Ông tôi


 Ảnh minh họa

Thời bé thơ của tôi đã gắn với ông. Cha mẹ biền biệt theo những gói hàng xa xứ để tôi trưởng thành trong vòng tay chớm trổ đồi mồi của ông. Những yêu thương ông dành cho tôi dạt dào như những cơn sóng biển chưa khi nào thôi vỗ về tôi những phút thật êm, để tôi thấy an yên không thiếu vắng đi tình thương cha mẹ. Và vì một lẽ vô hình nào đó, tôi yêu thương ông theo cách của riêng tôi, và tình thương đó, qua thời gian, nó đong đầy trong tôi, biến những hồi ức về ông trở thành những kỉ niệm rất đẹp.

Có lẽ khi còn bé tôi sẽ không bao giờ quên được câu chuyện gói mì với giá vài triệu. Chuyện đôi khi cứ như đùa nhưng nó diễn ra rất tình cờ vào một ngày chớm thu sang. Ông tôi khi ấy là bảo vệ của chung cư, cái thuở còn tráng kiện và muốn tìm công việc gì đó đong thêm cho bát cơm đứa cháu miếng thịt, khúc cá. Ông bắt gặp chiếc laptop người ta bỏ quên, thế là ông đem về nhà cất. Cả ngày tôi chơi quanh quẩn bên cái laptop, trong đầu tôi khi ấy, mặc nhiên cái “của bỏ rơi” ấy trở thành của tôi, tôi cho những thứ mà không ai đến nhận thì người mang “cất giùm” sẽ thành “chủ của nó”. Cái lí lẽ mặc nhiên của đứa trẻ con nhà nghèo thèm thuồng những món đồ vật chất cao sang, và giờ, nó tìm động lực, tìm lí do, một cú hích nào đó như việc biện minh không ai đến nhận sẽ thành đồ của mình. Ấy thế mà sáng hôm sau, chiếc laptop đã không cánh mà bay, hỏi thì ông chỉ đáp một câu gọn lỏn:

- Ông trả lại cho chủ nó rồi!

Trẻ con thường vô lý, nhất là với những điều nó thích. Tôi giận dỗi ông suốt mấy ngày. Vừa giận lại vừa tiếc, tôi nghĩ rằng thiết gì phải nỗ lực tìm chủ của nó khi không ai biết mình đã tìm được, và món ấy, tôi thèm nó dữ lắm. Dường như biết cháu mình giận, ông lại gần tôi ngồi nói chuyện. Vào một đêm sáng trăng, khi trên mảnh sân nhỏ chỉ còn những cái bóng in hằn của hai ông cháu khi ngọn đèn dầu và đôi mắt của ông là hai thứ duy nhất tỏa sáng trong đêm, ông cười vỗ đầu tôi:

- Ông biết cháu của ông không phải người tham lam, nhưng chủ của nó cũng nghèo như chúng ta vậy. Anh ta mừng lắm khi nhận được đồ của mình, mà bản thân ông, ông cũng thấy vui khi mang tới niềm vui cho người khác.

- Thế còn cháu? Niềm vui của cháu?

- Nếu cháu sử dụng nó - một thứ không phải của mình, và một ngày kia, cháu mất đi thứ quan trọng nhất, không ai trả lại cho cháu, cháu có vui không?

Nghe ông hỏi bất giác tự nhiên tôi im lặng, nỗi im lặng của một đứa trẻ như ngộ ra một điều gì đó vừa sáng trong tim. Mấy hôm sau, anh chủ ghé nhà cho chúng tôi vài gói mì, anh nghèo quá không có gì hơn. Hai ông cháu ăn mì mà cứ trêu nhau, những gói mì đáng giá vài triệu, bằng cái laptop khi ấy…

Tôi ích kỉ, ích kỉ với tình thương của mình. Thời còn chưa biết nghĩ suy, tình yêu thương tôi dành cho ông biến thành sự chiếm hữu, nên khi nhìn thấy Linh - cháu bên ngoại của ông được ông yêu thương, tôi ganh tị. Chúng tôi cùng tranh giành đỡ đần công việc của ông, nhưng có một lần Linh ham chơi không giúp ông, thế là tôi lăng xăng phụ ông hết việc này đến việc kia, ông xoa đầu tôi khen:

- Cháu tôi nay ngoan lắm! Mà không biết cái Linh đâu rồi không giúp ông gì cả?

Được thể, tôi lớn tiếng:

- Nó đi chơi rồi ông. Công việc này phức tạp quá, ai cũng né hết ông ạ.

Bỗng nhiên sau câu nói của tôi, ông nhìn tôi đầy buồn bã. Sự thật, điều tôi vừa nói đúng là sự thật, nhưng nó làm ông tôi buồn. Ông tôi buồn đến nỗi ánh mắt ông ngập tràn điều đó, ông khựng trong giây lát như mất đi một điều gì đó, ông nhìn xa xăm rồi rảo bước làm tiếp điều dở dang. Cái giây phút ấy trong tôi cũng như vỡ vụn, dường như chỉ một khoảnh khắc thôi mà thời gian như ngưng đọng. Có những sự thật không cần phải nói ra, để giữ một điều gì đó trong tim thật vẹn toàn, tuyệt đẹp. Tự nhiên tôi thấy có lỗi, chỉ vì phút giây ích kỉ của mình, tôi đã làm điều gì đó tổn thương ông dù tôi biết rồi ông sẽ quên nhanh thôi, và tình yêu ông dành cho cháu con luôn là vô bờ bến. Nhưng rõ ràng, tôi đã làm người ông đáng kính của mình buồn.

Kỉ niệm cuối cùng của tôi với ông gắn với những bức ảnh. Ông hay kể tôi nghe chuyện tình thời lính chiến của ông bà với những ước mơ xa xăm mà ông chưa bao giờ thực hiện được.

- Ngày xưa ông đi lính, ông bà gặp nhau ở Sapa. Gớm, cái thời ấy biết chi mà vùng ấy sau trở thành thắng cảnh. Chỉ biết những đêm tuyết trắng ngập trời, hai người lại hẹn nhau dưới đỉnh mây mù, ấy thế mà cũng thành tình con ạ…

Ông đưa ánh mắt trở về niềm xa xứ rồi lại tiếp:

- Sau khi lấy nhau, ông bà luôn mơ ước sẽ quay trở lại được nơi ấy, nhưng rồi không được.

Ông kể cho tôi nghe những đêm trăng Sapa đẹp như thế nào, ông quen bà ra sao. Và cái tình yêu thời chiến ấy hệt như bao tình yêu trong truyện cổ tích. Ông cũng kể về một lần muốn quay lại nơi đây ra sao, nhưng rồi thời gian cứ dần trôi, có chút tiền thì những đứa con nối tiếp nhau ra đời, miếng cơm không đủ, kí ức về mối tình đẹp trải dài miên man qua những giấc mơ đêm và những đêm hai người nhớ về kí ức. Rồi khi những người con trưởng thành, có lúc ông bà muốn an hưởng tuổi già quay lại chốn xưa thì gia đình lâm vào gia biến. Nhà cửa vườn tược bán gần hết để kiếp nợ nần nối gót ra đi. Thế rồi, bà cũng ra đi, giấc mơ ấy chỉ còn mình ông nhớ và không còn khả năng thực hiện.

Ông bệnh. Cả gia đình quây quần bên ông những giờ phút sau cuối. Tôi khóc hết nước mắt vì ông. Rồi như sực tỉnh, tôi chạy ngay ra phố. Lúc ông hấp hối, tôi đưa cho ông tấm thiệp, trên đó là hình những đỉnh núi Sapa hùng vĩ với quang cảnh tuyệt đẹp, tôi òa lên nức nở:

- Ông ơi, con luôn muốn dẫn ông quay lại nơi ấy! Mình đi thông qua tấm thiệp này ông nhé.

Bỗng nhiên, ông nở một nụ cười. Đó cũng là nụ cười cuối cùng của ông.

Mãi tới sau này, đôi khi tôi vẫn hay tự hỏi, liệu ngày đó, nếu tôi cố gắng dành dụm tiền để dẫn ông đi Sapa, ông sẽ vui hơn hay khi nhìn tấm thiệp ông sẽ vui hơn. Cũng giống như ngày đó, liệu ông sẽ vui hơn khi mặc kệ con cháu mình nợ nần để có thể viên mãn bên bà trong những giây phút cuối cùng của đời bà ở mảnh đất kỉ niệm ấy, hay giúp đỡ con cái bằng tất cả sức lực của mình ông sẽ vui hơn. Nhưng câu hỏi ấy lập tức có câu trả lời, như nụ cười cuối cùng tôi thấy từ ông vậy.

Lê Hứa Huyền Trân