Mướp rắn trộn

Mướp rắn có hai loại. Loại có hình dáng nhỏ hơn thì vỏ ngoài nhiều sọc trắng và xanh rất rõ nét và màu đậm hơn, dài gần một mét, cong queo nhiều hơn, đặc biệt phần chót đuôi thường vểnh lên. Loại còn lại to hơn, dài chừng một mét, phần sọc xanh nhạt, đuôi mướp ít vểnh lên, da lúc nào cũng giống lớp vỏ phấn của dưa leo non.

Mướp rắn trái càng già càng tỏa mùi thơm dìu dịu. Thoạt trông mướp rắn không bắt mắt nhưng là thực phẩm rất hiền. Ưu điểm nổi trội của mướp rắn so với các loại cùng họ mướp khác là giải độc và giải nhiệt, phòng chống thiếu máu, canxi, vitamin, làm đẹp da, chữa được nhiều bệnh như tiểu đường, rụng tóc, giúp sáng mắt tăng sức đề kháng...

Và nhờ vào tài khéo léo của các bà, các chị miệt vườn mà mướp rắn có thể chế biến nhiều món tuy dân dã nhưng rất ngon như xào thịt bò, nấu canh tôm tép. Nhưng muốn thưởng thức trọn vẹn độ giòn và tươi, người ta thường trộn mướp rắn với tôm.

Chỉ cần một trái mướp, vài con tôm đất, một ít rau thơm và đậu phụng rang là có ngay món trộn tuyệt đỉnh! Mướp rắn mới hái vào để nguyên vỏ, chỉ cạo lớp lụa bên ngoài rồi cứ thế mà rửa sạch, cắt lát mỏng hay đoạn vuông tùy sở thích. Sở dĩ không gọt vỏ vì đó là nơi chứa nhiều vitamin nhất trên quả mướp.

Tiếp đến, đun nước sôi, thả mướp vào chỉ chừng hai phút là nhanh chóng vớt ra, lớp vỏ trắng nhẹ giờ chuyển sang màu xanh mướt. Riêng tôm đất xào thấm thía với gia vị. Tỏi, ớt, rau thơm xắt lát mỏng. Cuối cùng, trộn đều mướp, tôm, tỏi, ớt, nước cốt chanh, nước mắm rồi dọn ra đĩa to.

Tiếp đó, ra vườn hái ít rau thơm, vài lá ngò gai vào rửa sạch, rồi trộn vào trong dĩa mướp, đến khi ăn sẽ thơm và nhiều mùi vị quyến rũ hơn. Thêm đậu phụng rang và bánh tráng nướng lên trên trước khi thưởng thức.

Mướp rắn trộn dù bao lần thưởng thức nhưng vẫn cứ thòm thèm. Trên nền chiếc dĩa xinh xinh, từng lát mướp xanh xanh bên cạnh sắc vàng của những con tôm cùng màu xanh rau húng, điểm xuyết thêm vài quả ớt đó, chừng đó thôi cũng đã hấp dẫn rồi. Đến khi đưa đôi đũa gắp mướp đặt vào giữa miếng bánh tráng nướng, kẹp chồng thêm miếng bánh nhỏ, và cứ thế đưa bánh vào miệng. Một bản hòa âm đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, béo và cả âm thanh giòn giòn trên đầu lưỡi. Sao mà ngon, mà đúng chất quê nhà đến thế!

Phan Thị Thanh Ly/ Báo Quảng Nam