Lá thư thứ hai từ New York trong đại dịch Covid-19

Anh ạ,

Hôm nay là tròn một tháng Tổng thống Trump ra lệnh khẩn cấp quốc gia (13/3 - 13/4). Một tháng trôi qua với bao tang thương và đau buồn trong lòng nước Mỹ.

 Ông Thống đốc bang Andrew Cuomo ngồi bên bảng thống kê điện tử số người mất từ 6-11/4

Anh có nhìn thấy hình ảnh ông Thống đốc bang New York - Andrew Cuomo ngồi bên cạnh bảng thống kê số người qua đời do Covid-19 từ 6-11/4 không anh? Những con số lạnh lùng ấy chứa đựng bao nỗi đau thương, tang tóc mà nói như ông Cuomo là: "Các ngày ấy số mất ổn định ở mức khủng khiếp! Là những con số đáng kinh ngạc miêu tả sự mất mát và đau đớn đáng kinh ngạc". Ông Cuomo nói, bây giờ New York City như "lò sát sinh", cứ mỗi ngày đều đều ở mức trên 700 người qua đời. Vẫn nói như ông Cuomo: "Thật không có điều gì để nói".

Dịch bệnh vẫn hoành hành. Nhà Trắng thì mỗi ngày Tổng thống Trump vẫn họp báo đều, và những khẩu ngữ "tốt" hay "tuyệt vời" vẫn luôn được ông sử dụng trong chống dịch, cho dù số người mất vẫn tăng lên. Nhưng việc ông tuyên bố ông có quyền quyết định chấm dứt cách ly xã hội thì đã gây bức xúc cho các giới chức liên bang. Đặc biệt là ông Cuomo - Thống đốc bang New York - thì nói thẳng: "Tổng thống không phải là vua. Đây không phải lúc để nói chuyện chính trị, chia rẽ đảng phái. Bởi vì Covid-19 không trừ ai và không phân biệt đảng phái". Còn ông Tom Wolf - Thống đốc bang Pennsylvania - nói: "Khi chúng tôi có trách nhiệm đóng cửa tiểu bang, tôi nghĩ có lẽ chúng tôi cũng có trách nhiệm chính trong việc mở cửa trở lại".

Hôm nay, khi em đi qua Montgomery, Balacynwid hay nhiều quận khác ở Philadelphia thuộc  bang Pennsylvania mọi thứ vẫn yên lặng, trừ siêu thị.

Thực lòng em nghĩ, tổ chức WHO, chính quyền Nhà Trắng mà Tổng thống Trump là người đại diện hay các giới chức ở Mỹ đều đáng trách vì sự chủ quan, chậm trễ trong đại dịch. Nhưng người dân và ý thức tự bảo vệ cho mình cũng không thể nói là không có lỗi trong dịch bệnh này.

Em đơn cử một việc nhỏ này để anh hiểu. Có cô làm chỗ em, tên là Lisa. Cách đây hơn 2 tuần, em bảo nếu cô muốn làm ở đây thì cô phải đeo khẩu trang. Cô ấy bảo không đeo. Em hỏi sao cô không sợ dịch Covid-19 à? Cô ấy bảo cúm lợn (ý cô ấy bảo đây là chủng virus cúm H1N1- năm 2009) sợ gì? Em bảo Trung Quốc và nhiều nước châu Âu người chết tràn lan rồi vì Covid-19. Mỹ nhiều bang cũng bị rồi. Cô ấy bảo không sợ và không đeo. Em bảo nếu cô không muốn đeo thì sẽ bố trí cô sang bộ phận khác. Nhưng cô ấy bảo nếu bắt đeo khẩu trang thì nghỉ làm luôn. Và hôm sau cô ấy nghỉ luôn.

Vậy đó anh. Có mỗi cái khẩu trang để tự bảo vệ mình nhưng thà bỏ việc chứ không đeo. Văn hoá nhiều khi cũng làm khó cho các giới chức. Chuyện dịch lây lan là khó tránh. Tuy nhiên, hôm nay thì khác nhiều, nhiều lắm rồi anh ạ! Bây giờ hầu như ai cũng đeo. Có hôm, có ông vào siêu thị mặc một bộ đồ bằng ni lông bọc từ đầu xuống chân. Quả thật, nếu cộng đồng ai cũng có ý thức tự bảo vệ cho mình thì các hệ thống quản lý xã hội sẽ tốt hơn.

Anh có hỏi em về Tổng thống Trump lúc này như thế nào? Theo em, thực sự, Tổng thống Trump cùng lúc đối diện với hai áp lực từ đại dịch: Một là con số tử vong và phơi nhiễm, nhập viện vì Covid-19 - mối đe dọa trăm năm có một đối với tính mạng và sinh kế của người dân Mỹ. Và hai là con số ít nhất 16 triệu việc làm bị mất và việc đóng cửa quốc gia trong mấy tuần qua đồng nghĩa với nền kinh tế bị đóng băng.

Còn chính trường Mỹ thì hôm thứ 7 vừa qua, Quốc hội Mỹ lại tiếp tục tranh cãi về cứu trợ tài chính tiếp theo cho Covid-19. Đảng Dân chủ đề xuất bổ sung 250 tỷ USD tiếp gói hơn 2000 tỷ đã thông qua đợt trước để giúp doanh nghiệp nhỏ và tài trợ cho các bệnh viện và chính quyền liên bang. Nhưng hôm nay, hai đảng viên đảng Cộng hoà hàng đầu trong Quốc hội - Chủ tịch Thượng viện Mitch McConnell và Lãnh đạo đảng Cộng hoà tại Hạ viện Kevin McCarthy - đã từ chối yêu cầu này.

Vậy đấy anh ạ! Nói dân dã như dân ta là đồng sàng dị mộng. Còn nói như Hamington, nhà xã hội học của Mỹ, là có hai nước Mỹ trong lòng nước Mỹ. Để thống nhất được một lợi ích chung cho hai đảng đã không dễ thì đến khi nào mới có thể nói được hai đảng cùng nhau thống nhất một ý chí, một hành động chống dịch Covid-19.

Thực ra, em không nghĩ kiểu viết ký sự chiến trường này lại đến với em thời khắc này. Em không ngồi viết cho anh dưới mưa bom, bão đạn hay máy bay không kích trong căn hầm giữa những trận địa. Em vẫn ngồi trong phòng, máy điều hoà vẫn chạy êm ru, phả hơi ấm đều đều cho căn phòng yên tĩnh. Phía ngoài cửa sổ, cỏ non xanh mướt, các loại hoa đua nhau nở khi tiết trời vào xuân. Chim hót ríu rít và đám sóc cũng đùa giỡn nhau trong ánh nắng vàng óng ả. Hôm nay đã gần giữa tháng 4 rồi, nhiệt kế trong phòng chỉ ngoài trời 50 độ F tức là 10 độ C. Cuộc chiến như vậy đấy anh! Cảnh thanh bình nhưng chết chóc vẫn âm thầm, lặng lẽ xâm chiếm tất cả các bang của Mỹ, nó diễn ra mỗi ngày, mỗi giờ... Cuộc chiến thực sự khó khăn với nước Mỹ khi không chuẩn bị gì để ứng phó với đại dịch. Mà cuộc chiến này, nói như bác sĩ Anthony Fauci, "như thể thế chiến thứ 3. Nhưng nó là cuộc chiến trong sương mù. Bởi một lẽ đây là cuộc chiến với kẻ thù không nhìn thấy".

Nhưng cái khó hơn nữa là thiếu sự đồng lòng, thiếu nhất quán trong hệ thống chính trị và ý chí của người dân Mỹ. Bà Clinton nói rằng: "Ông Trump có 70 ngày chuẩn bị cho đại dịch mà để hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh và hàng vạn người chết, thì tháng 11 tới các bạn nên tìm người khác". Sau đó, khi ông Trump bảo mọi thứ đang tốt lên, thì bà Clinton lại mỉa mai chua chát rằng: "Mọi thứ tốt cho Trump và cộng sự của ông ấy. Phần còn lại là của chúng tôi".

Hy vọng rằng sau đại dịch này, các nhà hoạch định chính sách nước Mỹ này sẽ phải nghiêm túc suy nghĩ một cách trung thực về những chậm trễ trong ứng phó đại dịch hoặc các thảm họa khác, thay vì đổ lỗi và trốn tránh trách nhiệm với tính mạng của người dân. Có thể từ đó nhận ra những sai lầm của thể chế hay của các giới chức để hầu mong xây dựng một phương pháp tư duy mới tiến bộ hơn. Nếu không, nước Mỹ với mệnh danh cường quốc cũng sẽ còn là "đại quốc" bị thảm họa khốc liệt hơn trong tương lai không xa khi thế giới công nghệ và khí hậu trái đất đang biến đổi khôn lường. Anh có nghĩ như em không anh?

Hà An (Hoa Kỳ)