5 cách dạy trẻ sống biết ơn


Một trong những phương pháp dạy trẻ sống biết ơn
là cho trẻ cùng tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn 

Sau đây là một số cách dạy trẻ lòng biết ơn.

1. LÀM GƯƠNG

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là bạn phải làm gương tốt cho các con. ‘Đừng chỉ giảng giải, hãy cho chúng thấy bạn làm’ – Chuyên gia tâm lý Robert Emmons thuộc Đại học California chia sẻ. ‘Có thể các bậc phụ huynh sẽ không thích điều này nhưng bạn sẽ không thể trao tặng cho con thứ mà bản thân bạn không có.’

Làm gương có thể chỉ đơn giản là luôn nói lời cảm ơn con, từ những việc tưởng chừng như ‘đương nhiên’ như dọn đồ chơi hay xếp gọn phòng ngủ, hoặc quan sát cuộc sống để nhận ra những may mắn trong cuộc sống mình đang được hưởng, một cách chủ động và thường xuyên hơn. 

2. HÃY ĐỂ CHO BÉ CÙNG CHUẨN BỊ ĐỒ ĂN

Trong một bài báo gần đây, nhà sáng lập tạp chí The Atlantic, cô Jenn Choi đã chia sẻ những khó khăn trong nỗ lực dạy con về lòng biết ơn – một phẩm chất quan trọng mà cô đã ngộ ra bởi bản thân cô từng lớn lên trong một gia đình thiếu thốn. Một trong những phương pháp của Jenn là cho trẻ cùng tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn.

‘Con tôi rất kén ăn và hay bỏ phí thức ăn. Tôi đã nhờ chuyên gia tư vấn và họ kết luận rằng bọn trẻ đã quá quen với kiểu ăn uống như vậy bởi chúng luôn được chăm sóc, ‘cho ăn’ theo một chiều.’ Ngày nay các bữa ăn thường được phục vụ chiều theo ý thích của các cậu ấm cô chiêu, khác với trước đây khi mọi thành viên trong gia đình cùng tham gia chuẩn bị món ăn và cùng nhau dùng bữa.

Cô Choi đã quyết định nghe theo lời khuyên của chuyên gia và hướng dẫn các con cùng tham gia nấu ăn với cô. Cô mua những món đồ làm bếp an toàn cho trẻ và thậm chí đã giao cho cậu con trai 9 tuổi nhiệm vụ nướng bánh (tất nhiên là dưới sự giám sát của cô). Kết quả thật tuyệt vời. ‘Cậu bé tỏ ra biết ơn hơn nhiều, con thậm chí còn biết rửa bát đĩa sau khi ăn xong.’ 

3. ĐẶT RA NHỮNG QUY ĐỊNH KHI ĐI MUA SẮM

Nếu bạn lo lắng con cái hay vòi vĩnh mỗi khi đi mua sắm, thì việc đặt ra những quy định, kỳ vọng hợp lý là điểm mấu chốt. Melani và chồng – một chuyên gia tâm lý đã chia sẻ kinh nghiệm ‘đạo tạo’ cậu con trai hai tuổi như sau: ‘Trước khi đi mua sắm chúng tôi nói với con rằng: “Hôm nay là ngày chỉ ngắm hàng hóa nhé. Giống như đi bảo tàng vậy. Chúng ta chỉ ngắm nhìn và không mua gì hết.” Và chúng tôi đưa ra nhiều “ngày ngắm” hơn là “ngày mua” để ngay từ đầu, trẻ nhỏ từ bỏ tư tưởng lúc nào đi mua sắm cũng được mua thật nhiều đồ.’

Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều giải pháp khác nhau. Nếu bạn muốn đi mua đồ dùng gia đình và không định mua cho con bất cứ thứ gì, hãy nói trước với chúng ý định của bạn. Và nếu con bạn gào khóc ăn vạ trong cửa hàng thì hãy nhắc lại những gì bạn đã nói với chúng trước đó, ví dụ như “bố mẹ biết rất khó cho con khi đến đây mà không mua được gì, nhưng đây là quy định.” Nói như vậy có thể không giúp con nín ngay nhưng nhiều lần như thế, trẻ nhỏ sẽ nhận được thông điệp rằng không phải cứ đòi là sẽ được.

Thêm nữa, bạn có thể dành cuối tuần để gia đình đi mua sắm, nhưng đừng dành quá nhiều những giây phút đầm ấm gia đình bên trong siêu thị, bởi vì như thế sẽ tạo cho trẻ suy nghĩ rằng mua sắm là cách duy nhất để thư giãn.

4. NUÔI DƯỠNG ĐỜI SỐNG NỘI TÂM CỦA TRẺ 

Làm cách nào để nuôi dưỡng đời sống nội tâm và tinh thần của trẻ? Một gợi ý là hãy thảo luận với con về cảm xúc của các nhân vật trong sách báo, phim ảnh. Bạn cũng có thể nói chuyện với con về cảm xúc của mình, hãy sử dụng nhiều từ ngữ miêu tả sinh động và thể hiện sự hồn nhiên, vô tư nhất với con.

5. DẠY TRẺ BIẾT CHO ĐI VÀ LÀM VIỆC THIỆN

Hãy dạy cho trẻ thói quen làm việc thiện, biết cho đi và giúp đỡ người khác. Hãy cùng trẻ xếp gọn và giữ gìn những món đồ chơi, quần áo cũ để đem cho vào một dịp nào đó. Hãy nói về những điều tốt đẹp mà trẻ nhận được khi chúng biết tích lũy những điều thiện lành trong cả một quá trình, và cho chúng thấy được sự quan tâm của bạn.

 (Theo www.inc.com)