Tấn công hay đối thoại, Trump “xung đột” trong chiến lược đối phó Iran

 Tổng thống Trump mâu thuẫn trong chiến lược đối phó Iran. Ảnh: Reuters.

Quan điểm đầy mâu thuẫn của ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói Iran là mối đe dọa lớn nhất tại Trung Đông và để ngăn chặn Tehran trở thành một cường quốc hạt nhân, ông đã áp dụng biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay. Ông cũng cảnh báo rằng Mỹ đã “khóa mục tiêu và lên đạn” sẵn sàng trừng phạt Iran nếu phát hiện quốc gia này chịu trách nhiệm gây ra cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng bày tỏ mong muốn ngồi vào đàm phán với nhà lãnh đạo Iran. Hồi đầu năm 2019, ông Trump đã hủy chiến dịch tấn công quân sự Iran vào phút chót vì lo ngại chiến dịch này có thể cướp đi sinh mạng của quá nhiều người Iran. Chưa dừng lại ở đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng có xu hướng đồng tình với một kế hoạch do Pháp đề xuất cung cấp gói tín dụng 15 tỷ USD cho Iran để giúp họ đối phó với các lệnh trừng phạt.

Phát biểu với báo chí tại phòng Bầu Dục vào hôm qua (16/9), ông Trump nói: “Chúng tôi không muốn chiến tranh với bất cứ ai”, thế nhưng 1 giờ sau đó, ông lại cho rằng, tấn công quân sự vào một cơ sở dầu mỏ của Tehran sẽ là phản ứng phù hợp.

Những phát ngôn đầy mâu thuẫn có vẻ như rất logic xét theo quan điểm của nhà lãnh đạo Mỹ nhưng dễ dẫn đến nhiều xáo trộn trong chính sách đối ngoại của ông. Tổng thống Trump đang bị “giằng co” giữa việc ban bố một mệnh lệnh đối đầu Iran nhằm làm hài lòng những nhân vật ủng hộ cứng rắn trong đảng Cộng hòa, cùng các đồng minh là Israel, Saudia Arabia, với bản năng chính trị của ông chống lại sự can thiệp quân sự tại nước ngoài và tiến tới một thỏa thuận.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự thiếu chắc chắn trong quan điểm của ông Trump đã làm phức tạp hơn những thách thức liên quan đến chính sách đối ngoại mà Mỹ gặp phải tại Trung Đông, gây mất lòng Israel, dẫn đến sự ra đi của Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Trả lời phỏng vấn MSNBC hôm qua (16/9), Thượng nghị sỹ Ben Cardin cho biết: “Đây không phải là cách làm ngoại giao và điều đó sẽ gia tăng nguy cơ dẫn đến những tính toán sai lầm đối với cả Iran và Mỹ”.

Cách tiếp cận nước đôi của Tổng thống Trump về vấn đề Iran được được đưa ra dựa trên ý tưởng rằng, bằng cách rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và thay thế những điều khoản nhượng bộ trong thỏa thuận bằng các biện pháp trừng phạt mới, ông Trump có thể vừa làm hài lòng những nhân vật “diều hâu” trong chính quyền, lại vừa buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán về một thỏa thuận có lợi cho Mỹ.

Nếu Thượng đỉnh Mỹ-Iran được xúc tiến, ông Trump sẽ là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên gặp gỡ một Tổng thống Iran kể từ những năm 1970 và ý tưởng này luôn lôi cuốn ông, các cố vấn của Tổng thống cho biết. Ông Trump đã đưa ra một lời đề nghị chưa từng có tiền lệ kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo Iran được thành lập năm 1979, liên tục tái khẳng định sẽ ngồi vào bàn đàm phán mà không cần điều kiện.

Còn nhớ trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016, Tổng thống Trump từng cam kết chấm dứt cái mà ông gọi là “những cuộc chiến tranh không hồi kết”, nhưng cho đến giờ ông vẫn chưa rút hoàn toàn các binh sỹ Mỹ tại Afghanistan hay Iraq về nước. Và ông có lẽ không muốn bước vào chiến dịch tái tranh cử năm 2020 với một cuộc xung đột mới tại Trung Đông vì như vậy sẽ khiến đảng Dân chủ đưa ra lập luận thuyết phục rằng chính Tổng thống Trump đã tự dấn thân vào một cuộc chiến.

Các đồng minh chính trị cũng đã khuyên Tổng thống Trump rằng tấn công quân sự Iran có thể làm leo thang căng thẳng tại Trung Đông và khiến ông bị tổn thương vì làm mất lòng những người ủng hộ chính vốn thích khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”, muốn hạn chế các nghĩa vụ của Mỹ tại nước ngoài, một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho biết.

Thoát khỏi di sản của người tiền nhiệm

Tuy vậy, cách tiếp cận 2 mặt của Tổng thống Trump với Iran không bao giờ thay đổi, một quan chức Mỹ cho biết. Ông luôn muốn làm tốt hơn di sản mà cựu Tổng thống Barack Obama để lại.

Trong bối cảnh đó, tuyên bố “khóa mục tiêu và lên đạn” mà ông đưa ra hôm 15/9 xuất phát từ mong muốn sử dụng biện pháp cứng rắn hơn để đối phó một “kẻ thù cứng đầu”, điều ông Obama nói nhưng không làm được. Và lời mời Iran đến bàn đàm phán bắt nguồn từ suy nghĩ cho rằng ông có thể gặt hái được một thỏa thuận tốt hơn người tiền nhiệm.

Chính Tổng thống Trump đã chỉ rõ thỏa thuận của ông với Iran sẽ khác với thỏa thuận của cựu Tổng thống Obama như thế nào: “Chúng ta không thể để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Họ sẽ chẳng bao giờ có được vũ khí hạt nhân. Nếu họ đang nghĩ về việc làm giàu nguyên liệu phát triển vũ khí hạt nhân, họ có thể phải quên đi điều đó”. Tuyên bố này ám chỉ một điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân 2015, cho phép Iran làm giàu uranium ở cấp độ thấp. Những người phản đối thỏa thuận cho rằng, bất cứ hoạt động làm giàu uranium nào cũng sẽ tạo cho Iran cơ hội phát triển vũ khí hạt nhân và Tổng thống nói rằng ông muốn lấp đầy lỗ hổng đó.

John Bolton không phải nhân tố quyết định

Sự thay đổi lập trường của Tổng thống Trump được thể hiện rõ nhất bằng quyết định để Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton rời chính quyền. Đối với một số người, cả ở Iran và Mỹ, sự ra đi của ông Bolton là một diễn biến tích cực. Họ tin rằng bằng cách loại bỏ nhân vật muốn công khai gây chiến với Iran, Tổng thống Trump gửi đi thông điệp rằng ông thích ngoại giao hơn là đối đầu bằng quân sự.

Tuy vậy, sự ra đi của ông Bolton chưa phải là dấu chấm hết cho những leo thang căng thẳng giữa Iran và Mỹ. Bên cạnh ông Trump vẫn còn những cố vấn “diều hâu” khác như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Thượng nghị sỹ Lindsey O. Graham hay Tom Cotton. Hơn nữa, chính phủ Iran có thể xem quyết định sa thải ông Bolton như một sự thừa nhận thất bại. Nói cách khác Tehran sẽ tin rằng chiến lược “kháng cự tối đa” của họ đang phát huy hiệu quả và càng không muốn tiến tới bàn đàm phán.

Điều gì xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc Tổng thống Trump lựa chọn ai là người đảm nhiệm chức vụ cố vấn an ninh quốc gia sắp tới. Nếu ông Trump bị khuất phục trước sức ép nới lỏng trừng phạt Iran mà không nhận được những nhượng bộ lớn thì ông sẽ đi theo “vết xe” của cựu Tổng thống Obama, đạt thỏa thuận mà không đáp ứng được những mục tiêu đề ra. Nhưng nếu Tổng thống Trump tiếp tục thực hiện chiến dịch “gây sức ép tối đa” và cảnh báo Tehran rằng thậm chí không có John Bolton ông sẽ không sẵn sàng là người nhượng bộ đầu tiên thì một ngày nào đó chính ông sẽ kết liễu thỏa thuận giúp giải quyết vấn đề Iran mãi mãi./.

(theo VOV.VN)