Mùa sứa ven sông

 Niềm vui của anh Lâm khi dùng tay bắt được sứa.
Ảnh: Đăng Nguyên

Mùa giêng hai, sứa nhiều vô kể. Dọc các làng chài ven sông Trường Giang của huyện Núi Thành, đâu đâu cũng thấy cảnh người dân chèo ghe ra sông để vớt sứa mang về bán, kiếm thêm thu nhập. Ông Phạm Thanh Dương, một người dân ở làng Hòa Bình (xã Tam Hòa, Núi Thành) cho hay, những năm gần đây, sứa trên sông rất nhiều nên nhiều hộ dân có thêm thu nhập thời vụ trang trải cuộc sống. Mỗi ký sứa, được bán tại chỗ có giá khoảng 20 nghìn đồng, riêng sứa chân (loại sứa chỉ lấy phần chân, bỏ phần mình) có giá cao hơn, bởi sứa săn chắc, ăn rất ngon nên được khách hàng ưa chuộng. Ngoài các nhánh sông Trường Giang, vài năm trở lại đây, sứa cũng xuất hiện tại nhiều lòng hồ nuôi cá nước lợ của người dân địa phương. Vì thế, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần hoặc dịp nào đó có khách ghé thăm nhà, họ lại cùng nhau xuống hồ nước, dùng vợt bắt sứa về chế biến các món ăn dân dã để đãi khách. Trên mâm, những đĩa sứa trộn được bày ra rất quyến rũ. “Điều thú vị, hầu hết người dân ở làng Hòa Bình không ai bắt sứa ở hồ để bán, mà chỉ biếu nhau, hoặc chế biến món ăn trong gia đình” - ông Dương bộc bạch.

Chúng tôi theo chân một hộ dân ở làng Hòa Bình đến khu vực hồ nuôi cá mú của gia đình. Từ phía xa, đã thấy một vài thanh niên dọc theo rìa hồ cá dùng vợt vớt sứa. Vừa đổ sứa vào trong chiếc thùng nhựa sau một hồi dùng tay vớt, anh Nguyễn Nhật Lâm vừa cười sảng khoái với người bạn của mình. Anh Lâm quê ở TP.Tam Kỳ, dịp nghỉ cuối tuần thường hay cùng các “chiến hữu” tìm về bắt sứa ở hồ của một người quen, như một dịp dã ngoại lý thú của những cư dân thị thành. Anh Lâm cho biết, những con sứa sau khi được vớt lên, mang về nhà rửa sạch, rồi cắt thành từng miếng nhỏ. Sau khi trụng qua nước sôi để khử mùi tanh, giúp sứa săn chắc, sứa được trộn đều với chuối chát, mít non và rắc thêm đậu phụng rang.

Với người dân xứ Quảng, món sứa trộn từ lâu đã trở thành món ăn dân dã, gắn kết những con người miền quê sông nước. Món sứa trộn khá dễ làm nên hầu hết người dân sống ở các làng chài ven sông Trường Giang cũng đều biết cách chế biến. Ngoài chuối chát, mít non và đậu phụng - những nguyên liệu chủ đạo, món sứa trộn còn được kèm thêm một vài gia vị khác như: rau húng, rau cải, hành ngò… tùy theo khẩu vị của từng người, từng gia đình. Ở nhiều vùng, trên đĩa sứa trộn, người ta cho thêm thịt heo nạc luộc băm nhỏ, bánh tráng, tép khô trộn đều ăn rất ngon miệng. “Người ở quê họ quý mến nhau, mời nhau ăn một bữa sứa trộn, uống với nhau vài ly rượu gạo mà thấy ấm áp tình anh em. Đâu cần thứ gì cao sang, ở nơi này, họ sống với nhau bởi cái tình, cái nghĩa nên xóm làng hòa thuận, anh em đoàn kết” - anh Lâm nói.

Nắng sớm mai phản chiếu lấp lánh xuống mặt nước trên cánh đồng nuôi cá. Những con sứa trồi lên, bồng bềnh tìm ăn bọt nước quanh hồ nên việc thu hoạch sứa khá dễ dàng. Theo kinh nghiệm của ngư dân làng chài, con sứa thường nổi nhiều vào buổi sáng sớm, khi nước thủy triều đang dâng lên, nhất là những ngày thời tiết mây mù, ít nắng. Tuổi thọ của loài sứa, vì thế cũng chỉ kéo dài trong mùa giêng hai. Qua mùa nắng nóng, sứa tự biến mất nên việc thu hoạch “lộc trời” vỏn vẹn khoảng hai, ba tháng sau dịp tết. Mùa sứa, các xóm chài ven sông Trường Giang không khí trở nên nhộn nhịp hẳn lên. Những chuyến ghe xuôi ngược, trên khoang, từng bao sứa được chất đầy chuẩn bị mang ra chợ bán. Nụ cười ngư dân giòn tan theo mùa sứa ven sông…

Đăng Nguyên/ Báo Quảng Nam