Kim Loan

 Minh họa: Phan Nhân

Đồng chí đại đội trưởng ạ, em xuất thân từ một thằng ăn cắp đấy.

- Sao, cậu có thần kinh không?

- Em nói thật mà.

***

- Ới ông Đèo ơi là ông Đèo ơi, sao ông không dạy con ông để nó đánh thằng Mãnh nhà tôi chảy máu mũi kia kìa.

Lại tiếng kêu của bà Thơm, hàng xóm với nhà ông Đèo. Bà cứ đứng ở ngõ nhà ông Đèo mà réo. Ông Đèo đi ra hỏi chuyện, bà kể rằng, thằng thứ năm nhà ông to như cột đình làng mà nó đấm thằng bé 10 tuổi còi cọc nhà tôi, thì sống làm sao được.

- Bà cho tôi xin, tôi sẽ hỏi nó xem sao.

Nó đi đâu nhỉ. Thoắt đấy, vừa ở vườn quét lá rụng mà đã đánh con người ta là cớ làm sao, 17 tuổi rồi, bé bỏng gì nữa. Chi họ Lê Kim nhà ông Đèo, chắc chỉ có thằng này là đứa đầu bò đầu bướu, khó dạy nhất. 10 tuổi mới vào lớp 1, 17 tuổi hết lớp 7 trên 10. Nó bỏ học không phải vì lớn tuổi ngồi lại với trẻ con thì xấu hổ, mà bỏ học vì thích chơi.

Đầu to như cái nồi đất thổi hết năm cân gạo mà vẫn nghịch với trẻ con. Nào là chơi trận giả bắt phi công Mỹ. Nó nhận nó là đội trưởng du kích xã, đám trẻ lau nhau từ 8 đến 10 tuổi ở ngõ đó tôn nó làm tướng từ lúc nó 12 tuổi, nay 17 rồi vẫn hò hét đuổi bắt, trèo cây trốn tìm. Có đứa bị ném bươu đầu mẻ trán (cái đứa đóng phi công Mỹ bị bộ đội ta bắn cháy máy bay, liền nhảy dù). Lại bị hàng xóm réo tên. Vì nó chủ trò làm con người ta bị đau. Nó cãi, ai bảo không đầu hàng mà chống cự chứ! Rồi sau đó nó còn ném đất đá vào nhà người ta vỡ cả chĩnh tương, giẫm cả vào vườn rau. Vẫn không chừa, dù bố đánh, chị đánh, hàng xóm chửi. Đó là chuyện đùa nghịch.

Thôn 1 là thôn nhiều người và diện tích rộng nhất trong 4 thôn của xã Tiến Lên. Nơi đây tập trung hơn 50 ông bà là chủ nhiệm, gia đình các ông trong Ban quản trị, gia đình ông kế toán trưởng, ông trưởng trại chăn nuôi v.v… thuộc hợp tác xã nông nghiệp. Kẻ trộm chỉ lấy trộm của những gia đình này, như chuyện xưa kẻ trộm chỉ lấy của nhà giàu mà thôi.

Gà, lợn, vịt, ngan, ngỗng rồi chó, kẻ trộm lấy không theo quy luật nào về thời gian: Bất kể sáng, trưa, chiều, tối. Gan hùm nhất là trại chăn nuôi lợn, gà vịt của hợp tác xã ở giữa cánh đồng, xung quanh là ao cá, ruộng rau muống của hợp tác xã dùng để nuôi lợn lấy thực phẩm cung cấp cho tiền tuyến - đã bị kẻ trộm hỏi thăm hàng chục lần, mỗi lần một con lợn từ 20 đến 40 kg, hoặc một bao tải gà, vịt. Dân làng nói với nhau: Mất gì chứ? Bảo vệ suốt ngày đêm, chó dữ nhiều. Ai dám vào. Chẳng qua là đám làm việc ở trại đập chết, chia nhau. Chia cho các ông bà chủ chốt và trong Ban quản trị hợp tác xã. Bà Lành nói:

- Tôi ở gần nhà ông phó chủ nhiệm tôi biết. Vợ con rất ít đi làm mà thóc lúa dư thừa, không phải ăn cơm độn sắn, độn khoai mà, ngày 3 bữa, mỡ lợn xào nấu thơm điếc mũi hàng xóm. Vợ ông kế toán trưởng, đội trưởng đội chăn nuôi ở trại, tối đến là cắp một bọc cám về cho lợn nhà mình. Rồi lão Tuyến, cạnh nhà tôi, gầy nhom như cá mắm, ra trại chăn nuôi có 3 tháng, bỗng béo tốt phổng phao, vợ ông ta 48 tuổi, lại có chửa 7 tháng rồi đấy. Trứng gà, trứng vịt nhiều, cứ cho vào nồi cám lợn đang sôi, độ 5 phút vớt ra, mỗi ngày 3 trái thôi, làm gì mà không béo tốt với chửa đẻ…

Tóm lại, mất trộm ở trại chăn nuôi thì dân làng đổ tại các ông ở trại lập biên bản lợn ốm, mổ chia nhau thôi. Như con bé tên là Gái, cháu họ tôi đấy - Bà Thao nói, ông nội nó là anh ruột bố tôi, văn hóa có lớp 3, nói ngọng, nói không ra hơi mà là thủ kho trại chăn nuôi, không phải ăn độn sắn khoai, quần áo toàn loại tốt. Thì chỉ ở kho hợp tác xã mà thôi! Nhưng còn gia đình các ông trong Ban quản trị hợp tác xã, rồi gia đình các ông đội trưởng sản xuất thì sao, kẻ nào lấy trộm chứ? Thánh thật, người mất của thì tức tối. Người nghèo thì hả hê.

 ***

Lúc huấn luyện tân binh 3 tháng để vào Nam, Loan là một thanh niên to khỏe, vạm vỡ. Cậu ta ít nói ít cười. Lúc tập thao tác cho đạn vào pháo, cậu làm nhanh nhẹn, chuẩn xác. Có lần cắp hai tay, mỗi bên một hòm đạn 30 kg, chạy băng băng. Làm khỏe, nhưng cậu ăn uống dè dặt, nhỏ nhẹ như con gái. Chuẩn bị hành quân vào Trường Sơn, tôi hỏi Loan:

- Sao lại có tên như con gái vậy - Lê Kim Loan?

- Dạ, nhánh họ nhà em tên lót là Kim - Lê Kim. Nhà em có 7 anh chị em, thứ tự như sau: Quý, Phái, Thanh, Bình, Loan, Phượng, Thêm. Quý, Thanh, Loan là trai, còn lại gái là Phái, Bình, Phượng, Thêm. Anh Quý em đã xuất ngũ, thương binh loại 2 hay 3 gì đó. Anh Thanh đang ở Lào. Còn em, chắc là vào Trường Sơn với các anh rồi.

Trên đường hành quân, có lúc nghỉ giải lao khoảng 30 phút. Thoáng một cái, Loan biến đi đâu mất. Chuẩn bị đội ngũ lên đường thì Loan về. Mặc quần cộc. Trên vai là chiếc quần dài căng phồng. Cậu đổ ra áo mưa, nói anh em ơi, dâu rừng đấy, ăn đi.

Lúc ở ngoài Bắc huấn luyện cho đến những ngày ở Trường Sơn, cậu vẫn ít nói. Đồng đội kể tiếu lâm cho nhau bên mâm pháo 37 ly, những lúc máy bay không đến. Mọi người cười vỡ bụng mà mặt Loan lạnh băng, không hiểu cậu ta nghĩ gì mà mặt lúc nào cũng đăm chiêu. Tôi hỏi Loan:

- Thế thì những thứ lấy trộm được cậu đem đi đâu?

- Dạ, em cho những gia đình nghèo trong họ nhà em, rồi đến những gia đình bộ đội neo đơn nghèo khổ. Họ hỏi, thịt này ở đâu, em nói là… bắt được ngoài sông. Yêu cầu mọi người im lặng. Được ăn, họ im, chứ ai họ nói. Đem về nhà thì bố em chém chết. Em biết đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma nên ở tuổi 17 em dừng mọi chuyện trộm cắp và trêu chọc trẻ em. Có lần, bà Thơm hàng xóm chỉ vào mặt em nói: “Thằng giời đánh không chết kia, phải cho mày vào bộ đội, người ta rèn cho mày. Sắt cũng mềm, con ạ”. Em vặc lại: “Môi trường bộ đội không phải là cái thùng rác nhé, bà đừng láo”. Thế là đủ 18, em xung phong đi bộ đội, mặc dù có tên trong diện tạm hoãn.

Tôi hỏi lại Loan:

- Nhưng chả lẽ 5 năm ăn trộm, bố mẹ cậu không biết à?

- Dạ không, vì em có đem về nhà đâu, em đem cho những người mà… em đã nói với anh lúc nãy đấy.

- Con lợn to nhất cậu lấy là bao nhiêu ký?

- Gần 50, còn thì 25, 30 ký đại đội trưởng ạ.

- Vậy sao lợn không kêu nhỉ?

- Đấy, mới là tài. Thế này nhé: Vịt, gà, ngan, ngỗng vốn sợ rắn. Em bắt con rắn nước, nhốt vào chậu kín cho nó chết. Tối, em mở cửa chuồng gà, đưa con rắn vào, chúng im như thóc. Nhưng mỗi nhà, em chỉ lấy 5 đến 10 con. Từ năm em 13 đến 17 tuổi, em lấy mỗi nhà có một lần thôi. Riêng trại chăn nuôi, 5 năm, mỗi tháng là… một lần. Chú họ em là Lê Kim Đán, Trưởng ban kiểm soát hợp tác xã, cô họ Trưởng ban kế hoạch hợp tác xã… em lấy tuốt không tha.

- Bắt lợn thế nào cho nó khỏi kêu? Cho rắn vào à?

- Không, không. Trong muôn loài, chỉ có con lợn không sợ rắn. Rắn độc đến mấy, đến gần là bị lợn đớp chết tươi, kể cả lúc lợn đang ngủ say.

- Thế thì dùng cách gì?

- Lấy rọ mõm, lót lá hoặc giấy rồi đổ tro bếp và nhét vào mõm của nó. Nó ngạt thở, nằm im, thế là em cho vào bao tải vác đi. Xung quanh trại có đến 10 mẫu trồng rau, em cắt thoải mái, bí mật quăng vào chuồng lợn của những người nghèo mà em từng cho thịt, gà, vịt đấy, thủ trưởng ạ.

Câu chuyện Loan kể rất hấp dẫn bởi các tình tiết mạch lạc rõ ràng như nhìn trên phim ảnh. Tôi hỏi, cậu bịa hay là tiếu lâm cho vui vậy?

- Thật 100% thủ trưởng ạ. Nhưng chỉ thủ trưởng biết thôi, nếu để cho ai biết, họ sẽ nghĩ rằng tại sao trong đội ngũ oai hùng của chúng ta lại có một người đã từng là kẻ trộm.

Tôi an ủi Loan rằng, tôi sẽ không kể cho ai nghe. Với lại, có những người trước kia là tướng tá của đối phương, sau theo hồng quân, lên chức nguyên soái cơ mà. Chuyện ăn trộm của cậu quá nhỏ, mỗi một nhà, chỉ vào một lần mà là vào nhà… giàu, lấy trộm đem cho người nghèo. Mà thôi, quên chuyện đó đi, khuya rồi đấy. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm ra suối rửa mặt, đã thấy Loan ngồi trên bờ. Nhìn kỹ Loan, tôi thấy đây là con người thành thật, chuyện cậu kể, không phải là chuyện bịa để làm quà. Mà nếu là chuyện thật cũng chẳng sao, bởi ở chỗ nào mà chả có người có những quá khứ vấp ngã.

Quay về trận địa, ăn sáng xong thì cả Trường Sơn lại chuyển động. Máy bay Mỹ lại đến bắn phá đường giao thông, chúng quần đảo đi, lại, tiếng động cơ máy bay như xé nát bầu trời. Các trận địa pháo đồng loạt nhả đạn.

- Cháy rồi, các đồng chí ơi! Hai chiếc F 105 kia kìa.

Loan không reo hò như mọi người mỗi lần máy bay Mỹ bị hạ gục. Chỉ lẩm bẩm mấy câu đ. mẹ thằng ăn cướp, chết cha chúng mày đi.

Bữa cơm chiều hôm ấy thật vui, giữa chừng bữa ăn, Loan cầm trên tay chiếc túi bằng vải đựng gạo, mà bộ đội ta gọi là ruột tượng. Túi căng phồng. Cả hai khẩu đội pháo chúng tôi ở gần nhau cũng mới nghe lần đầu tiên Loan nói to, trôi chảy:

- Các đồng chí xem đi, tôi tặng mỗi đồng chí 3 cái lược, 2 cái nhẫn. Một lược một nhẫn cho người yêu và em gái, một lược đem về tặng mẹ.

Mọi người ngạc nhiên, nhất là tôi, ăn ở, chiến đấu với khẩu đội 1 nơi có Loan, không rõ cậu ta làm từ bao giờ, khéo tay quá. Nhẫn, lược làm bằng Đuyra - xác máy bay Mỹ. Mấy chục cái lược bằng nhau chăn chắn, hình chiếc máy bay. Còn nhẫn, chiếc to, chiếc nhỏ. Tất cả trầm trồ, thán phục. Hỏi thì Loan bảo làm vào buổi trưa, lúc mọi người đang ngủ. Trời ơi, vậy là hơn một năm chiến đấu ở Trường Sơn, Loan không ngủ trưa! Khỏe vậy đấy. Loan nói tiếp, cạnh nhà tôi có anh đi bộ đội, bắn máy bay ở Hàm Rồng - Thanh Hóa. Về phép, anh ấy đem nhiều nhẫn làm từ xác máy bay Mỹ. Anh tặng chị gái tôi một nhẫn đẹp lắm. Tôi ăn trộm của chị tôi làm mẫu rồi mua một giũa thép và tập làm đấy các đồng chí ạ. Tôi có mang theo mấy cái giũa vào đây. Số nhẫn còn lại này, sau khi hết giặc, tôi đem về để tặng bố, mẹ, cô, dì và các chị em của tôi, tặng các gia đình thương binh liệt sỹ, thậm chí cho cả những gia đình mà tôi đã từng… à quên (chỉ tôi hiểu là Loan định nói gì). Nếu rủi mà tôi hi sinh, nhờ đại đội trưởng Lê Dũng khác huyện, khác tỉnh với tôi nhưng cách nhà tôi một con sông. Đồng chí hãy nói, thằng Loan con ông bà đã thành người lớn rồi. Biết phải trái rồi. Và… không sợ giặc!

… Ai ngờ đó lại là lời nói cuối cùng của Loan. Đêm ấy, Loan không vào phiên trực. Khoảng 2 giờ sáng, bỗng mặt đất ầm ầm chuyển động. Chúng lại đến, bom lại ném bừa bãi, pháo sáng soi rõ như ban ngày. Hầm của Loan bị sập do một trái bom nổ bên cạnh. Lúc đơn vị đào bới, đưa được Loan ra thì cậu đã tắt thở từ lâu, chỉ vì đất đá, cây cọc làm hầm đè chặt vào thân thể Loan…Tôi ôm lấy Loan mà kêu to: Loan ơi, em ơi… trẻ quá, tuổi chưa đầy 20. Cả đại đội tiếc thương Loan…

… Không có những trang viết như thế này thì những cuộc chiến đấu trong chiến tranh giữ nước vẫn xảy ra và kết thúc. Chỉ có điều là, những trang viết được ghi lại để nhắc nhở thế hệ mai sau rằng cha anh ta đã sống một thời oanh liệt như thế. Và hàng vạn những chàng trai trẻ như Kim Loan đã ra đi mãi mãi mà chưa biết đến yêu, đến nhớ một người thiếu nữ nào đó. Thậm chí, trong quá khứ, có người đã từng vài lần vấp ngã như Loan. Nửa thế kỷ đã qua rồi, tôi vẫn nhớ đến từng gương mặt đồng đội đã một thời sống chết có nhau ở Trường Sơn. Những lúc nhớ họ, tôi nghĩ đến mấy câu thơ của ai đó viết về những người anh hùng, những con em của nước Đại Việt ta:

…Một chiếc lá ngô đồng

Rơi xuống thành câu hát

Một người lính không về

Thành bài ca không tắt.

Nguyễn Thanh Hương (baolamdong)