Mùi dưa kiệu

 

Nhà tôi ai cũng ghiền món kiệu dầm nước mắm. Mà hồi xưa nghèo khó, đến tết mới được ăn. Món ăn này giản đơn, dân dã nhưng đậm đà hương vị quê nhà. Dưa kiệu ăn với cơm nóng, dưa kiệu ăn với bánh chưng bánh tét… đều ngon cả. Kiệu đem về rửa sạch, lặt hết mấy lá vàng. Trụng sơ phần kiệu ấy vào nước sôi, vớt ra để ráo. Sau đó, có thể cuốn kiệu như búi tóc. Nghe lá kiệu nổ lép bép theo ngón tay thoăn thoắt… Rồi cho tất cả vào hũ thủy tinh, rót nước mắm vào. Nước mắm phải nấu sôi và hòa với đường, giấm tùy theo khẩu vị đậm hay nhạt. Để cho hũ kiệu ngon hơn, mẹ thường xắt thêm ớt chín trộn vào. Màu xanh, trắng, đỏ từ hũ kiệu mới vui mắt, mà ngon và thơm làm sao. Mỗi lần thấy mẹ sai búi kiệu là mỗi lần anh em tôi háo hức nỗi mong tết. Tết được ăn ngon. Tết được mặc áo mới. Tết được đập bùng binh mua dây pháo chuột, tháo ra để dành đốt tạch tạch…

Nhớ thời tôi còn nhỏ, để có được món dưa kiệu ngày tết, mẹ tôi phải lo trồng từ ba, bốn tháng trước. Những luống kiệu, luống nén được ba đắp lên rất vuông vắn. Quanh mỗi luống là hàng rào bằng cây sắn, và buộc thanh ngang là lạt tre. Kiệu thích đất tơi xốp và phát triển cũng khá nhanh. Nếu nén trồng từ nguyên củ thì kiệu lại được trồng từ phần củ và đoạn thân khoảng 7cm đến 10cm, để giống từ mùa trước. Mẹ tôi thường trồng theo từng hàng ngang trên luống đất hình chữ nhật. Đặc biệt, tôi chưa thấy sâu kiệu bao giờ. Có những mùa đông, trời lạnh kéo dài, mẹ lo sốt vó vì kiệu không kịp lớn, không kịp bán tết và làm dưa kiệu. Là mất một nguồn thu để trang trải tết nhứt. Là những củ kiệu còn suôn đuột chưa kịp tròn, cũng phải bới lên để ăn tết…

Bây giờ, kiệu có thể dầm chua ngọt hay mặn, có thể búi tròn cả thân lẫn củ hay chỉ cắt ngang phần củ để độ giòn rụm giữ được lâu hơn. Người nhà quê cũng lấy củ kiệu kho với cá đồng và lá gừng. Nhưng mùi dưa kiệu của những tháng năm xưa vẫn không hề phôi phai trong ký ức. Chỉ cần món dưa kiệu ăn với bánh chưng, mùa xuân của tôi cũng đủ nồng nàn. Tôi vẫn biết rằng, không ai thể níu giữ thanh xuân hay những gì đã vuột khỏi tầm tay. Cũng như tôi đã không giữ được người anh đã đi rất xa của mình. Nhưng hoài niệm quá khứ, cũng là cách để trân trọng hiện tại, để nêm nếm cho đời mình thêm nhiều hương vị yêu thương.


Nguyễn Thị Diệu Hiền/ Báo Quảng Nam