Báo Canada ca ngợi Việt Nam là chuẩn mực trong cuộc chiến COVID-19

Tranh tuyên truyền về COVID-19 được đặt ở các điểm nút giao thông của Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN 

Tờ Globe and Mail của Canada ngày 27/5 đăng bài đánh giá “thành tích của Việt Nam trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 là đặc biệt nổi bật, có thể nói là độc nhất vô nhị” và gọi đây là “chuẩn mực trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19".

Theo bài viết, Việt Nam đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ cuối tháng 4/2020. Bệnh nhân số 91, một công dân Anh, 43 tuổi, phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines, hiện đang được hỗ trợ sự sống tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh và việc cứu bệnh nhân 91 đã trở thành ưu tiên của Việt Nam. Tình trạng của bệnh nhân này từng xấu đến mức đã có thời điểm chỉ còn khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động.

Bài viết nhấn mạnh thành công của Việt Nam không phải ngẫu nhiên. Việc có chung đường biên giới dài 1.450km với Trung Quốc và thường xuyên đón du khách từ Vũ Hán khiến Việt Nam có thể đối diện tình trạng "quá tải" các ca nhiễm.

Tuy nhiên, Việt Nam đã hành động nhanh chóng và không chờ đến những cảnh báo chính thức từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước khi đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động kinh tế và tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, áp dụng các biện pháp truy dấu tiếp xúc và cách ly.

Giáo sư về bệnh truyền nhiễm Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam, nhận định: “Việt Nam hành động mau lẹ vì đã nhận thức rõ các mối nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm chưa được kiểm soát. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã phải chống chọi với sự bùng phát của dịch SARS, cúm gia cầm, sởi, sốt xuất huyết và dịch tay-chân-miệng. Người Việt Nam ý thức rõ về mối de dọa của các bệnh truyền nhiễm và biết rằng cần phải xử lý sớm dịch bệnh. Việt Nam đã chuẩn bị tốt”.

Một báo cáo về cách ứng phó của Việt Nam với đại dịch COVID-19, do Giáo sư Thwaites cùng khoảng 20 bác sỹ và nhà khoa học soạn thảo, đã kết luận rằng lệnh giãn cách xã hội được ban hành sớm, cộng với xét nghiệm trên diện rộng, truy dấu tiếp xúc và cách ly bắt buộc đối với người đã tiếp xúc với người nhiễm virus SARS-CoV-2 là những yếu tố giúp làm nên thành công của Việt Nam.

Biện pháp truy dấu tiếp xúc và cách ly đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh gần một nửa số ca nhiễm COVID-19 không có triệu chứng bệnh.

Tính đến đầu tháng 5/2020, hơn 200.000 người đã được cách ly trong các doanh trại, các khách sạn hay tại nhà.

Giáo sư Thwaites cho biết nỗ lực truy dấu dịch bệnh của Việt Nam không phụ thuộc vào công nghệ tinh vi, mà theo cách “cổ” của dịch tễ học. Phần lớn các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 của Việt Nam là người nhập cảnh, trong đó có cả các công dân Việt Nam.

Giáo sư Thwaites cũng bày tỏ tin tưởng về độ chính xác của những thống kê số ca nhiễm thấp và không có trường hợp tử vong do COVID-19 tại Việt Nam, khi ông được tiếp cận với số liệu chính thức và qua chuyến thăm các bệnh viện./.

(Theo TTXVN)