Kiệt tác


 Ảnh minh họa

Nàng đến Vạn Lý vào cuối mùa hè, biển bắt đầu ngả sang màu xám bạc. Sóng chậm rãi đổ từng cơn vào bờ cát ngổn ngang túi ni lông và chai nhựa rỗng, gió mang vị tanh tanh mằn mặn luồn theo những mái lá ngả nghiêng nép dưới bóng hàng dương.

Dừng chân nơi quán nước xoàng xĩnh với cái chòi lá có kê vài chiếc ghế bố dài phía trước, nàng gọi một quả dừa tươi. Chị chủ quán bối rối vì chỗ này chỉ có mấy thứ nước uống đóng chai loại rẻ tiền. Thong thả tháo giày duỗi chân lên ghế, nàng khẽ nhíu mày liếc qua loạt nhãn hiệu vàng vàng đỏ đỏ bày trước quầy, nhón tay vào ví kẹp một tờ tiền xanh:

- Qua bên kia mua hộ, đây là cả tiền công luôn.

Chị chủ quán tần ngần nhìn xuống chiếc chân giả vừa mới lắp còn tê tái ở khớp nối rồi nhìn ra đứa con sáu tuổi đang chơi với chiếc xe cần cẩu sứt bánh chỗ gốc cây. Chân chị quá đau còn thằng Tép lại quá bé để có thể bê về một quả dừa từ cửa hàng bên con đường lớn, nơi cách cái quán nhỏ nằm loi thoi cuối bãi của chị chừng vài trăm mét. Nhận ra vẻ băn khoăn của chị, nàng rút thêm một tờ tiền xanh nữa:

- Nhanh lên, chọn quả lớn một chút.

Thoáng ngập ngừng biến mất, chị khập khiễng lê bước.

Nàng thấy ngạc nhiên vì đạt được mục đích ban đầu khá nhanh. Nhớ có lần ở Vạn Hải nàng phải rút đến tờ tiền thứ tư mới bảo được một con bé thả đứa em đang cõng trên lưng xuống vệ đường để bò vào đầm hái bông hoa súng. Khi nó quay trở lại, nàng đã đưa sẵn máy ảnh lên để chớp lấy khoảnh khắc hoảng hốt của nó khi không thấy em đâu. Lần đó đứa trẻ ba tuổi ngã vào bùn suýt chết.

Tất nhiên nàng chẳng cần hoa, cũng như lần này nàng chẳng cần uống nước dừa.

- Này chị - Đợi người đàn bà tập tễnh được chừng hai chục bước qua hàng rào gai, nàng gọi với theo - Dừng lại tôi bảo.

Câu tiếp theo nàng định nói sẽ là thôi khỏi cần nữa, bán cho tôi chai nước dùng tạm. Thế rồi người đàn bà sẽ lộ ra vẻ mặt thẫn thờ tiếc nuối trả lại hai tờ tiền xanh để nàng chớp vào máy ảnh đã căn chỉnh sẵn góc. Đã rất nhiều lần nàng chơi trò này và lần nào cũng thành công. Nhưng bỗng nhiên từ bên kia bụi xương rồng, một người đàn ông nãy giờ cặm cụi gỡ lưới chợt đứng vụt dậy ngay trước mặt chị hàng nước:

- Hân đau chân cứ ở nhà với cháu, để đó tôi đi mua hộ.

Nhanh đến nỗi nàng chưa kịp phản ứng gì, người đàn ông đã quay về trong phút chốc với quả dừa chặt vát gọn gàng cắm sẵn ống hút trên tay. Đặt số tiền thừa còn lại vào cái hộp sắt tây lẫn lộn mấy đồng lẻ quăn queo, anh ta nhướng một bên hàng chân mày rậm hướng về nàng với nụ cười nửa như giễu cợt:

- Lúc nãy cô đã bảo đây là tiền công.

Nàng rút chiếc vòi nhựa sọc xanh thả xuống cát với vẻ hờ hững rồi lấy chiếc ống hút tre trong chiếc túi nhỏ xinh ra cắm vào quả dừa. Cũng như bạn bè thành phố, nàng thể hiện xu hướng từ bỏ dùng đồ nhựa ở những nơi có nhiều người nhìn thấy. Không để ý đến thái độ của nàng, người đàn ông cúi xuống nhặt chiếc ống hút cùng mấy vỏ kẹo cao su bừa bãi xung quanh bỏ vào sọt rác sau đó thong thả bước ra cuộn tấm lưới.

Phía ngoài xa, biển bừng lên lấp lánh. Nàng định nâng máy ảnh lên thu vào ống kính vóc dáng cao lớn của anh ta in trong bóng chiều tà nhưng rồi nhíu mày bỏ xuống vì bị chói. 

*

*             *

Mọi thứ đã khác đi rất nhiều kể từ khi cha đi chuyến biển đầu tiên, chỉ có ra khơi thật xa mới nhận ra biển vẫn là biển của những ngày xưa cũ. Cha từng nói với Thuần như thế khi hai cha con đẩy chiếc thuyền trượt dần trên bờ cát. Năm đó Thuần lên mười tuổi và những khu nghỉ dưỡng bắt đầu chạm chân đến làng chài Vạn Lý. Đường ra biển trở nên chật hẹp bởi những quãng rào bằng dây thép gai, du khách cau mày xua lũ trẻ cởi trần đánh bóng tránh xa khỏi tầm nhìn, đám con gái trong làng thôi nướng cá mà vào làm trong các quán bar ánh đèn nhấp nháy. Những chuyến biển của cha ngày một xa, dường như chỉ ở giữa mênh mông sóng nước cõi lòng người đánh cá mới thoát khỏi nỗi muộn phiền nặng trĩu.

Biển giữ cha lại trong chuyến cuối cùng. Mẹ đội vành khăn tang trắng trên đầu xuôi về ghềnh đá. Biết đâu như thế lại đỡ đau lòng hơn, Thuần nghĩ vậy khi chậm chậm đẩy chiếc cào nghêu sục vào bãi Cạn, nghe cát lún mềm nẩy lên nhoi nhói dưới tay, rác nhiều hơn nghêu, khách đứng xem nhiều hơn người đánh bắt.

- Bao nhiêu mớ này? - Nàng cất tiếng hỏi khi Thuần đang lúi húi thu dọn đồ nghề. Thuần ngẩng đầu lên, nhận ra cô gái ở quán của Hân hôm qua bởi cái nhìn hờ hững.

- Một trăm tám mươi nghìn - Anh nói sau khi dùng tay nhấc nhấc mớ nghêu để ướm thử cân nặng.

Nàng đưa ra tờ hai trăm, ra hiệu không cần thối lại rồi cứ thế mang mớ nghêu từ từ rắc xuống bãi cát, thêm một vài nhánh rều, chiếc chai nhựa rỗng méo mó nằm nghiêng, đôi dép nhựa sứt quai bị sóng đánh dạt vào, tất cả tạo nên một bố cục thật hoàn hảo. Nàng khom lưng bấm máy.

Một đợt sóng đột ngột tràn lên xô lệch bối cảnh của nàng. Hạ máy ảnh xuống nhổ một bãi nước bọt trúng vào đầu con sóng, nàng cáu kỉnh:

- Thật tệ hết sức.

Thuần bình thản thu dọn đồ nghề quẩy lên vai thẳng bước về cuối cồn cát. Sóng uốn từng lưỡi mềm theo bước chân cùng với tiếng rì rầm nhè nhẹ. Sóng nhẫn nại vô cùng. Biển còn biết chịu đựng nhiều hơn thế. Anh nghĩ về điều đó với một chút cay đắng. Làng chài Vạn Lý chỉ còn khoảng hơn chục nóc nhà co cụm về bãi Mồ Côi, trong khi chờ giải tỏa họ sống dựa vào những đồng tiền từ khách du lịch, đưa khách đi câu mực đêm, lặn xuống rạn đá mò tôm hay biểu diễn đi cà kheo cào nghêu cho người ta chụp ảnh. Thuần vẫn ước một ngày nào đó sẽ có một con tàu lớn để đi thật xa ra khơi, biển nơi đó mới là biển của những ngày xưa cũ.

Ngang qua trảng cỏ lông chông, Thuần nhíu mày thấy Hân đang khó nhọc kéo mấy khúc phi lao khô về làm củi. Bãi phi lao bị chặt để chuẩn bị xây một sân gôn bờ biển, chính tại nơi này chị đã để lại chân trái trong một vụ tai nạn lao động khi đi phụ hồ kiếm thêm tiền nuôi con. Thuần lẳng lặng bước đến bên, xốc mớ củi lên cùng với đám dụng cụ cào nghêu lỉnh kỉnh rồi sải bước đi. Người đàn bà bối rối một lát rồi lúp xúp theo sau. Khi chị về đến nơi thì Thuần đã xếp mớ củi gọn gàng vào bên hông căn nhà lá.

- Phiền anh nhiều quá rồi, tôi tự thu xếp được - Người đàn bà ngần ngại - Hôm qua anh làm tôi áy náy quá.

Thuần trầm giọng xuống:

- Đừng bận tâm. Coi như của biển cho, Hân cầm thêm mà sắm cho cháu bộ quần áo - Thuần đưa cho chị tờ hai trăm còn ướt rượt, quay sang xoa mái tóc khét nắng của thằng bé Tép lũn cũn bên cạnh - Chiều chú đưa Tép ra bãi Cạn chơi nhé. 

*

*             *

Điện thoại đổ chuông đánh thức nàng dậy lúc tám giờ kém mười lăm, nắng và gió xộc thẳng vào phòng qua cánh cửa sổ mở rộng khiến nàng cay mắt. Ngoài xa kia sóng vẫn đổ từng cơn trầm trầm vào kè đá, nàng thấy mình đang ở một chốn mông lung nào đó giữa những cơn mơ, biển của kí ức và cuộc gọi đứt đoạn rã rời.

Nàng sẽ xuất bản cuốn sách ảnh đầu tiên vào cuối mùa thu, tập hợp chín mươi chín khoảnh khắc biểu cảm khác nhau của những người nàng gặp trên nẻo đường rong ruổi. Một nửa trong số đó nàng chụp được hoàn toàn tự nhiên, nửa còn lại buộc phải dàn dựng sắp xếp để tạo ra một tình huống nào đó khiến nhân vật bộc lộ hết xúc cảm của mình. Đêm qua nàng thức trắng để xem lại những bức ảnh đã hoàn chỉnh. Bắt đầu từ bức đầu tiên là gương mặt của mẹ hôm nàng bảo con sẽ bỏ nhà đi.

Đó là một ngày mưa, lớp học tiếng Nhật nghỉ sớm, nàng về nhà và vào thẳng phòng ngủ của mẹ để tìm máy sấy tóc hong ống kính bị ẩm. Nàng thấy mẹ đang nằm trên giường trong vòng tay một người đàn ông lạ với vẻ mặt vô cùng hạnh phúc.

Nàng sửng sốt.

Máy ảnh của nàng còn lưu lại gương mặt rạng ngời yêu thương của mẹ trong bữa cơm gia đình sáng nay. Sau đó mấy tiếng đồng hồ là gương mặt ướt đầm nước mắt khi bịn rịn tiễn bố lên chuyến tàu hàng vượt Thái Bình Dương trong trang phục thủy thủ.

Rút cục thì mẹ có bao nhiêu gương mặt? Xung quanh nàng, mỗi người mang bao nhiêu gương mặt?

Tự nhiên và sắp đặt, cuối cùng thì thứ nào đẹp đẽ hơn?

Nàng lang thang dọc bờ biển. File ảnh đầy lên bởi những người nàng gặp. Mỏi mệt. Giận dữ. Hài lòng. Thảng thốt. Mừng rỡ. Đau đớn. Thất vọng. Đủ mọi cung bậc hỉ nộ ái ố của đời người. Thế nhưng nàng vẫn mãi chưa tìm ra bức nào đủ nặng. Hình như hầu hết đám đông đã chọn sống một cuộc đời buồn tẻ đến nỗi những nếp nhàu trên mặt cũng bị nhào nặn thành ra chẳng khác gì nhau. Mùa hè năm nay một người bạn gợi ý nàng hãy đến làng chài Vạn Lý, biết đâu ghi lại được vài hình ảnh ấn tượng cuối cùng trước khi tất cả phải dời đi. Ban đầu nàng định chọn người đàn bà cụt chân bán tạp hóa làm nhân vật chính. Nghe nói trước đây chị ta đẹp nhất vùng bãi này và ngay cả bây giờ vẫn còn rất đẹp. Vẻ đẹp sầu muộn của người đàn bà nghèo khó tật nguyền tạo cho nàng ấn tượng như hôm ở Istanbul nhìn thấy một con ngựa Akhal - teke kéo chiếc xe chở khách trên phố. Lúc đó nàng nghĩ sao gã xà ích có thể vung roi lên bộ lông ánh kim rực rỡ ấy mà không thấy những tia lửa lấp lánh phát ra.

Thế rồi sau đó Thuần đột ngột xuất hiện. Nàng bị thu hút bởi cái cách anh ta hiện diện giữa làng chài như một kẻ sợ bị tổn thương nên buộc phải gồng mình chống đỡ những mũi tên vô hình từ mọi phía.

- Anh đồng ý để tôi chụp một vài bức hình in sách được chứ? - Nàng thẳng thắn đề nghị cả chi phí.

- Nếu cô có thể làm thế - Thuần gật đầu trong khi vẫn tiếp tục rũ lưới.

Vạn Lý giữ chân nàng suốt mấy tuần lễ, loanh quanh dọc theo bãi Cạn, ghềnh đá Mồ Côi, doi cát Lở, loanh quanh bên những dấu chân hằn lên rồi bị xóa trên bờ. Bộ nhớ máy đầy lên hàng trăm tấm nàng chụp mọi khoảnh khắc của Thuần, nhưng giống như cuộc chiến âm thầm dai dẳng, anh luôn đông cứng biểu cảm trên gương mặt mỗi khi nàng cố tình dàn dựng một trò chơi tình huống. Nàng kiên trì kéo dài thỏa thuận. Trên thảo nguyên hay trong lòng biển, những kẻ săn mồi không bao giờ bám theo con mồi còn khỏe mạnh, chúng rình rập con non lạc mẹ hay kẻ đã bị thương.

Nàng nhớ một lần ngồi cùng anh và Tép trên chiếc thuyền vòng qua ghềnh Mồ Côi chụp mặt trời mọc, tranh thủ khi có một con sóng đột ngột xoáy lên nàng cố tình đẩy Tép chới với. Thuần nhanh chóng đỡ thằng bé bằng cánh tay vững chãi. Cũng rất nhanh như thế anh nhìn thẳng vào nàng khi ấy đang chật vật ngồi vững lại, ánh mắt lạnh buốt trong khi nét mặt không biểu lộ một chút cảm xúc nào. Cái nhìn thấu suốt đó ám ảnh tâm trí nàng như rọi vào phim âm bản. 

*

*             *

- Sao chúng ta lại phải đi hả chú?

Bé Tép hỏi khi hai chú cháu dắt tay nhau bước theo ghềnh đá, không kịp nhìn phía chân trời vầng dương đỏ ối từ từ nhô lên khỏi mặt biển rực màu như lửa. Sáng nay Thuần dẫn Tép ra đây định ngắm bình minh nhưng một vài khách du lịch nhíu mày khó chịu khi thấy bóng người lọt vào ống kính nên bảo anh cùng đứa bé tránh ra xa chút. Thuần đành rời đi chỗ khác, mãi không tìm ra câu trả lời nào để Tép khỏi cảm thấy tổn thương. Cuối cùng anh nói:

- Chắc họ nghĩ biển là của họ.

- Họ thật ngốc.

Tép hồn nhiên nói vậy rồi nhoẻn cười. Vẻ mặt của nó khiến lòng anh bớt nặng nề hơn. Thằng bé chưa hiểu rằng những người có tiền luôn nghĩ họ có thể sở hữu mọi thứ.

Sớm muộn rồi cũng phải rời đi thôi, Thuần ngày càng thấy rõ anh chẳng thể nhẫn nại hơn được nữa. Một người bạn cũ của cha đã gọi điện cho anh mấy lần, con tàu vỏ thép của ông sắp sửa hạ thủy và ông muốn có Thuần cùng những chàng trai làng Vạn Lý khác trong chuyến hành trình đầu tiên ra đến tận Trường Sa. Khi còn sống cha Thuần đã luôn ước có một chuyến đi như vậy.

Thuần cũng muốn đi, Vạn Lý chẳng còn lại gì khi người ta dần bỏ nghề đi biển. Nhưng anh đi rồi mẹ con Hân sẽ ra sao? Căn nhà lá vắng bóng đàn ông có trụ lại được qua mùa mưa bão? Ai sẽ chỉ cho Tép cách nhận biết từng luồng cá chạy, cách nhìn ráng đổ đoán biển động hay yên? Nhiều lần ngập ngừng nhìn Hân qua hàng rào gai, anh khẽ nói: Hay là mẹ con em đi với tôi đi. Người phụ nữ cúi xuống khúc chân tật nguyền của mình, giấu một nụ cười cay đắng: Em ở đây chờ anh ấy về.

Người chồng mà Hân nhắc đến tất nhiên sẽ chẳng bao giờ quay về lần nữa. Chị chỉ bấu vào cái lí do mong manh đó để từ chối trở thành gánh nặng cho Thuần. Hai người lớn lên bên nhau từ thuở nhỏ, Thuần chưa kịp ngỏ lời yêu thì Hân đã được mẹ hứa gả cho người bỏ mối nước đá vẫn thường chạy xe dọc làng chở theo những thùng xốp cao ngất. “Đừng lấy chồng làm nghề biển, đợi chờ nơm nớp suốt cả một đời khổ lắm con ơi”, mẹ chị vừa lấy chéo áo lau nước mắt vừa nói vậy. Ngày dạm ngõ chị, Thuần đang ở ngoài khơi, khi anh trở về hai cọng dừa lẻ loi định kết chữ “Vu quy” đã khô đi dưới nắng.

Cũng dưới hơi nắng ngột thở đó, người chồng chưa cưới của Hân ngã vào vòng tay bà chủ tiệm spa kế bên khu nghỉ dưỡng, để lại trong cô cái bụng bầu lớn dần lên không thừa nhận. Rồi các dự án du lịch quy mô lớn ngày càng nhiều lên, làng chài dần bị đẩy dạt về cuối bãi, Hân lạc mất anh ta giữa ồn ào chộn rộn, đành học cách giấu nỗi buồn bằng vẻ ngoài thinh lặng như không.

Bên kia hàng rào gai, gió thổi khô ánh nhìn người đàn ông chiều chiều gỡ lưới. 

*

*             *

Nắng nhạt màu dần khi trời chuyển về thu, con sóng đổ vào bờ cũng trở nên lười biếng. Mẹ đã từ bỏ việc gọi điện cho nàng sau bảy trăm sáu mươi chín cuộc không được bắt máy. Bố vẫn ở bên kia bờ Thái Bình Dương, một vài tin nhắn ngắn ngủi kể về hải cảng nào đó có những người da màu hát về quê hương xa xôi và tăm tối. Nàng lờ mờ đoán rằng bố đã biết tất cả mọi chuyện từ trước, nụ cười thường tắt trên môi ông rất nhanh sau khi cảnh đoàn viên được chụp xong, nhưng nàng quá mải mê chỉnh sửa ảnh nên không kịp nhận ra.

- Một ngày nào đó con sẽ nổi tiếng vì những bức ảnh hoàn hảo do mình chụp - Nàng hào hứng nói.

- Những thứ hoàn hảo quá thường ẩn chứa nhiều bất hạnh - Bố nàng trầm ngâm - Kenvin Carter đã tự sát chỉ ba tháng sau khi nhận giải Pulitzer và bố cá là phút cuối đời anh ta đã ước mình chưa bao giờ chụp bức Kền kền chờ đợi.

Mẹ nàng bận rộn rắc hạt tiêu lên món hàu nướng bơ trong khi hai bố con tranh cãi về việc tay phóng viên người Mỹ đó nên tập trung lựa góc máy để chụp bức ảnh một con kền kền rình chờ rỉa thịt đứa bé Sudan sắp chết đói hay vội vàng chạy tới đuổi con chim đi. Kenvin đã chọn cách thứ nhất và bức ảnh đăng trên tờ New York Times khi đó đã làm cả thế giới kinh hoàng.

- Nghệ thuật nhiều khi rất tàn nhẫn - Bố nàng nói thế để kết thúc cuộc tranh luận, còn mẹ nàng thở phào nhẹ nhõm vì bộ móng tay mới làm ở tiệm nail đắt tiền nhất thành phố không đến nỗi bất tiện lắm khi ăn hải sản.

Cuộc trò chuyện mới chỉ diễn ra hồi đầu năm nhưng nàng tưởng như đã cách đây hàng thập kỉ. Nàng mệt mỏi thấy mình bị mắc kẹt quá lâu nơi Vạn Lý, những chiếc thuyền phơi mình nứt nẻ, món mực ống trắng nhợt như ma và cuốn sách ảnh không biết bao giờ mới hoàn thành được. Nỗi chán chường dần trở thành cáu kỉnh, nàng lang thang dọc bờ biển, sục bàn chân trần vào cát, giẫm chết lũ còng rồi đá văng chai nước bỏ không lăn lục cục theo sóng.

Bất chợt nhận ra thằng bé Tép đang chăm chú nhìn mình, một ý nghĩ lóe lên trong đầu, nàng vẫy nó lại gần rồi bảo:

- Này nhóc, lại đây cô cho cháu xem này.

Nàng mở phần lưu ảnh ra và ngay lập tức thằng bé bị thu hút, nó tròn xoe mắt ngạc nhiên khi thấy hai mẹ con nó đẹp tuyệt dưới góc máy của nàng.

- Cháu thấy có đẹp không? - Nàng thân thiện hỏi.

Thằng bé gật gật đầu. Nàng ân cần bảo tiếp:

- Cháu có biết bức ảnh này thiếu cái gì không?

Thằng bé ngơ ngác lắc đầu. Nàng thấp giọng xuống đầy thương cảm:

- Thiếu mất một người bố, Tép ạ. Cháu thấy đấy, ở xóm chài này bạn nào cũng có bố cả, nhưng riêng cháu thì không. Cô biết như thế khổ lắm! Mai mốt đi học cháu sẽ bị các bạn trêu chọc vì chuyện đó. Bọn chúng sẽ ném đá vào cháu và nói cháu là đồ con hoang. Đồ con hoang - Nàng cố tình nhấn chậm từng chữ - Cháu hiểu không?

Đôi mắt mở to của thằng bé bắt đầu chớp chớp liên tục, hai làn môi nó run run rồi dần trở nên mếu máo:

- Mẹ cháu nói bố đang đi biển chưa về.

- Cháu có muốn bố về không? - Nàng tiếp tục ngọt ngào - Dễ lắm luôn! Chỉ cần lúc xế chiều cháu ra cồn đá Mồ Côi nhặt mười cái vỏ ốc xà cừ rồi hướng ra biển đọc điều ước là sẽ thành hiện thực. Ngày xưa cô đã làm thế nên cô gọi được bố về đấy. Đây này, để cô cho cháu xem ảnh gia đình cô nhé!

Thằng bé tần ngần trước bức ảnh nàng vừa mở ra, trong đó có một gia đình 3 người mỉm cười rạng rỡ nắm tay nhau trên bờ cát, xung quanh là mười con ốc biển xếp thành hình trái tim do bố nàng mang về từ một hải cảng xa xôi nào đó. Nàng bỗng thấy đắng đót nơi cuống họng, hình như hôm đó là sinh nhật nàng.

Thản nhiên cắt vào sợi dây neo cuối cùng, nàng ấn nút delete. 

*

*             *

Chiều bỗng đổ ráng mỡ gà ba góc trời vàng rực, biển ầm ì đặc sánh như một chảo dầu sôi. Làng vạn chài thắt lại trong nỗi lo sợ âm thầm, những điềm báo tai ương hiển hiện quá rõ ràng mà mấy chiếc thuyền câu lẻ loi vừa ra khơi chưa thấy quay trở lại.

- Có khi đêm nay biển động - Một người đàn bà vừa vuốt phẳng mấy đồng tiền lẻ để mua mì tôm ở quầy tạp hóa của Hân vừa thốt lên lo lắng - Cầu trời cho bố lũ trẻ biết mà trở về. Nghèo thì cũng đã nghèo rồi, thà lỡ một chuyến biển còn hơn để vợ ở nhà đợi héo mòn khúc ruột.

Người đàn bà tong tả bước đi, Hân ứa nước mắt nghĩ đời mình sao nghèo xác nghèo xơ đến nỗi không có được một người chồng để đợi. Gã đàn ông bội bạc của chị chắc giờ đang yên ổn ở một nơi rực rỡ ánh đèn, cả đời nước biển chẳng bao giờ chạm đến ngón chân xỏ trong giày da bóng lộn. Chỉ có Thuần vẫn lênh đênh đâu đó giữa những con sóng bất trắc xa kia. Hân bỗng thấy lòng dội lên một nỗi lo âu vô cớ.

Trong lúc chị chìm trong suy tưởng, bé Tép chầm chậm rời khỏi nhà hướng về cồn đá Mồ Côi, nơi bé biết có những chiếc vỏ ốc xà cừ lấp lánh gọi được người bố từ ngoài biển. Đang lang thang trên bãi cát, nàng phát hiện ra hành động của thằng bé nên lặng lẽ bám sát theo sau. Lúc này triều thấp, những tảng đá lô nhô sắc nhọn nổi lên tạo thành một vệt đường dẫn ra tận cồn, thằng bé lần theo gờ đá trơn trượt mà bước về phía ráng chiều như bị mê hoặc. Tim nàng thắt lại trong cảm giác hân hoan tội lỗi. 

*

*             *

Khi bé Tép đến được đầu kia của cồn đá thì nàng cũng đã lựa được một góc máy tuyệt đẹp từ phía thấp hơn bên này, cả người quỳ xuống vững vàng trụ vào giữa hai vách hẹp. Nàng nín thở hướng ống kính chếch lên bắt sáng. Dưới bầu trời đỏ rực, biển bừng cháy trong hoàng hôn, mỏm đá nhô lên chơ vơ với một chấm người bé nhỏ tạo nên tổng thể hoàn hảo từng đường nét.

Thằng bé cúi xuống mải miết tìm từng vỏ ốc. Nào đủ chưa nhóc. Đứng lên. Đứng thẳng lên đi. Nàng thì thầm như cầu khẩn. Thủy triều bắt đầu dâng, nước biển ngập qua giày ngấm vào vết rách do đá cắt chân xót buốt nhưng nàng không nhúc nhích. Nàng giữ yên tay máy đã gần như tê cứng mặc cho nước tiếp tục dâng lên cao hơn, bãi đá chìm dần và sóng bủa vây quanh nàng mang theo hơi thở của vực sâu lạnh lẽo.

Đầu bên kia cồn đá, thằng bé vẫn cúi lom khom vì chưa kiếm đủ mười con ốc. Ráng chiều đổi màu, nàng thấy tim mình nghẹt lại. Chỉ một chút nữa, một chút nữa thôi, nàng van vỉ.

Thủy triều lên rất nhanh, thoáng chốc nước ngập ngang thắt lưng cùng tiếng sóng sôi réo thúc vào lồng ngực, nàng cắn môi bật máu, giữ nguyên tư thế đang quỳ lặng phắc như hóa đá. Lúc này hoặc không bao giờ nữa.

Nước tiếp tục dâng.

Phía bên kia bé Tép đột ngột đứng thẳng dậy.

Nhanh như chớp nàng rướn người lên bấm máy.

Đúng lúc đó, một đợt sóng đột ngột ập thẳng vào người, nàng tuột chân rơi thẳng xuống từ mỏm đá. Sau một tích tắc kinh hoàng, nàng vùng vẫy ngoi lên nhưng bị con sóng dữ dằn đè xuống. Nước tràn vào mồm sặc sụa. Nàng hoảng hốt đạp chân vung tay điên cuồng cố ngoi lên lần nữa, há mồm hớp hớp không khí rồi lại bị nhận chìm vào bọt sóng. Lần cuối cùng nhô được đầu lên khỏi mặt biển đang nổi sóng dữ dội, nàng loáng thoáng thấy một chiếc thuyền thúng lấp lóa ánh đèn hướng ra cồn Mồ Côi nơi bé Tép đang đứng. Nàng cuống quýt cố đưa cánh tay rã rời lên vẫy vẫy nhưng một con sóng lại chồm tới nhấn nàng sâu lút vào vực thẳm tối đen.

Sáng hôm sau, dưới ánh bình minh trong trẻo, xác nàng nổi lên bập bềnh bên ghềnh đá. Tay chân nàng duỗi thẳng, tóc xõa ra lẫn với rong rêu, hai mắt mở to nhìn lên bầu trời xanh thẳm, cổ vẫn đeo chiếc máy ảnh có khả năng chống thấm nước. 

*

*             *

Vào dịp nghỉ hè ba năm sau, Thuần dẫn con đến tham quan Bảo tàng Biển quốc gia. Anh chỉ cho Tép xem một bức ảnh được treo tại vị trí trang trọng của Bảo tàng, trong ảnh là khung cảnh bầu trời đỏ rực, biển bừng cháy dưới hoàng hôn lộng lẫy, giữa mỏm đá Mồ Côi, một chấm người bé nhỏ đứng thẳng lên kiêu hãnh hướng ra biển cả. Đó là một kiệt tác.

Trần Thị Tú Ngọc/http://vannghequandoi.com.vn/