Làng khế ngọt bên sông Hồng

Bỏ qua sự ồn ào náo nhiệt của đô thị, du khách đến với Bắc Biên thực sự cảm nhận được sự thanh bình, yên ả của làng quê bên sông Hồng. Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy Lê Đăng Lễ cho biết, làng Bắc Biên có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, còn bảo tồn nhiều lễ hội truyền thống, nét đẹp văn hóa và những dấu ấn lịch sử gắn liền với vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Bắc Biên có nguồn gốc từ làng An Xá, một làng ở phía Nam hồ Dâm Đàm (hồ Tây). Nơi đây có đền, chùa thờ Phật, thờ Mẫu phản ánh tục thờ Mẹ Nước (Mẫu Thoải). Ngoài ra có đền Rừng thờ Mẫu Thượng Ngàn (Mẹ Rừng Xanh) và đền Núi chủ về Thượng Thiên (Mẹ Trời) cách đây hàng trăm năm được bảo tồn, gìn giữ đến này nay. Khi nhắc tới Bắc Biên, người dân Thủ đô đều biết tới đây là vùng đất trồng khế ngọt nổi tiếng bên sông Hồng.

Ông Đào Công Minh -  số 26, tổ 9, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên kể, khế ngọt Bắc Biên được trồng từ cách đây trên 60 năm. Do phù sa sông Hồng bồi đắp hàng năm, chất đất phù hợp nên cây khế trồng ở Bắc Biên luôn khỏe mạnh, cho nhiều quả to, vỏ mỏng, khi chín có màu vàng rộm, rất bắt mắt, được người dân và du khách ưa chuộng mua về ăn, lễ chùa, làm quà. Mùa khế bắt đầu từ tháng 6 âm lịch kéo dài đến hết tháng 2 âm lịch sang năm. Mỗi năm cho thu hoạch khoảng 20 đợt quả. Thời điểm có đông du khách đến mua khế là vào ngày rằm, mồng Một, Tết, trung bình mỗi gia đình tiêu thụ trên 50 kg mỗi ngày. Đến đây, khách tự tay hái và thưởng thức trái khế chín vàng, thơm, ngọt lịm và mua về làm quà với giá từ 20.000đ-25.000đ/1kg. Tùy vào từng thời điểm trong năm, du khách có thể chụp ảnh hoa khế và những trái khế cùng từng chùm khế, cành khế sai chĩu quả trên thân cây, cành cây gần sát mặt đất.

Đến nay, khế Bắc Biên không chỉ tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, mà còn vào tận Tp. Hồ Chí Minh hay theo những chuyến bay ra nước ngoài làm quà. Ngoài trồng và bán khế, người dân nơi đây còn biết lập vườn ươm, chiết, ghép để nhân giống bán cho các nơi. Theo ông Lê Đăng Lễ, trước đây hầu hết cả làng Bắc Biên nhà nào cũng đều trồng khế ngọt, nhà ít cũng vài ba chục cây, nhà nhiều có cả vài trăm gốc cây. Không chỉ có vậy cây khế nơi đây còn được nhân giống ra nhiều vùng đất ven sông Hồng ở huyện Gia Lâm và một số địa phương khác. Cuộc sống của người dân nơi đây có nhiều thay đổi từ cây khế. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa và sự tác động kinh tế thị trường, hơn 10 năm trở lại đây diện tích trồng khế của các hộ gia đình bị thu hẹp lại. Hiện có một số ít gia đình giữ giống khế cổ tại vườn và nhân rộng giống khế ở đất bãi sông Hồng. “Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của Thành phố trong việc nghiên cứu, quy hoạch, bảo tồn giống khế ngọt Bắc Biên, khai thác lợi thế của vùng đất ven sông Hồng để phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và phát triển du lịch nông nghiệp, tạo điều kiện để thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm”, ông Lê Đăng Lễ kiến nghị.

Tuấn Hải/ Báo Du lịch