Tự hào quê hương Việt Nam

Năm 2019, du lịch Việt Nam ước đón 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16%); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng 6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16% so với năm 2018).

Bên cạnh con số ấn tượng nói trên, trong năm qua, Việt Nam còn nhận được nhiều giải thưởng du lịch toàn cầu như: “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019”, “Điểm đến hàng đầu châu Á” (2 năm liên tiếp), “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”…

Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới ở vị trí 63/140 nền kinh tế.

Những thành tích này tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, đưa hình ảnh đất nước “rừng vàng, biển bạc” với kho tàng văn hóa đồ sộ trải dài 4000 năm lịch sử tới bạn bè khắp năm châu.

Tiếp tục hành trình du Xuân qua những di sản của Việt Nam(*) được thế giới công nhận, năm nay Tạp chí Quê Hương sẽ cùng bạn đọc “chu du” tới 9 khu dự trữ sinh quyển (khu DTSQ) thế giới ở ven biển và hải đảo, nằm rải rác trên khắp chiều dài đất nước ta.

Theo đánh giá của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), các khu DTSQ của Việt Nam vô cùng đa dạng, đã và đang góp phần không nhỏ trong khu dự trữ sinh thái, hạn chế xói lở, làm cho đất đai màu mỡ, điều hòa khí hậu, hạn chế ô nhiễm nước và không khí. Đặc biệt, các hệ sinh thái rừng ngập mặn đã tạo bức tường xanh bảo vệ vùng ven biển, hạn chế thiệt hại do hậu quả nước biển dâng, sóng, bão và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đây còn là nơi góp phần cho việc nghiên cứu các hệ sinh thái tự nhiên, di truyền, duy trì và kiến tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển. Bên cạnh đó, các khu dự trữ sinh quyển ven biển còn tạo điều kiện cho việc chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi kiến thức để phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết các mối đe dọa toàn cầu đang hiện hữu, như: nghèo đói, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu,… trong sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

Thêm một niềm tự hào nữa cho di sản Việt Nam, những ngày cuối cùng của năm 2019, UNESCO đã ghi danh Thực hành Then của Việt Nam là Di sản Văn hóa Nhân loại. Chúng ta cũng sẽ cùng tìm hiểu về di sản văn hóa phi vật thể này của quê hương nhé!

Quỳnh Hương

(*) Thông tin tư liệu và hình ảnh các di sản do Tạp chí Quê Hương sưu tầm và tổng hợp từ các nguồn.