Phó Thủ tướng Thường trực chủ trì phiên họp thứ 7 của BCĐ Cải cách tư pháp Trung ương

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương xem xét, thảo luận, cho ý kiến về 4 Đề án do Đảng đoàn Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam và Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao trình, gồm Đề án “Xây dựng cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của luật sư”; Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số tư pháp”; Đề án "Đổi mới, tăng cường hòa giải và đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân” và Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng”.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng Ban chỉ đạo biểu dương các cơ quan trình Đề án đã chuẩn bị công phu, nghiêm túc và tán thành với nhiều nội dung trong các Đề án.

Về Đề án “Xây dựng cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của luật sư”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần xác định rõ mục đích của Đề án là: Nghiên cứu, đánh giá đúng những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân của hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của luật sư thời gian qua.

Từ đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của luật sư trong thời gian tới; góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại, bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân...

Trong đó, trọng tâm là công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng hành nghề luật sư; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của luật sư và công tác bảo đảm các điều kiện để luật sư thực hiện đầy đủ, đúng đắn nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Đồng thời, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với mục tiêu, phương hưởng hoàn thiện cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của luật sư. Đồng thời, Đề án cần xác định rõ trách nhiệm của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về luật sư.

Về Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số tư pháp”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị xác định rõ mục đích của việc xây dựng Bộ chỉ số tư pháp là: Nghiên cứu, xây dựng Bộ chỉ số phản ánh đúng các chuẩn giá trị của hoạt động tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án), kèm theo bộ công cụ điều tra, khảo sát, lấy ý kiến người dân về chất lượng, hiệu quả hoạt động và mức độ bảo đảm khả năng tiếp cận công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong hoạt động tư pháp. Kết quả điều tra, khảo sát giúp các cơ quan được giao thực hiện các hoạt động tư pháp (Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án) biết rõ ý kiến, đánh giá của người dân, đề ra các giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, bảo vệ các quyền, lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; góp phần thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo đường lối của Đảng.

Về Đề án “Đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao đã tiếp thu và triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại Phiên họp thứ 6. Ban Chỉ đạo cơ bản đồng ý với kết quả triển khai thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 địa phương và kết quả xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình các cơ quan của Quốc hội xem xét theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân Tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý hoàn thiện dự án luật; đồng thời cần chủ động, khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để ban hành và thực hiện ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua.

Về Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng, Ban Chỉ đạo cơ bản nhất trí với đề xuất của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân Tối cao về việc trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định chủ trương thí điểm thực hiện sáp nhập một số Tòa án nhân dân cấp huyện có quy mô nhỏ, biên chế cán bộ từ 8 người trở xuống, số lượng án phải giải quyết dưới 200 vụ, điều kiện giao thông thuận lợi và được cấp ủy địa phương thống nhất.

Theo Phó Ban Chỉ đạo Trương Hòa Bình, đề án thí điểm cần kế thừa kết quả nghiên cứu, xây dựng đề án về việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực; bảo đảm mọi hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng thuộc địa hạt tư pháp nơi thí điểm sáp nhập các Tòa án cấp huyện đều hoạt động thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả. Đề án cần làm rõ mối quan hệ và bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng; xác định cụ thể vai trò và trách nhiệm giám sát của cơ quan dân cử, của các tổ chức xã hội và nhân dân ở địa phương đối với Tòa án cấp huyện mới.

Lê Sơn/ baochinhphu.vn