Lá thư thứ 3 từ New York: Hoa Kỳ trong những ngày thịnh nộ

Anh ạ,

Những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ đầu của Donal Trump thật họa vô đơn chí. Đại dịch Covid-19 chưa dứt, nạn dịch mới ập đến. Nhưng nạn dịch hôm nay lại là một vấn nạn khác, một vấn nạn do những kẻ lợi dụng danh nghĩa đấu tranh chống phân biệt đối xử với người da màu để tạo nên hiệu ứng biểu tình nhằm mục đích cướp bóc và phá hoại sau cái chết của George Floyd. 

Tối thứ 6 vừa qua, người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở thành phố New York. Tại quận Brooklyn và Hạ Manhattan, người biểu tình đã ném đạn nổ, bắn phá và đốt xe cảnh sát khiến một số cảnh sát và người biểu tình bị thương. Một số cửa hàng bị đốt phá, cướp bóc... nên cảnh sát đã bắt giữ nhiều người biểu tình.

Hầu như hơn 30 thành phố của nước Mỹ chìm trong bạo loạn của tầng lớp da màu cực đoan.

 Xe cảnh sát bị người biểu tình đốt cháy ở New York.

New York cũng như nhiều thành phố khác phải ban bố tình trạng giới nghiêm: Cấm không được ra đường từ 20 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, trừ các nhân viên an ninh và lực lượng công quyền thực thi nhiệm vụ.

Thành phố Philadelphia hôm qua cũng ban bố lệnh giới nghiêm từ 20 giờ, nhưng hôm nay đổi lệnh giới nghiêm từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau; kèm theo đó yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa sớm.

Trên các tuyến đường, xe cảnh sát chạy từng đoàn, kéo còi inh ỏi khắp nơi. Trên trời, máy bay trực thăng kiểm tra tuần tiễu suốt từ chiều đến tối. Đèn từ máy bay soi sáng cả mặt đất. Cuộc sống chưa bình yên sau đại dịch Covid-19, nay lại bị xáo trộn bởi cơn lốc người da màu nổi loạn. Hình như mọi người cảm giác mình đang ở giữa vùng chiến sự mới.

 Thành phố Philadelphia trong hỗn loạn và giận dữ.

Anh có hỏi em là nguyên nhân nào tạo nên cơn sóng biểu tình dữ dội khắp nhiều thành phố trên nhiều bang của nước Mỹ như vậy?

Theo em được biết từ truyền thông đưa tin thì George Floyd - một người đàn ông da màu 46 tuổi, sống ở thành phố Minneapolis - bang Minnesota đã tử vong hôm 25/5 vừa qua. Trước đó, Floyd vào cửa hàng tạp hoá mua đồ và dùng 20 đô-la tiền giả. Nhân viên cửa hàng ấy đã gọi điện cho cảnh sát. Sau khi 3 cảnh sát đến thì Floyd có hành động cự cãi và phản đối, 1 trong 3 cảnh sát da trắng đã tóm cổ Floyd và dùng đầu gối tỳ cổ anh này xuống đất. Khi ấy Floyd nói yếu ớt cầu xin viên cảnh sát là: "Làm ơn đừng giết tôi! Tôi không thể thở được". Sau hơn 8 phút thì Floyd nằm bất động, một đồng nghiệp cảnh sát trong 3 người ấy bắt mạch nhưng mạch Floyd không đập nữa. Xe cấp cứu đưa Floyd vào bệnh viện thì được xác nhận Floyd mất trước đó không lâu.

Chính cách hành xử của viên cảnh sát gây ra cái chết của Floyd là nguồn cơn tạo nên cuộc biểu tình ở thành phố Minneapolis. Và từ Minneapolis đã nổ ra thành bạo lực và lan sang thành phố Detroit của bang Michigan khiến 1 cảnh sát tử vong. Sau đó, các cuộc biểu tình lây lan ra nhiều thành phố trên nhiều bang của Hoa Kỳ. Ngay cả Nhà Trắng ở Washington DC cũng bị nhóm người biểu tình xô đổ hàng rào và cuộc đối đầu giữa cảnh sát và nhóm biểu tình xảy ra trong khuôn viên Nhà Trắng. Để đảm bảo an ninh, mật vụ phải đưa Tổng thống Trump xuống hầm ngầm trú ẩn. Còn tại New York thì khách sạn Trump Tower cũng bị nhóm biểu tình ở New York bao vây, cảnh sát phải căng mình bảo vệ.

Theo em nghĩ, cái chết của Floyd chỉ là giọt nước tràn ly khi Đại dịch Covid-19 đã cướp đi hơn 100 nghìn người Mỹ mà chủ yếu là da màu. Nỗi uất ức khi bị mất đi những người thân đã dồn nén tâm trí họ. Thế rồi giãn cách xã hội do Đại dịch Covid-19 đã cướp đi công việc của hơn 40 triệu người, mà chủ yếu vẫn là da màu. Tuy Chính phủ liên bang đã có chính sách hỗ trợ kịp thời trong đại dịch nhưng họ vẫn cảm thấy bị đau đớn và thua thiệt. Hơn nữa, trong đầu óc của từng lớp da màu vốn dĩ luôn định kiến và tự ti rằng mình bị đối xử không công bằng trong một xã hội có biểu tượng của Nữ thần tự do, dân chủ với tay cầm bó đuốc luôn tỏa sáng trên đầu.

Tiện đây em kể cho anh nghe, ở chỗ em làm có một cậu da màu. Tên cậu ấy là Sean, 35 tuổi. Thực ra, da cậu ấy đen tuyền, thế nhưng ở Mỹ cứ gọi da đen là họ kiện. Cho nên phải nói họ thuộc chủng da màu. Có lần em hỏi cậu ta: Mày có thích Tổng thống Trump không? Mày có muốn ông ấy làm thêm nhiệm kỳ nữa không? Cậu ta nói luôn không úp mở gì là tao không thích. Nhìn là ghét. Em hỏi tại sao? Cậu ấy bảo Tổng thống Trump chỉ lo cho người giàu, còn da màu và tầng lớp người nghèo thì ông ấy chẳng quan tâm.

Đấy! Anh nghĩ thế nào? Cậu ấy đòi hỏi gì nữa thì em không biết. Còn cuộc sống thì cậu ấy cũng làm việc như những người da trắng, mọi chế độ từ lương, nhà, xe, quỹ hưu, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe... mọi thứ là như nhau. Thế nhưng trong đầu của đại bộ phận người da màu luôn tự ti như vậy. Họ luôn nghĩ và chứa chất nỗi ấm ức trong người như những liều thuốc súng nhỏ. Chỉ cần một ngòi lửa vô tình châm vào thì các gói thuốc súng nhỏ ấy góp lại thành những kho thuốc súng di động vì tỉ lệ người da màu trên nước Mỹ là không nhỏ.

Đó là chưa kể đến phe cực hữu thì luôn dùng những lời lẽ chua cay công kích và chia rẽ, chế diễu Tổng thống Trump để lấy lòng bộ phận cử tri người da màu trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng sắp tới.

Chính nguyên nhân chính trị hoá dân sự ấy cũng góp phần kích hoạt cư dân da màu nổi dậy cướp bóc, phá hoại núp dưới cái cớ biểu tình vì quyền dân chủ, tự do và bác ái.

Joe Biden - ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng sắp tới - cũng vừa đến thăm một gia đình da màu ở Wilmington thuộc bang Delaware hôm nay. Ông ấy cũng nói đại ý là ông ủng hộ các cuộc biểu tình phản kháng lại sự tàn bạo. Ông cho đó là đúng đắn và nhắn nhủ mọi người giữ an toàn và chăm sóc lẫn nhau.

Anh nghĩ thế nào? Còn em nghĩ cái khó của nước Mỹ là vậy. Sự chia rẽ và phân hoá sâu sắc trong lưỡng đảng luôn như những giọt dầu thêm vào lửa mỗi khi nước Mỹ có những bất trắc, xung đột xẩy ra.

Và điểm lại những thành phố hay các bang đang xảy ra đụng độ, cướp phá núp dưới danh nghĩa biểu tình đòi công lý của dân da màu lúc này thì hầu hết các Thị trưởng hay Thống đốc ở đó là của Đảng Dân chủ. Vì tầng lớp da màu họ nghĩ rằng Đảng Dân chủ là chỗ dựa tinh thần của họ trong các cuộc đấu tranh đòi bình đẳng và phân biệt chủng tộc. Và trong tiến trình lịch sử ấy của Mỹ, họ - tầng lớp da màu - nghiễm nhiên như những đứa con cưng luôn đòi hỏi nhiều ưu đãi phi lý của xã hội.

Bởi vì em biết có những gia đình da màu họ chỉ sống bằng tiền trợ cấp từ chính phủ. Họ có nhiều việc để làm, có sức khỏe và độ tuổi đi làm nhưng họ không thích hoặc không muốn làm. Đó là một vấn nạn xã hội của Mỹ trong một bộ phận da màu.

Cho nên, những cái chết như kiểu Floyd chỉ là cái cớ cho những căn bệnh kinh niên, truyền nhiễm mang tính di truyền trong bộ phận da màu ở Mỹ tái phát. Đó chính là căn bệnh trầm kha, thâm căn cố đế... khó chữa trị vì nó được bảo vệ bởi Hiến pháp Mỹ về quyền con người được biểu tình ôn hòa. Tuy nhiên quyền tự do, dân chủ ấy bị kẻ xấu lợi dụng dưới nhiều mục đích khác nhau đã biến thành biểu tình bạo lực, cực đoan.

Đại dịch Covid-19 chưa qua, nước Mỹ lại thêm một chấn thương nữa. Tổng thống Trump gồng mình chống đỡ những phản ứng nhiều chiều trong nước cũng như quốc tế nhằm khôi phục lại hình ảnh của mình trong mắt cử tri và hình ảnh Hoa Kỳ trong con mắt thế giới. Tuy nhiên đúng như câu nói người xưa: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên!", có phải vậy không anh?

Ly Vo Thi (Từ Hoa Kỳ)