Độc đáo triển lãm 'Nhựa cây vẫn chảy' của nghệ sỹ Pháp và Việt Nam

Tác phẩm “Sài Gòn, cây xanh và đổ nát” của nghệ sỹ Freddy Nadolny Poustochkine với chất liệu bột màu trên giấy. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN 

Tối 24/4, tại Tòa nhà Millennium Masteri Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm “Nhựa cây vẫn chảy”.

Triển lãm gồm nhiều tác phẩm ở thể loại tranh, sketchbook (sách nhật ký), video, các tác phẩm sắp đặt của hai nghệ sỹ Pháp và Việt Nam được thực hiện từ góc nhìn thực tiễn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuột và vùng Cévennes (Pháp).

Theo Ban tổ chức, các tác phẩm của nghệ sỹ Pháp Freddy Nadolny Poustochkine là chuỗi phác thảo màu bột và nhật ký dạng video ghi lại ký ức mật thiết của chính tác giả với không gian, cảnh vật ở những vùng đất trên.

Đó là hình ảnh đô thị hóa, khung cảnh gợi cảm hoặc hình dáng của con người mà nghệ sỹ bất chợt gặp trong quá trình sáng tác.

Ngược lại, các tác phẩm của nghệ sỹ Trương Công Tùng ở thể loại sắp đặt được giới chuyên môn đánh giá là “đối-thoại-mơ-siêu hình” khi sử dụng nhiều vật dụng, chất liệu có từ thiên nhiên như, rễ cây cháy khô, tràng hạt gỗ kết hợp với những ghi chép về lịch sử dân tộc, tín ngưỡng bản địa vùng Tây nguyên Việt Nam.
Ý tưởng triển lãm “Nhựa cây vẫn chảy” bắt nguồn từ khi hai họa sỹ tận mắt chứng kiến rừng cây thông bị đốn ở vùng Cévennes (Pháp) cũng như hàng loạt cây cao su ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Việt Nam) bị chặt, đốt do rớt giá.

 Tác phẩm “Bụi rừng” của nghệ sỹ Trương Công Tùng được sắp đặt đa phương tiện. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Đó là hình ảnh của rừng cây xanh tươi, thẳng đứng nhưng khi bị đốn hạ thân cây nằm trơ trên mặt đất và từ những vết cắt, nhựa cây chảy tràn thấm vào đất, hòa vào không gian mùi hương nồng của gỗ…

Theo nghệ sỹ Freddy Nadolny Poustochkine và nghệ sỹ Trương Công Tùng, triển lãm sắp đặt lần này còn khơi gợi về hình ảnh quê nhà, sự đổi thay nhanh chóng của một đô thị.

Đây còn là dịp để người xem trải nghiệm sâu sắc hơn về nhân sinh quan trong cuộc sống hay một ký ức đang tuôn chảy trong nội tâm của mỗi con người như nhựa cây vẫn chảy.

Các họa sỹ đã dành nhiều thời gian và nhẫn nại sưu tầm, linh hoạt sử dụng nhiều chất liệu được khai thác từ thực tế trong cuộc sống để làm nên tác phẩm nghệ thuật đầy sức sáng tạo.

Từ góc nhìn của họa sỹ đến ý tưởng hội họa và cách sắp đặt trong không gian triển lãm ấm cúng đã mang đến cho người xem cảm xúc của tuổi thơ và lắng đọng thực tại.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 21/5./.

Thanh Vũ / TTXVN/Vietnam+