếng cười hạnh phúc. Ở nơi đó có làng xóm, bạn bè và những bàn tay biết chìa ra với đời. Dù là chìa ra để đón nhận hay cho đi cũng đều chân tình lắm…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG/(sggp.org.vn)