Hà Nội: Những "người lính" đầu tiên tiếp cận các ca dương tính

 Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp (Bộ Y tế) thăm hỏi nữ bệnh nhân dương tính với virus corona tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Tính từ đầu dịch đến nay, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, đã có 4 ca mắc COVID-19, trong đó có bệnh nhân số 87 là điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai; 118 người F1 (người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân); 373 người F2 (tiếp xúc với F1) và 344 người F3 (tiếp xúc với F2).

Đến ngày 23/3, số ca F1 đã tăng lên 124 ca, F2 tăng lên 376 ca. Toàn bộ các ca này đã được các cán bộ y tế cơ sở xử lý 100% theo đúng quy định của Bộ Y tế và Sở Y tế.

“Khi nhận được tin báo có 1 ca dương tính virus SARS-CoV-2, chúng tôi phải lên đường ngay lập tức để khoanh vùng ổ dịch sớm nhất. Là những người đầu tiên tiếp xúc với người mắc COVID-19, chúng tôi hỏi họ bị lây như thế nào, gặp ai, đi những đâu..., sau đó gọi cho cấp cứu 115 đưa họ đến bệnh viện và phun khử khuẩn toàn bộ nhà người bệnh và những nhà xung quanh. Sau đó chúng tôi tiếp tục điều tra những người diện F1, F2, F3 ... - Con số những đối tượng nguy cơ cứ thế tăng lên," chị Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng chia sẻ.

Để đảm nhiệm công việc trên mỗi ngày chỉ có 33 cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, gồm 12 người của 2 đội phản ứng nhanh, 18 người của 18 phường và kíp cấp cứu 3 người của Phòng khám Đa khoa quận Hai Bà Trưng. Nhiều người trong số đó cả tháng nay không được về nhà vì họ luôn trong tình trạng sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào.

“Để xử lý những ca dương tính với virus SARS-CoV-2, chúng tôi phải mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít đến khó thở để lấy mẫu xét nghiệm, những bộ đồ đó hiện rất khan hiếm nên chúng tôi phải hết sức tiết kiệm, thậm chí không dám đi vệ sinh, vì đã cởi ra là phải bỏ đi”, chị Vân Anh tâm sự.

Chị Phương Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật-Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cho biết, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, các cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt là đội phản ứng nhanh có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, các nhân viên y tế ở đây đã được tập huấn kỹ càng kiến thức an toàn; trang bị đầy đủ các trang thiết bị phòng hộ để hạn chế tối đa lây nhiễm. Tuy nhiên, khi làm việc liên tục trong môi trường lây nhiễm, lượng virus nhiều khó tránh khỏi xác suất vẫn có cán bộ y tế lây bệnh mặc dù được trang bị đầy đủ trang thiết bị phòng hộ.

Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng là nơi "đầu sóng ngọn gió” được giao nhiệm vụ trực tiếp điều trị, theo dõi sức khỏe cho các bệnh nhân thuộc diện cách ly. Khoa có 14 y bác sỹ, nhân viên đã sàng lọc COVID - 19 cho 67 người.

Với kinh nghiệm chống chọi hàng loạt dịch bệnh từ SARS, MERS, sởi đến H1N1, H5N1 và hiện tại là COVID-19, bác sỹ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới đã chỉ đạo y, bác sĩ trong khoa thực hiện nghiêm túc từ quy trình tiếp đón, sàng lọc bệnh nhân đến xếp buồng phòng thành khu khép kín... vừa chăm sóc điều trị cho bệnh nhân vừa đảm bảo an toàn tối đa cho cán bộ nhân viên y tế. Ngoài ra, cán bộ y tế của khoa còn tư vấn truyền thông cho người cách ly, tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, hòa đồng cùng người cách ly để họ thoải mái về vật chất, tinh thần và có thêm sức khỏe trong thời gian thực hiện việc cách ly theo quy định.

Cảm động trước sự động viên chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ trong Khoa, anh Đ.T.K đang là F1 tâm sự: Khi mới vào cách ly, tôi khá hoang mang, lo lắng sợ bị mắc bệnh và mọi người kỳ thị. Nhưng cảm giác đó nhanh chóng tan biến nhờ sự động viên, chăm sóc tận tình chu đáo của các y, bác sĩ trong Khoa. Thực sự ở trong bệnh viện cách ly, tôi mới biết các y bác sĩ vất vả như nào. Kết thúc quá trình cách ly tôi thực sự cảm ơn các tập thể y bác sĩ nơi đây.
Sự thấu hiểu của những người phải cách ly như anh K cũng như của gia đình là nguồn động viên tiếp thêm sức mạnh để bác sỹ Trần Thị Kim Anh và các đồng nghiệp nỗ lực chiến đấu phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số bệnh nhân thiếu hợp tác, ngại khai báo do sợ thông tin của họ bị lan rộng, họ sợ bị kỳ thị. Hay một số người dân không chịu đi cách ly mặc dù thuộc đối tượng phải cách ly, hoặc đòi đi cách ly dù không thuộc diện phải cách ly tập trung tại bệnh viện...

Có những lúc gồng mình chống dịch, xử lý 1 ca COVID-19 từ đêm đến 4 giờ sáng mới xong nhưng các nhân viên y tế không khỏi chạnh lòng trước thái độ kỳ thị từ ánh mắt, lời nói đến hành động của người dân do sợ lây nhiễm từ cán bộ y tế.

Đường dây nóng liên tục phải nhận và trả lời người dân nhưng nhiều người tra vấn, vặn vẹo và yêu cầu với những lý do không hợp lý, thậm chí dọa nạt cũng khiến nhân viên y tế buồn lòng.

Vượt lên tất cả, những "chiến sỹ áo trắng" lấy cơ quan làm nhà vẫn ngày đêm chống dịch COVID-19. Điều mà chị Nguyễn Thị Vân Anh cũng như các cán bộ y tế cơ sở lo ngại nhất bây giờ là vẫn còn những “lỗ hổng” nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đó là khi chưa thực hiện cách ly toàn bộ khách nhập cảnh tại khu vực sân bay Nội Bài thì những người có nguy cơ dương tính vẫn về cộng đồng, họ sẽ vẫn tiếp xúc và di chuyển gây khó khăn cho việc phát hiện và khoanh vùng ổ dịch. Bên cạnh đó, khách du lịch nước ngoài có lịch trình đi lại nhiều nơi, gặp gỡ, tiếp xúc nhiều người, thời gian lưu trú tại khách sạn ngắn cũng gây khó khăn cho việc quản lý và đảm bảo đủ thời gian cách ly.

“Đây là bệnh dịch mới và lạ, do vậy việc phòng chống và các quy định thực hiện phải cập nhật, thay đổi liên tục cho phù hợp với tình hình thực tế,” chị Vân Anh đề xuất.

“Nếu hỏi chúng tôi có mệt không, có sợ lây không?. Có chứ, chúng tôi cũng mệt và lo lắng cho mình và gia đình mình lắm chứ. Nhưng chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình không làm thì ai làm đây và cứ thế lao vào làm, chẳng có thời gian để sợ nữa. Càng lo lắng thì chúng tôi càng cẩn trọng hơn,” lời tâm sự của chị Vân Anh cũng là nỗi lòng của tất cả những người đang trên tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19.

Không mong muốn gì cho bản thân, điều mà các cán bộ, nhân viên y tế Thủ đô cần ở người dân là mỗi người có trách nhiệm hơn nữa để tự bảo vệ bản thân và cộng đồng, hợp tác với nhân viên y tế, cung cấp thông tin xác thực nhất để giúp phòng chống dịch; không trốn cách ly, đánh tráo cách ly và đưa ra những đòi hỏi không chính đáng.

Thông điệp mà những cán bộ, nhân viên y tế gửi đến người dân lúc này là “Chúng tôi đang chống dịch để bảo vệ các bạn, bảo vệ đất nước. Hãy chung tay với chúng tôi. Hãy để chúng tôi còn nhiệt huyết chăm sóc sức khỏe các bạn”./.

Tuyết Mai / TTXVN/Vietnam+